ĐỪNG TỰ HẠ THẤP MÌNH NHƯ THẾ

Máy bay

TẢN MẠN CUỐI TUẦN
ĐỪNG TỰ HẠ THẤP MÌNH NHƯ THẾ

Tính khiêm tốn và sự tự hạ thấp mình là hai phạm trù khác nhau. Khiêm tốn thì không bao giờ thừa. Từ sự khiêm tốn của những con người cao thượng đều toát lên một sức mạnh nội tâm. Họ khiêm tốn nên họ sẵn sàng tiếp thu tất cả những kiến thức “còn đang trôi nổi” trên thế gian này. Nhờ vậy mà họ càng trở nên uyên thâm và càng trở nên cao thượng.

Nhưng những người tự hạ thấp mình, quyết không phải là một người khiêm tốn. Bởi khi tự hạ thấp mình thì cái đầu của mình phải cúi xuống, mắt của mình không thể ngước lên để nhìn bầu trời xanh. Đó là thái độ của một kẻ nô lệ, một kẻ quen làm tôi tớ, một kẻ chuyên khúm núm trước ông chủ, trước những người giàu và trước kẻ mạnh ở nước ngoài.

Thôi thì bỏ qua phần nói về lịch sử dân tộc ta. Về phần này không nói thì ai cũng biết, miễn là người đó đã có học qua sử nước nhà. Vì nhiều người không thích nghe cũng như không tin những gì mà sách vở và báo chí trong nước nói. Đối với những người này, thì cứ phải là “nước ngoài họ nói” mà tốt nhất là “Mỹ nó nói”. Thì đây, trong một bài báo của Mỹ, đăng ngày 25 tháng Tám năm nay, có tựa đề “WE ARE THE MIGHTY” (Chúng ta là kẻ mạnh) đã “tôn vinh” Việt Nam là một trong năm nước nhỏ khó bị khuất phục nhất (nguyên văn: khó bắt nạt nhất), đứng sau Việt Nam là Israel, Phần Lan, Nhật bản, cuối cùng là Philippines. Bài báo nói thêm: “Chiến tranh Việt Nam không phải là một vài trận đấu nhỏ trong lịch sử, nó đã thực sự là một cuộc chiến hạng nặng, nhưng Hoa kỳ không nhận ra điều đó ngay lúc từ đầu. Lịch sử dân tộc và quốc phòng của Việt Nam đã nổi trội trước chiến tranh Việt Nam và thậm chí ngay cả trước thế chiến II”.

Tôi còn nhớ, khi một nông dân ở miền nam chế tạo một máy bay trực thăng, máy bay phun thuốc trừ sâu thì trên mạng xã hội đã chê bai, dè bửu những nhà khoa học Việt Nam. Không một ai lên tiếng phản bác lại, vì đội ngũ những nhà khoa học ấy, hoặc là họ khiêm tốn, hoặc là họ phải giữ bí mật quốc gia. Có mấy người biết? Ngay từ tháng Giêng năm 1978, khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, đời sống mọi người cực kỳ khó khăn, lại bị Mỹ và phương tây cấm vận, ấy vậy mà đã có một chiếc máy bay cánh quạt mang số hiệu TL-1 ra đời. Ở đây chúng ta cần nhớ ơn một người kỹ sư Việt kiều (ông Nguyễn Văn Phúc) từ Pháp về đã giúp quân đội ta sản xuất hoàn chỉnh chiếc máy bay đó. Tiếp theo TL-1 là HL-1, HL-2, mấy cái HL đều có trần bay 4.500 m, tốc độ bay 275 km/giờ và có thể mang theo 8 tên lửa để chiến đấu; đến tháng 2/2004 chúng ta đã cho ra đời chiếc thủy phi cơ VNS-41. Đó là những máy bay phục vụ cho công tác huấn luyện.

Ngày nay các chiến sĩ phòng không không quân của ta đã cho ra đời hàng loạt máy bay không người lái có điều khiển (xem ảnh trong bài), đỉnh điểm là các máy bay không người lái thế hệ AUV-02, rồi đến AUV-03, AUV-04. Đây là dòng máy bay trinh sát và máy bay chỉ điểm, do chúng ta chế tạo.

