TẢN MẠN VỀ ĐIỆN

Laelia purpurata 'Cindarosa'

TẢN MẠN VỀ ĐIỆN

Một đất nước văn minh thì không thể không có điện. Tôi nhớ vào năm 1960, miền bắc Việt Nam đưa ra một mục tiêu là đạt 600 triệu kilo-watt-giờ (kWh)/năm. Nhiều pa-nô giăng trên các ngả đường nêu bật cái chỉ tiêu “vĩ đại” đó.

Ngày nay, tức là sau gần 60 năm, nhìn lại con số đó không khỏi bật cười. Chúng ta đang đi trên con đường điện khí hóa toàn quốc. Hiện nay trên 90 phần trăm vùng nông thôn toàn quốc đã có điện, chỉ vài năm nữa thì việc điện khí hóa nông thôn (vùng núi, hải đảo) sẽ hoàn thành 100%. Thôi thì cứ tạm bỏ qua những chuyện như hiệu quả kinh tế hoặc an toàn điện, bà con ở nông thôn cứ sướng cái đã, ít ra thì cũng được coi tin tức trên trời dưới đất, rồi được nghe tiếng hát của những ca sĩ ở tận phương trời nào đó, cũng có lúc quên đi nỗi vất vả, cực nhọc của nghề nông, rồi cũng biết sấm sét cũng chỉ là một hiện tượng thiên nhiên. Thế là sướng chứ gì.

Trở lại con số 600 triệu kWh/năm nói ở trên, sau gần 60 năm thì nó đã trở nên con số hàng tỷ rồi. Hiện tại ta vừa sản xuất vừa nhập khẩu được khoảng 250 tỷ kWh/năm và đến năm 2030, ta sẽ có số điện năng là trên 630 tỷ kWh. Nếu so với những nước phát triển thì con số này còn khá khiêm tốn, nhưng nếu so với con số 600 triệu ngày nào thì nay chúng ta cũng đã đạt một tỷ lệ phát triển hàng ngàn lần. Cứ nói vậy cho nó sướng cái đã. Có ai bảo rằng, có gì đâu mà sướng? Ừ thì bạn không sướng, vì bạn có tham vọng “hoành tráng” hơn tôi, còn tôi thì cứ gọi là “Ngọt bùi nhớ lúc đằng cay. Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm” (thơ Tồ Hữu), vậy là tôi sướng một mình!

Bây giờ xin nói về nguồn điện. Khoan hãy tranh cãi bạn nhé!
Đầu tiên xin nêu các con số. Trong năm 2018 này (theo bản quy hoạch điện đến năm 2030), hệ thống điện cả nước sẽ được bổ sung thêm 4.284 MW, bao gồm:
– Thủy điện: 462 MW
– Nhiệt điện: 3.060 MW
– Điện gió: 242 MW
– Năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ + gió + mặt trời + sinh khối): 520 MW.

Đọc đến đây, thể nào cũng có bạn nhảy dựng lên rằng, tại sao không phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời mà lại cứ đi làm mãi thủy điện với nhiệt điện? Tôi thông cảm với bạn vì bạn không làm trong ngành điện. Dưới đây là ý kiến của cá nhân tôi:

– Thủy điện: Nguồn thủy điện thì không sinh sôi nảy nở. Tiềm năng thủy điện của một nước gần như là một hằng số. Đó là nói theo chiều hướng lạc quan, chứ thực ra tiềm năng đó sẽ bị hao hụt bởi sự biến đổi khí hậu, bởi con người sống trên thượng nguồn làm cho các lưu vực bị thu hẹp lại, đồng thời chẳng biết đến kỷ nguyên nào mới xuất hiện một dòng sông mới.

– Nhiệt điện: Dù dùng khí thiên nhiên, dầu mỏ, than hay nguyên tử thì cũng đều không tránh khỏi ô nhiễm. Vấn đề là tiến bộ kỹ thuật sẽ được áp dụng thế nào để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngày này do tiến bộ kỹ thuật nên việc khử các chất COx và NOx… ra môi trường đã đạt hiệu suất tốt hơn xưa rất nhiều. Cái gì cũng có cái giá của nó. Hoặc ta chấp nhận nó hoặc ta loại bỏ nó, không có con đường khác!

