TẢN MẠN VỀ BỘ MÁY CÔNG QUYỀN Phần 4

41532814_2199537090275

TẢN MẠN VỀ BỘ MÁY CÔNG QUYỀN.

Phần 4
Trước khi vào phần chính của bài viết, chúng ta cùng nhau “ôn cố tri tân” một chút. Bạn có biết mức tiêu thụ điện bình quân trong một năm của một người dân Pháp vào năm 1937 là bao nhiêu không? Xin thưa: 433 kWh. Trong khi đó, con số trên của dân xứ thuộc địa Đông dương là 8 kWh, đó là con số của hai năm sau, tức là vào năm 1939. Mỗi người ở “mẫu quốc” xài 433 kWh/năm, trong khi dân thuộc địa chỉ có 8 kWh/năm thôi các bạn ạ, tức là họ xài gấp 50 lần dân xứ mình. Ấy vậy mà nhiều người cứ bảo, nước Pháp mang văn minh đến, sao lại nỡ đuổi họ đi! Thôi thì tùy vào sự hiểu biết và sự suy nghĩ của mỗi người.

Dưới đây là các con số về số người dùng điện (và nước) do các công ty của Pháp lập ra và cung cấp (Số đầu là năm thành lập):
– 1939: Société Indochine d’électricité – có 21.300 thuê bao
– 1941: Société Indochinoise pour les eaux et électricité en Annam – có 5.100 thuê bao
– 1942: Compagnie des eaux et d’électricité d’Indochine – có 22.000 thuê bao
– 1943: Société coloniale d’ éclairge et d’energie – có 54.000 thuê bao
– 1944: L’union électrique d’Indochine – có 4.475
(Tôi không dịch tên các công ty này ra tiếng Việt, để bạn nào muốn tham khảo thì vào đọc cuốn Outre-Mers trong ‘Tạp chí lịch sử’ của Pháp, năm 2002. Nói chung đều là các công ty điện và nước, kinh doanh ở các khu vực khác nhau, có miền bắc, có miền nam, miền tây nam bộ và có cả ở Lào và Campuchia).

Một vài nhà điện do Pháp xây dựng ở Việt Nam cho đến khi họ rút khỏi nước ta (1954), gồm có nhà mày điện Yên Phụ cung cấp điện cho Hà Nội và mấy tỉnh lân cận; nhà máy điện Thượng lý, Hải Phòng, cung cấp điện cho nhà máy xi-măng; nhà máy điện Cửa Cấm, Hải Phòng, cung cấp điện cho cảng Hải Phòng; nhà máy điện Hòn Gai, cung cấp điện cho khu mỏ than; nhà máy điện Chợ Quán, cung cấp điện cho Sài gòn – Chợ Lớn. Lò hơi của các nhà máy điện này đều đốt bằng than lấy từ Hòn Gai, Cẩm Phả và không nhà máy nào có công suất tới 30 MW. Để truyền tải điện, họ xây dựng một số đường dây cao thế chỉ đến cấp điện áp 35 kV thôi, không hơn.

Đó, gia tài của “mẫu quốc” Pháp để lại cho chúng ta chỉ có thế. Sau đó thì mấy nhà máy này ở miền bắc lại “được” máy bay Mỹ san ủi hộ, không thể khôi phục được. Riêng nhà máy điện Chợ Quán, cũ quá rồi nên chính quyền Sài Gòn thay thế bằng các máy phát điện lưu động chạy bằng dầu diesel do General Motor (Mỹ) chế tạo.

Bây giời các bạn đi qua một số đường phố thành phố Hồ Chí Minh, bạn nhìn thấy bên ngoài các trạm biến áp được xây tường bao quanh, phía trên cánh cửa sắt có ba chữ “CEE” (chữ viết tắt từ Compagnie des eaux et d’électricité), thì đích thị đó là tài sản thừa kế của Pháp.

Như vậy ngành điện của nước Việt ta đã trải qua các thời kỳ
– Thuộc Pháp: CEE
– Chính quyền Sài Gòn: CĐV
– 1975-1995: CTĐL 2 (PC2)
– 1995 đến nay: EVNSPC (Southern Power Company of EVN)

Chúng ta không nói đến thời kỳ Pháp thuộc nữa, vì thực tình tôi chẳng có chút tài liệu nào trong tay, không dám nói bậy. Đến thời kỳ chính quyền Sài Gòn – tôi đã nói ở phần 3 rồi, như vậy tạm đủ, không nói thêm nữa.

Xin bắt đầu với giai đoạn 1975-1995 của Công ty Điện 2 (PC2). Đây là thời kỳ khó khăn nhất. Khó khăn là bởi nguồn điện không đủ để cung cấp cho nhu cầu, giữa cung và cầu luôn luôn mất cân đối.

Khó khăn còn là bởi, đây là thời kỳ rơi vào tình trạng nước ta bị Mỹ và các nước phương tây cấm vận. Như mọi người đều biết, toàn bộ thiết bị điện của miền nam đều có xuất xứ từ Mỹ và phương tây nên công suất bị giảm do không có phụ tùng thay thế. Những người của PC2 đã chạy vạy bạn bè, thậm chí cả “đi đêm” với đối tác, với nguồn tiền, nguồn cung vật tư thiết bị mới khôi phục và duy trì được sản xuất, như nhà máy nhiệt điện Thủ đức, Cần thơ, thủy điện Đa nhim .

Khó nữa là bởi, phải lo đối phó với bọn Pôn Pôt ở biên giới tây nam, lúc đó đã phải tính đến việc sơ tán thiết bị và làm công sự che chắn cho nó, giống như thời đối phó với chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền bắc.

Khó khăn nữa là xuất phát từ tình hữu nghị giữa chúng ta với nhân dân Campuchia. Đó là, thực sự chúng ta đã “nhường cơm sẻ áo” cho bạn. Chúng ta phải chạy đôn chạy đáo để có chút ngoại tệ mạnh, mua phụ tùng thay thế, rồi chúng ta phải san sẻ, đưa sang Phnom Pênh để khôi phục nhà máy và lưới điện giúp bạn, khi xong đâu đấy, chúng ta đã đi tìm những ngưới từng làm việc trong Électricité de Kampuchea (EdK) về để trao lại nhà máy cho họ, sau đó chúng ta rút về nước. Để trả công cho ta, bạn có cho chúng ta một ít mảnh vải may quần! Tôi không nhớ được mấy mảnh, như mỗi mảnh đủ may một cái quần nam giới!

Tôi nói những điều trên đây để thấy rằng, chúng ta đã thực sự cố gắng để duy trì sản xuất, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về điện của xã hội. Những người sống ở Sài gòn trước năm 1975, còn ở lại thấy khó chịu vì thiếu thốn đủ thứ – điện không có thường xuyên, đến cục nước đá cũng không đủ cung cấp, vì vậy họ bỏ quê hương ra đi cũng chẳng có gì đáng trách.

Sau phần này tôi sẽ nói về những bất cập trong cách quản lý ngành điện của chúng ta ở miền nam từ ngày tiếp quản, hy vọng rằng cái đó có thể giúp một chút gì vào sự phát triển sắp tới./. (Còn tiếp)
Ph. T. Kh.
Ảnh trong bài: Xin của “Muôn màu cuộc sống”

Add a Comment

Your email address will not be published.