Rồi một hôm, lại có người khoe chiếc xe điện của Campuchia sản xuất, và cũng lại chửi các nhà khoa học nước ta là kẻ ăn hại. Một câu cửa miệng của nhiều người rằng, đến con ốc vit Việt Nam chẳng làm nổi thì còn đòi làm cái gì! Khi Vingroup đưa hai xe SUV và sedan nhãn hiệu Vinfast sang hội chợ ở Paris thì thế giới mới thấy rằng Việt Nam tiến bộ nhanh quá. Tạp chí Top Speed của Mỹ (Mỹ nói nhé), đăng ý kiến của ông Kirby rằng, “tất cả chúng ta nên bắt đầu chú ý đến hãng xe VinFast đến từ Việt Nam” và “đừng ngạc nhiên nếu VinFast tiến hóa thành một hãng xe mà chúng ta sẽ phải nói đến trong nhiều năm nữa”. Sau khi hai cái VinFast hiện diện ở Paris Show, người ta không nhắc đến chuyện làm ốc vít nữa mà tìm cách chửi khác. Chửi rằng, nhà nước đổ tiền ra chế tạo xe hơi, sao không để tiền mà giúp người nghèo? Xin lỗi bạn, cho tôi chửi một câu: Lại ngu nữa! Tiền chế tạo xe hơi là tiền của tập đoàn Vingroup nhé, không phải tiền thuế của dân nhé, không thể bảo Vingroup nó đưa tiền cho ông hay bà tiêu pha nhé. Nó mà không làm thì ông, bà lại bảo Việt Nam đếch làm được nổi một cái gì.

Lại nữa, khi một doanh nhân ở Thái Bình sản xuất một tầu ngầm mini, mới chỉ lặn được trong hồ thì các nhà khoa học lại một phen nữa bị chửi, bị chê bai. Song có ai biết, công nghiệp đóng tàu của nước ta đã cho ra đời các tàu cảnh sát biển, tàu tuần tra đang ngày đêm ngang dọc trên biển đông để bảo vệ biển trời.

Trong lĩnh vực y tế có người bảo, trình độ y nghiệp của chúng ta thua xa Lào và Campuchia! Tôi chưa biết những bạn đó căn cứ vào đâu đề nói vậy. Tôi xin cung cấp cho các bạn hai thông tin, tức là hai thành tựu về y tế mà các thầy thuốc của chúng ta đã thực hiện. Một là, bệnh viện Nội tiết Trung ương, ngày 2/10 (mới hôm qua nhé) thông báo về việc ứng dụng thành công phương pháp nội soi tuyến giáp 1 lỗ để điều trị các bệnh lý tuyến giáp.

Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới phương pháp này được áp dụng thành công. Thứ hai, giải Nobel về y sinh đã được trao cho ông James P. Allison và ông Tasuku Honjo (xem ảnh trong bài) về liệu pháp miễn dịch trị ung thư, và người áp dụng phương pháp này thành công ở Việt Nam là bác sĩ – giáo sư Tạ Thành Văn, học trò của ông Tasuku Honjo, ở đại học Y Dược VN, không phải ứng dụng mới đây đâu các bạn, phương pháp này đã được ứng dụng tại Việt Nam từ đầu năm 2017. Chưa hết đâu, chúng ta đã tự sản xuất vacin hai trong một, ba trong một rồi hình như có cả loại năm trong một mà tổ chức y tế thế giới WHO phải đưa nước ta vào danh sách các nước tiên tiến (trong lĩnh vực này thôi) trên thế giới.

Xin nhớ rằng, tôi không đóng góp được gì vào những thành tựu trên, song tôi tự hào về đất nước tôi, tôi chúc phúc cho những nhà khoa học, chứ không chúc dữ như những kẻ chỉ muốn Việt Nam mãi mãi làm nô lệ.

Hãy ngẩng cao đầu lên, tuy chưa phải là một nước hùng mạnh gì, nước ta vẫn còn trong danh sách những nước đang phát triển, nhưng những gì mà cha ông ta, và ngay chúng ta đang làm, cũng đủ cho phép chúng ta ngẩng cao đầu trước thiên hạ. Đừng tự hạ thấp mình nữa!

Tháng Mười, 2018
Ph. T. Kh.
Ghi chú ảnh: Ảnh 1 – Máy bay không người lái VN; Ảnh 2 – Hai nhà khoa học nhận giải Nobel về Y Sinh

Tasuku Honjo

Add a Comment

Your email address will not be published.