TẢN MẠN VỀ BỘ MÁY CÔNG QUYỀN

41441504_2199537836941

TẢN MẠN VỀ BỘ MÁY CÔNG QUYỀN
Các bạn thân mến,
Rời bỏ cơ quan nhà nước, tôi có hơn 20 năm đứng ra xa để nhìn lại, mới thấy đất nước trong quá trình đi lên còn nhiều chuyện bất cập thiệt. Âu đó cũng là tất yếu cho bất cứ ai vừa làm vừa mò mẫm.
Tôi viết một bài tùy bút dài về vấn đề công chức nhà nước. Để bạn đọc khỏi nhức đầu vì viết đã dở lại còn dài lê thê nữa, nên tôi xin chia nó ra khoảng bảy tám phân đoạn, để bạn nào có hứng đọc thì đọc.

Phần 1

Cách đây ít ngày, có báo phóng lên một con số, rằng hiện tại ở nước mình, cứ 9 người dân phải nuôi một công chức. Thế là làm náo loạn cả lên, bao nhiêu là còm-men. Tôi đứng ngoài trong cái trào lưu ấy, vì tôi chẳng có gì trong tay để tham gia. Tôi nghĩ khối người cũng chẳng có chút số liệu nào trong tay như tôi, nhưng cũng phê phán ghê gớm lắm, cốt là để nhận được nhiều “like”, nhiều “share”. Vậy là “tay không bắt giặc”. Vấn đề này tôi sẽ nói sau, ở đây có thể khẳng định con số đó là không đúng.

Phải nói ngay rằng, bộ máy quản lý doanh nghiệp (quốc doanh), quản lý nhà nước, quản lý xã hội còn cồng kềnh, cồng kềnh là bởi nhiều tầng nhiều nấc. Cồng kềnh là bởi, cái suy nghĩ của “những ngày xưa ấy” nó cứ bám lấy một cách dai dẳng vào những người đã từng sống trong một thời ai cũng muốn trở thành “người nhà nước”. Thế là bộ máy của cái mác “người nhà nước” nó cứ phình to ra, không ai chịu buông bỏ.

Cho phép tôi khoe một chút. Năm 1995, tôi bỏ công ty nhà nước ra ngoài làm để thử sức, thế cũng gọi là dũng cảm nhưng lại không hợp thời. Năm 1991 tôi làm đơn xin thôi việc, đến bốn năm sau mới được chấp thuận, tôi đã bị mấy anh em bạn hữu chửi rằng “sao mày ngu thế?”. Vậy là tôi ngu lần thứ hai, lần ngu thứ nhứt là tôi xung phong đi miền núi sau khi tốt nghiệp ở trường kỹ thuật. Lần thứ ba mà tôi bị chửi ngu là tôi xua hai đứa con trai tôi đi làm nghĩa vụ quân sự, xong thì tự bươn trải, đừng bám vào nhà nước, tức là đừng gắn cái mác “người nhà nước” vào thân. Vậy mà cho đến nay, gia đình chúng tôi có cuộc sống “dưới vạn người nhưng cũng trên vạn người”! Và cũng nhờ những lần ngu ấy mà bây giờ về già rồi, tôi thấy lòng mình thanh thản lắm.

Thôi, khoe thế đủ rồi. Trở lại chuyện nhà nước. Tôi lấy cái ngành điện mà tôi đã gắn bó với nó gần bốn mươi năm để nói về chuyện tổ chức quản lý. Dù sao thì nó cũng đại diện phần lớn những gì mà ta đang cho là “yếu kém” trong công tác tổ chức quản lý nhà nước. Chuyện ngành điện miền bắc, miền trung xin dành cho anh em ngoài đó nói. Tôi ở miền nam nên nói về ngành điện miền nam, nhé các bạn.

Phần 2

Phần này tôi muốn nói rằng, quả thiệt bộ máy công quyền của chúng ta rất cồng kềnh, quan liêu bao cấp (như người ta thường nói), ngành điện cũng không thể khác trong cái trào lưu ấy. Nhưng, những gì mà bộ máy đó mang lại (cho ngành điện) cũng không tồi. Có thể có người sẽ nói, nếu bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả hơn, bớt quan liêu hơn thì thành tựu đáng lẽ còn lớn hơn thế. Vâng có thể bạn nói đúng, nhưng lấy gì mà so sánh một khi, cái “đáng lẽ có” thì nó lại không có, nên không thể so cái có với cái không có được bạn nhỉ?

