BIẾN CHẤT

Capitalism Crocodile tear

BIẾN CHẤT

Cho đến thời điểm này, chưa có một nước nào tuyên bố rằng họ đã hoàn thành việc xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa, chứ chưa nói đến xã hội cộng sản. Và khi chưa có sẵn hình mẫu nào cũng đồng nghĩa với việc phải mò mẫm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Điều đó nói lên ý gì? Có nghĩa là trong quá trình đó sẽ có tốt, có xấu, có cái đúng và cũng có sai lầm. Phe xã hội chủ nghĩa trước đây lấy nền kinh tế kế hoạch làm căn bản, dẫn đến năng suất lao động xã hội thấp, tất yếu sẽ đi đến tan rã. Cách nay nhiều thập kỷ, chủ nghĩa tư bản đã tự lột xác, tự đổi mới, năng suất lao động ngày càng cao, hàng hóa dư thừa, nên không thể không tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo ra các cuộc chiến tranh thương mại và cả chiến tranh súng đạn nếu cần, đồng thời cũng tạo ra sự bất bình đẳng xã hội cũng như bất bình đẳng giữa các dân tộc.

Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế theo quy luật của kinh tế thị trường. Chính cái yếu tố “thị trường” ấy mà có ý kiến cho rằng, Việt Nam chỉ có cái vỏ là xã hội chủ nghĩa còn ruột là tư bản chủ nghĩa. Song nhiều người đã không chú ý đến mệnh đề kế tiếp là “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Có thể nói gọn cái nội hàm của định hướng xã hội chủ nghĩa, ấy là từng bước (chứ không phải ngay một lúc) tạo nên một xã hội công bằng. Tức là vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, thỏa mãn mọi nhu cầu, vừa giải quyết tình trạng bất bình đẳng xã hội, nhằm khắc phục một điểm yếu của chủ nghĩa tư bản.

Ngày 18 tháng 2 năm 2013, trong buổi nói chuyện tại một hội nghị ở Minneapolis, thuộc bang Minnesota, Mỹ, đức Dalai Lama thứ 14, đã tự nhận mình là một nhà Marxist, theo ông chỉ có xã hội xã hội chủ nghĩa mới có công bằng xã hội. Ông nói: “Trong các quốc gia tư bản chủ nghĩa, khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày một tăng lên. Trong khi ở các nước marxism, họ nhấn mạnh đến sự phân phối công bằng” (nguyên văn: “In capitalist countries, there is an increasing gap between the rich and the poor. In Marxism, there is emphasis on equal distribution”).

Như tôi nói ở phần trên, việc xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng  xã hội chủ nghĩa từ xưa tới nay là chưa có tiền lệ, chưa có một hình mẫu nào, nên trong các thành công có cả các thất bại, trong nhiều cái tốt cũng xuất hiện cái xấu, giải quyết được mâu thuẫn xã hội này lại xuất hiện mâu thuẫn khác. Nói vậy không có nghĩa tôi bênh vực hay bao che cho những sai lầm, những yếu kém của nhà cầm quyền đương thời. Song thử hỏi, trên đường đi của bạn trong rừng rậm, không có những con đường mở sẵn, bạn chỉ có một cái la bàn và một con dao phát, bạn phải tự tìm đường, tự mở đường mà đi, thì bạn có thể đi nhanh được không và có chắc bạn đã không có sai lầm?

Có bạn lại bảo, thì cứ theo hình mẫu của các nước tư bản mà làm, tìm đường đi mới mà làm gì? Bạn quên mất câu nói của đức Dalai Lama mà bạn vừa đọc ở đoạn trên. Một khi công bằng xã hội không được giải quyết thì bạn có muốn không?