– Điện gió: Điện gió có nhiều ưu điểm vì nó không đòi hỏi phải được cấp nhiên liệu. Việc thi công cũng nhanh vì tất cả được chế tạo theo module, nhà đầu tư chỉ làm phần kiến trúc, dựng chúng lên và đấu nối với lưới điện. Song không phải loại năng lượng này không có nhược điểm. Trước hết là công suất tổ máy không thể so với nhiệt điện hay thủy điện lớn. Tôi xin so sánh để các bạn biết. Công suất tổ máy (theo cập nhật của tôi) của một turbine gió hiện nay là 3 MW, rồi lấy tổ máy có công suất nhỏ nhất của nhà máy nhiệt điện Thủ đức là 33 MW, vậy 1 tổ máy của nhiệt điện Thủ đức bằng 10 tổ turbine gió (hình như công suất tổ máy điện gió ở nước ta mới có 1 MW). Một khi turbine gió hoạt động, nếu ở trong đất liền, nó sẽ tạo ra một luồng không khí xoáy (xin mời các nhà khí động học cho ý kiến, tôi không dám nói thêm). Và nguồn làm ô nhiễm môi trường của turbine gió chính là dầu bôi trơn và làm mát một khi nó được thải ra sau một số giờ vận hành nhất định.

– Điện mặt trời: Ưu điểm của nguồn điện mặt trời là lắp đặt nhanh, chi phí bảo trì thấp và không phát ra khí thải khi vận hành. Song nhược điểm của nó là, muốn có một công suất điện từ các tấm pin mặt trời bằng tổ máy nhỏ nhất của nhiệt điện Thủ đức, cần phải có một diện tích đất là 45 Ha (đó là diện tích đất nhà đầu tư Thành Thành Công – TTC – đã đầu tư ở Ninh thuận, 35 MW), lượng điện của dự án này sản xuất ra trong một năm được 60 triệu kWh, trong khi tổ máy 33 MW của NĐ Thủ đức sản xuất được khoảng 200 triệu kWh. Vốn đầu tư của TTC là 1.000 tỷ đồng, tức là suất đầu tư khoảng 30 tỷ đồng/1MW, trong khi đầu tư 1 MW thủy điện nhỏ khoảng 20 tỷ đồng. Nguồn thải ô nhiễm nghiêm trọng nhất đối với điện mặt trời là hệ thống ac-quy tích điện. Sau một thời gian nhất định, nguồn ac-quy này sẽ phải thay thế do hiệu suất càng ngày càng giảm. Bạn có thể hình dung ra rồi đó. Nguồn ac-quy bao gồm các tấm chì, acid và nhựa phế thải.

Chưa kể tuổi thọ của điện gió và điện mặt trời không thể so với nhiệt điện và thủy điện. Và, quan trọng hơn là giá thành điện gió và điện mặt trời rất cao. Theo thông báo mới đây của Chính phủ thì giá bán 1 kWh điện gió gần 10 cent Mỹ, giá thành cao nhất của nhiệt điện cổ lỗ sĩ ở Thủ đức khoảng 7 cent Mỹ. Một khi phát triển điện gió, mặt trời, chúng ta sẽ phải mua điện với giá cao hơn hiện nay. Xin đừng kêu ca nhé. Đó là cái giá phải trả.

Tôi nói vậy không phải để khủng bố mọi người mà để nói rằng, cái gì cũng phải trả giá. Không trả giá cho sự ô nhiễm thì cũng trả giá bằng tiền. Không có gì là dễ dàng đâu bạn.

Bữa trước tôi có nói với ông Thứ trưởng bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng rằng ở miền nam nên có những quy định bắt buộc nhà đầu tư các cao ốc phải tận dụng diện tích sân thượng của mỗi lô nhà để phát điện hoặc cung cấp nước nóng. Ít nhất cũng giảm được một phần điện năng tiêu thụ từ hệ thống điện. Ông ấy đã ghi nhận song cũng chưa thấy có chuyển động gì.

Bí đề tài quá nên viết ít dòng như trên. Hy vọng rằng tôi không múa rìu qua mắt các chuyên gia về điện của nước ta (chuyên gia nước ngoài không đọc được tiếng Việt nên tôi không lo!).

Tháng Mười, 2018
Ph. T. Kh.
Ảnh dưới: Hoa lan của nhà.

Add a Comment

Your email address will not be published.