Miền nam được giải phóng từ năm 1975, ngày đó, ở miền nam (từ Huế vào đến Cà Mau) chỉ có 2 nhà máy nhiệt điện (Cần Thơ và Thủ đức), 1 nhà máy thủy điện Đa Nhim, ngoài ra còn một số máy phát điện lưu động dùng dầu diesel, có công suất tổ máy từ 500 kilo-watts (KW) đến 2.100 KW, chỉ đủ cung cấp cho Sài gòn, mấy thành phố lớn và các thị xã. Nhưng thủy điện Đa Nhim trong chiến tranh bị đánh bể một đường ống thủy áp, hơn nữa đường dây 230 kV đưa điện về Sài gòn cũng không vận hành được, nên chỉ cung cấp cho Đà Lạt và một ít vùng ở Phan Rang, Tháp Chàm . Sau đó, Công ty điện lực miền nam (quản lý từ Phan Rang trở vào) xây dựng thêm các nhà máy thủy điện Trị An, thủy điện Thác Mơ, thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi và một số nhà máy thủy điện có công suất dưới 100 MW, nhiệt điện chạy bằng gas ở Bà Rịa, Phú Mỹ, Nhơn Trạch rồi có thêm vài nhà máy nhiệt điện do nước ngoài đầu tư như Hiệp Phước, BOT Phú Mỹ cộng thêm một vài tổ máy phát điện gas turbine nữa, nên công suất điện tạm đủ để cung cấp cho các nhu cầu toàn miền nam, thực hiện việc điện khí hóa toàn miền.

Đó là những nguồn điện mà Công ty điện lực Miền nam có, cộng thêm với hàng trăm km đường dây dẫn điện cao thế (220 kV) và hàng vạn km đường dây hạ thế, đưa điện đến vùng nông thôn, các thị xã, thị trấn, nơi mà trong những năm chiến tranh không thể thực hiện được. Có thể nói, miền nam Việt Nam, chỉ sau bốn mươi năm đã thực hiện công cuộc điện khí hóa toàn miền, kể cả một số đảo xa như Phú quốc, Lý Sơn vân vân.

Tôi xin nêu vài con số để cung cấp cho những ai chưa biết ngành điện đã làm được những gì nhé:

Công suất các nhà máy điện cả nước năm 1975: 1.326 MW (1 MW=1000 kW)

Công suất điện cả nước đến năm 2014: 34.000 MW (gấp trên 30 lần năm 1975)

Điện năng cả nước đã dùng trong năm 2017: 160 tỷ kWh (bình quân mỗi người dân xài 1.700 kWh/ năm).

Dự kiến điện bán ra từ năm 2020 đến năm 2030 đều tăng, đến năm 2030 sẽ 506-559 tỷ kWh. Nếu đến năm 2030 mà dân số nước ta là 100 triệu người (giả thiết) thì mức tiêu thụ bình quân đều người sẽ tăng từ 1.700 kWh năm 2017 lên 5.000 hoặc 5.600 kWh/người.

Tuy thế, mức tiêu thụ này so với các nước tiên tiến trên thế giới còn thấp, chúng ta còn phải cố gắng nhiều. Song chúng ta nên biết, vì xuất phát điểm của ngành điện nước ta rất thấp vậy cũng nên ghi nhận những thành tựu đáng kể đó.

Đừng ai phủ nhận những thành tựu này của ngành điện nước ta, nhất là trong suốt 20 năm bị Mỹ và các nước phương tây cấm vận, trong khi các thiết bị điện ở miền nam đều do Mỹ, Nhật … chế tạo, chẳng dễ gì có thể mua được phụ tùng thay thế nên nó xuống cấp dài dài.

Trước khi tôi rời khỏi công ty quốc doanh, thì Công ty điện lực Miền nam vẫn có chức năng quản lý cả các nhà máy điện, các đường dây truyền tải điện và toàn bộ hệ thống phân phối điện. Rất gọn gàng, tuy rằng nếu chặt chẽ thì có thể giảm bớt sự cồng kềnh ở một số khâu. Nhưng thôi, so với hiện tại thì cũng đã tốt lắm rồi.

Tháng Chín 2018

Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.