Tỷ lệ hộ dân nghèo của nước ta vào những năm 80 vào khoảng 60% (theo WB), đến cuối năm 2017 toàn quốc chỉ còn dưới 7% hộ nghèo (Báo Lao động), tức là còn khoảng 9 triệu người thuộc diện nghèo. Trong một báo cáo phát đi ngày 5/4/2018, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có một nhận định tổng quát: “Tỷ lệ giảm nghèo ở VN là lớn nhất trong thập kỷ qua” và là hình mẫu về thành công trong xóa đói giảm nghèo trên thế giới. Từ năm 2014, bình quân mỗi năm ở VN có 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu theo chuẩn thế giới. Vậy chủ nghĩa xã hội là tốt hay xấu? Nếu chúng ta biết xuất phát điểm của nền kinh tế VN trước năm đổi mới (1986) kém cỏi như thế nào thì mới thấy thành tựu sau 22 năm này là đáng để ta suy ngẫm. Mười hai năm đối với một đời người là dài, nhưng với một quốc gia thì nó lại quá ngắn.

Ngày nay có một số ý tưởng, một số nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa mới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vấn đề trầm trọng của chủ nghĩa tư bản như ông Sanders ở Mỹ hoặc ông Jean-Luc Mélenchon ở Pháp. Người ta đã nhận ra rằng, “sự giàu có và tầng lớp lao động mới do chủ nghĩa tư bản tạo ra nhằm mở rộng quyền dân chủ sang các lĩnh vực xã hội và kinh tế, song không một nhà tư bản nào cho phép”.

Trong bài viết với tựa đề “Quá khứ chính là tương lai của chủ nghĩa xã hội”, Tạp chí ‘Người quan sát’ (The Observer) ngày 01 tháng 02, 2018, đã lấy hình ảnh chuyến tàu Phần Lan (con tàu đưa Lenin sang lánh nạn ở Phần Lan cách nay cả trăm năm), để nói về sự khởi đầu của nền dân chủ xã hội mới, Observer viết: “Trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay (thế kỷ 21), một số người lo ngại về ‘chuyến tàu quay lại Phần Lan’ thông qua sự ủng hộ dành cho các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa như Sanders và Mélenchon. Nhưng mối đe dọa đối với nền dân chủ ngày nay đến từ cánh hữu, chứ không phải cánh tả. Chính trị dường như đang đặt ra hai con đường tiến về phía trước, cả hai đều là các hình thức chủ nghĩa tập thể độc tài”. [‘Chủ nghĩa tập thể độc tài’, theo tôi hiểu là một đảng – tập thể lãnh đạo, và không phân quyền, khác với nhà độc tài, là một cá nhân và cũng không phân quyền (Ph.T.Kh.)].

“Ga Phần Lan ở thế kỷ 21 sẽ không phải là một thiên đường. Bạn vẫn có thể gặp phải bất hạnh và đau khổ ở đó. Nhưng nó sẽ là một nơi cho phép rất nhiều người, vốn đang bị đàn áp bởi những sự bất công được tham gia vào việc tạo ra một thế giới mới” (Hết trích).

Các bạn thân mến,

Loài người, bất kể màu da – đen, trắng, đỏ, vàng, thì máu của tất thảy đều cùng một màu – màu đỏ. Cũng như thành phần của máu, giống người nào cũng chỉ bao gồm hai thành phần chính là tế bào và huyết tương. Vậy thì tại sao, lại có kẻ phản bội và người trung thành? À, thì ra không phải tại máu mà là tại trái tim và khối óc. Những kẻ phản bội, người thiếu hiểu biết hoặc những kẻ có tâm địa xấu, không hoặc không muốn phân biệt giữa bản chất và hiện tượng, lợi dụng những yếu kém của qúa trình đi lên của một xã hội công bằng để đả kích và đánh phá, chúng vẫn mang trong người dòng máu như tất cả chúng ta, nhưng trái tim và khối óc của chúng đã biến chất. Đối với chúng lẽ phải là những gì chúng muốn chứ không phải đa số người dân mong muốn và đất nước mong muốn.

Bọn chúng chỉ là thiểu số. Còn đại bộ phận chúng ta vẫn nói là “máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước…” như lời một bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên./.

Tháng Tám, 2018

Ph. T. Kh.

CN Hanoi

Hình trên: Nền công nghiệp VN trong những năm 60

Hình bên: “Nước mắt cá sấu”. Nguồn trên internet

 

 

Add a Comment

Your email address will not be published.