CÂU CHUYỆN HÔM NAY. HÃY NÓI BẠN ANH LÀ AI…

Tuyen the

CÂU CHUYỆN THỨ 6

HÃY NÓI BẠN ANH LÀ AI…

Chắc nhiều người chẳng lạ gì câu phương ngôn của phương tây: “Hãy cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào”.

Khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công thì tôi mới tám tuổi. Với cái tuổi đó tôi chưa thể hiểu được cách mạng là gì, lý tưởng là gì… chỉ biết cả gia đình, họ hàng tôi vừa trải qua một trận đói, đói lắm. Tôi vẫn không quên tình cảnh lúc đó:

… “Bát cháo cám lẫn cát

Không dám nhai, nuốt thôi

Bao cảnh đời phiêu bạt

Mong một chút cơm rơi…”

Chắc các bạn trẻ ngày nay không thể có cái cảm giác ăn cháo cám như vậy đâu nhỉ? Đó là cơ sở để tôi gắn bó với chế độ này, và nguyện sống chết cùng với nó.

Trong hai cuộc kháng chiến, những con người anh hùng, những hành động anh hùng là vô số kể, cho nên mới có câu “ở Việt Nam ra ngõ là gặp anh hùng”. Song không phải không có những kẻ phản bội, những kẻ đào ngũ. Đó là số ít. Và khi cách mạng thành công, những kẻ đó không dám ngẩng mặt mà nhìn nhân dân, nhìn đồng đội. Vì lúc này bạn bè của chúng đã là những kẻ thất trận, những kẻ cướp nước và bán nước. Không cần hỏi “bạn bè của mày là ai” cũng đã biết hắn là người thế nào.

Thôi, lịch sử đã sang trang, những kẻ của thời xa xưa ấy đã không còn.

Bây giờ ta hãy nói đến những kẻ, mới ngày hôm qua là đồng đội, là đồng chí thì nay chúng không còn là bạn của những người anh hùng được mô tả trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như “Đất nước đứng lên” hoặc “Rừng xà nu” nữa. Vì đã từng là bạn của những người anh hùng, nên chúng được nhân dân yêu mến, nhân dân coi trọng những họ đã viết. Thế nhưng, mới đây thôi, hắn vừa tự đánh rơi cái mặt nạ của mình xuống đất khi hắn nói rằng: “ngày xưa tôi viết chỉ là để minh họa cho sự tuyên truyền của đảng!”. À thì ra ngay từ thời đó hắn đã là một tên cơ hội, một tên xảo trá. Thế mà trước đây hắn nói hắn viết theo cảm xúc từ chiến trường!

Bây giờ bạn của hắn là ai? Là những tên ma cô, những tên phản bội, hắn hòa nhập vào cái dòng nước đen ngòm ấy, đó mới là môi trường sống của hắn. Những người anh hùng, những người đã hy sinh xương máu cho tổ quốc này đang phỉ nhổ vào mặt hắn.

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử hàng chục nghìn thanh niên đi học ở một số nước bạn bè; dù trong nước còn đang ở thời kỳ chiến tranh, dù đất nước còn nghèo, song Người tin vào sự tất thắng của kháng chiến, đất nước cần một đội ngũ trí thức làm nòng cốt cho công cuộc kiến thiết sau khi thắng lợi.

Những người ở lại, dù gian khổ, dù đói rét song không một lời than vãn, không một chút ghen tị với những người được cử ra nước ngoài học tập. Khi trở về nước họ nhận được các học hàm học vị, nào là giáo sư, nào là tiến sĩ, được đưa vào những vị trí “ông nọ bà kia”, điều đó là đương nhiên, là hợp đạo lý nếu như họ không phụ lòng hy sinh của những người ở lại; nếu vẫn là bạn của những chiến sĩ ngoài mặt trận, vẫn là bạn của những nông dân trên cánh đồng, những công nhân trong xưởng máy.

