NUÔI CÁ CẢNH VUI LẮM

IMG_20161117_093205

TẢN MẠN CUỐI TUẦN
NUÔI CÁ CẢNH VUI LẮM.

Nuôi cá cảnh vui lắm! Cá ăn đã ít lại còn không biết đòi hỏi. Cá luôn tung tăng bơi lội mà không ồn ào, không chửi bậy và đặc biệt là không vô ơn. Chỉ cần bỏ một chút thức ăn vào hồ, là chúng uốn mình bơi đến như múa, như lượn, như để cảm ơn người nuôi, dù cái món thức ăn đó có ngon hay không thì chúng cũng tỏ thái độ cảm ơn như vậy.

Cá trong hồ không phân biệt người chủ của chúng thuộc tầng lớp giàu hay nghèo. Chúng được nuôi trong một cái hồ đẹp hay xấu, cũng chẳng bao giờ vì thế mà chửi bới người nuôi chúng. “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, so sánh như vậy cũng khập khiễng lắm, song tự nhiên câu đó xuất hiện trong đầu thì mình viết ra thôi. Một đức tính quý lắm thay!

Nhìn bầy cá trong hồ, mình có một điều ước, ước rằng sáng ra đọc các status của bạn bè trên Facebook toàn thấy chuyện vui. Dù bạn là học giả, tri thức cao vời vợi; dù bạn là một người lao động chân tay hay trí óc ngày đêm lo toan vất vả; dù bạn là người Ki-tô giáo, Phật giáo hay Cao-đài giáo hàng ngày cầu nguyện mong nhận được ơn trên; dù bạn là một người trưởng thành hay còn sống trong sự bao bọc của cha mẹ hoặc người thân, chúng ta hãy cứ trân trọng những gì mình đang có, đang được hưởng thụ. Đất nước còn nghèo đương nhiên không thể cho mọi người thụ hưởng những thứ cao sang – từ học vấn đến vật chất và tinh thần như các nước giàu có. Và muốn được thụ hưởng những thứ như các nước giàu có mà chúng ta không chịu góp sức thì đáng trách lắm. Sự chê bai, sự kêu ca phàn nàn chỉ làm cho mình trở nên thấp kém. Người cao thượng là người chỉ ra những khuyết tật và góp ý kiến về giải pháp để khác phục những khuyết tật đó.

Trên facebook mấy ngày vừa qua, có bạn khoe các công trình điện, đường, trường, trạm ở nông thôn hiện nay và nói thêm, chúng đều được giành cho tất cả mọi người dân thụ hưởng. Ngay lập tức có bạn phản ứng gay gắt rằng, những giáo dân chúng tôi không cần hưởng thụ những gì do cộng sản làm ra. Chúng tôi có thể làm lấy mọi thứ, tốt hơn thứ mà cộng sản làm.

Vâng, bạn nói vậy thì tôi cũng ghi nhận vậy, và tôi cũng tin, nếu bạn tự làm được thì sẽ tốt hơn, biết đâu đấy. Nhưng bạn chỉ có thể làm điều đó khi bạn sống trên một ốc đảo, lúc đó bạn có thể xây riêng cho cộng đồng của bạn một sân bay, những con đường, cây cầu (để khỏi dùng chung những công trình do cộng sản làm); bạn có thể xây riêng cho cộng đồng của bạn một hay nhiều bệnh viện, một hay nhiều nghĩa trang (để bạn khỏi nằm chung với những bệnh nhân do những người cộng sản điều trị); bạn có thể xây các trường tiểu học, trung học và đại học cho thanh thiếu niên sinh ra trong cộng đồng của bạn học tập (để khỏi học chung cũng như học dưới mái trường do cộng sản xây dựng); bạn có thể xây riêng một nhà máy điện để bạn có có điện dùng cho iphone, ipad (để bạn khòi phải dùng điện từ các nhà máy điện do cộng sản xây dựng); bạn tự cấy lúa và trồng trọt cho bữa ăn hàng ngày (để bạn khỏi phải mua lương thực, thực phẩm do những người cộng sản sản xuất). Đó là khi bạn đang sống trên một ốc đảo do bạn làm chủ, còn hiện nay thì mọi thứ bạn đang thụ hưởng vẫn do cộng sản cung cấp cho đó bạn.

Nhưng khi bạn đang phải sống chung với cộng đồng người Việt, trong nước Việt, dưới sự điều hành của một chính phủ do cộng sản lãnh đạo thì bạn chẳng thể tách riêng thành một thế lực gì gì đó được. Bạn vẫn phải tôn trọng luật pháp do chính phủ của đảng cộng sản xác lập; bạn vẫn phải thụ hưởng và tôn trọng một nền văn hóa của người Việt. Cuối cùng, nếu còn là một người có quốc tịch Việt Nam mà lại sống trên đất nước này, thì bạn vẫn bị chi phối bởi luật pháp Việt Nam và phải có ý thức, có trách nhiệm với những gì mà bạn đang được thụ hưởng.

Nếu không đóng góp được gì thì cứ hãy như những con cá trong hồ kính – vui vẻ và hưởng thụ, đừng có làm ồn ào để anh hưởng đến những người lương thiện! Nhưng không lẽ chúng ta muốn thành bầy cá để sống nhờ vào sự thương hại của những ông chủ? Trong mỗi con người đều có một tín ngưỡng, một “đạo”, sau khi nghe ngài Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục nói, thì tôi lại thích cách đặt vấn đề của ông ấy – đó là mỗi cá nhân nên cần có “Đạo sống”. Không có “đạo sống” thì không có lý tưởng, không có dấn thân, sẽ không có thành tựu, không có giá trị.

Kết lại là tôi xin làm kiếp con người chứ không làm kiếp con cá!

Tháng Mười, 2018
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.