VÌ SAO TÔI PHẢI ĐỌC SÁCH

IMG_20180806_203111

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

VÌ SAO TÔI PHẢI ĐỌC SÁCH?

Thoạt nghe, ai cũng nghĩ rằng đây là một câu hỏi ngớ ngẩn, hoặc có ý dạy đời gì đây. Xin thưa, không phải vậy. Từ xưa tới nay tôi vốn không được sách vở yêu, nên tuổi đã già mà chẳng có cái bằng cấp gì để khoe với thiên hạ. May mà thời nay có nhiều người đỗ đạt quá, nên cái bằng cấp trở thành thứ chẳng quý hiếm gì, chứ nếu như còn cái thời phong kiến thì chắc chắn tôi là người cả đời phải đi phu đi dịch.

Phi lộ mấy lời như vậy là đủ. Bây giờ xin trả lời câu hỏi trên.

Chẳng là, tôi có tính không thích nghe cái thứ nhạc mà có thời người ta gọi là “nhạc vàng”, nghe nói hiện nay thuộc dòng nhạc “Bolero” gì đó. Khoản này thì tôi mù tịt. Chỉ vì cái đời tôi đã không gặp nhiều may mắn như những người khác, nên tôi thường hơi bị buồn. Đã buồn mà còn phải nghe tiếng ca não nề thì buồn hơn, như cụ Nguyễn Du đã nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”.

Song “ghét của nào thì trời trao của đó”. Ngược lại với tôi, bà xã tôi lại rất thích nghe cái dòng nhạc mà nó làm tôi buồn thêm ấy. Thế là chiếc TV trong phòng khách đã làm thỏa mãn yêu cầu của bà. Nó phục vụ bà từ sáng đến chiều. Chẳng trốn đi đâu được, tôi phải trốn vào cái phòng làm việc nhỏ nhoi của tôi, đóng cửa lại, để khỏi còn nghe thấy gì. Thế là tôi lại sung sướng!

Cứ mở cửa ra rồi lại phải đóng cửa vào y như bị nhốt vậy. Rõ ràng cửa phòng không có then khóa mà vẫn nhốt được người. Đúng như vế ra đối mà thầy Đàm Thuận Huy (thời Lê) ra cho học trò của mình là Nguyễn Thanh Giản đối, như sau:

“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (mưa không có then khóa mà giữ được khách). Tôi mạn phép đổi chữ “vũ” thành chữ “nhạc” và chữ “khách” thành chữ “phụ” (chồng), để nó hợp cảnh hơn: “Nhạc vô kiềm tỏa năng lưu phụ”. Nhân tiện viết nốt vế đối của Nguyễn Thanh Giản để ai chưa biết thì biết: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”, vế đối không hạp cảnh tôi nên miễn bàn.

Quanh đi quẩn lại trong cái phòng có mấy mét vuông, tôi chẳng biết làm gì cho hết giờ, thế là kiếm cái gì đó để đọc. Đọc hết một cuốn mà tiếng nhạc vẫn nỉ non, nên lại phải kiếm thêm cuốn nữa. Cứ mấy ngày lại phải mua một cuốn sách. Tháng này sang tháng khác, chẳng mong muốn mà tôi cũng có một kệ rồi hai kệ sách. Thế là tôi biết đọc sách.

Một sự bất đắc dĩ phải làm quen với sách. Cứ thấy nhạc ở phòng khách tấu lên, tôi tự nguyện vào phòng lấy sách ra đọc. Riết rồi thành quen, một phản xạ có điều kiện như người ta dạy thú cưng vậy. Âu đây cũng là một minh chứng cho học thuyết của Pavlov./.

Tháng Tám, 2018

Ph. T. Kh.

 

Add a Comment

Your email address will not be published.