Tổ quốc đã ghi công biết bao trí thức đã đóng góp vào chiến thắng của dân tộc. Có người đã bỏ lại đằng sau cuộc sống phú quý ở nước ngoài để về đồng cam cộng khổ với dân tộc, cùng hy sinh, cùng chiến đấu với nhân dân như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, như giáo sư Tôn Thất Tùng, như nhà nông học Lương Định Của… Những trí thức ở trong nước từ bỏ giàu sang đi kháng chiến như đại địa chủ Trần Văn Giầu; hoặc cũng đã từng “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” như các họa sĩ Diệp Minh Châu,Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân…; các nhà văn như Tô Hoài, như Nam Cao…; các nhạc sĩ như Văn Cao, như Phan Huỳnh Điểu, như Đỗ Nhuận…, kể sao cho hết những nhà trí thức đáng kính đó, bởi họ nhận ra chân giá trị của sự nghiệp mà họ theo đuổi nên đã giành cả cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp đó, cuộc đời họ là những tấm gương sáng. Đâu có phải họ không từng bị lôi kéo, bị mua chuộc song tấm lòng kiên trinh của họ đã làm cho họ như những viên ngọc được mài dũa ngày một sáng hơn, quý hơn.

Hãy nhìn vào một số kẻ được mang danh trí thức, họ đã phải hy sinh, phải chịu đựng gian khổ như những bậc trí thức mà tôi kể ở trên không? Nhất định là không. Khi họ trở về thì đất nước đã được thanh bình, họ chẳng phải vào sinh ra tử, bây giờ họ đã có đất để phát huy năng lực, trả ơn những gì mà cái nhà nước nghèo khó này đã giành dụm nuôi họ ăn học. Song cống hiến chưa được bao nhiêu, thì họ bỏ rơi những người bạn là chiến sĩ, là công nhân, là nông dân để kết bè kết bạn với những kẻ làm phản.

Tôi đã nhìn thấy những hình ảnh của họ cười cợt, bẽn lẽn bên những ông thầy tu gây rối ở một giáo xứ nọ; thấy họ đang an ủi một lão già đứng đầu một đám đầu trâu mặt ngựa bắt nhốt những anh em cảnh sát đi dẹp loạn; tôi thấy họ đang cổ vũ cho những kẻ lấy cớ phản đối này nọ để làm loạn; tôi thấy họ mang cái bụng phệ đứng giữa những kẻ đòi tự do cho những kẻ tội phạm. Bây giờ họ làm bạn với đám này. Vậy là họ đã tìm thấy bạn tâm giao rồi, họ chẳng còn phải là bạn của chúng ta nữa.

Vậy nên “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” thì có gì làm ta phải ngạc nhiên./.

CÂU CHUYỆN THỨ 7

TỪ BỎ ĐẢNG

Mấy hôm nay dư luận ồn ào về chuyện có một số người làm đơn xin ra khỏi đảng. Rồi cũng từ đây, các loa tuyên truyền của phương tây phóng đại lên thành một “làn sóng ly khai” khỏi đảng Cộng sản.

Việc xin ra khỏi đảng, đáng lẽ cũng chẳng có gì mà ầm ĩ, nhưng nó bắt đầu từ việc một ông cựu thứ trưởng bị kỷ luật, các vị khác mới giật mình – sắp tới mình chăng? Vậy thì chạy trước, trước khi đảng ra roi!

Theo thông lệ, nếu đảng viên có sai phạm thì đảng kỷ luật đảng viên của mình trước, tiếp theo chính quyền sẽ ra quyết định xử lý theo luật. Nếu vi phạm luật hành chánh thì xử theo luật hành chánh, ngược lại nếu ông hay bà phạm tội hình sự thì xử theo luật hình sự. Có một chi tiết mà chúng ta thường bỏ qua, rằng tất cả những người ra đứng trước cái bục có chữ “bị cáo”, thì trước đó không còn là đảng viên nữa, chiếc áo đảng viên phải cởi bỏ ra rồi. Hôm qua tôi coi một kênh truyền hình nước ngoài, họ nói rằng, Bộ Chính trị muốn đưa quan chức nào vào tù thì đưa, không cần phải đưa ra tòa xét xử! Rồi họ dẫn chứng như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, bậy hết chỗ nói, xuyên tạc đến thế là cùng.

Mấy ông, bà có quyền cao chức trọng xin ra khỏi đảng, cũng tạo ra một chút xao động trong xã hội, còn mấy anh mấy chị vớ va vớ vẩn, cũng ti toe, “tôi xin ra khỏi đảng đây”. Anh hay chị là cái thá gì? Có câu: “Có cô thì chợ cũng đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”, trong số bốn năm triệu đảng viên gì đó, có mất đi dăm ba chục, thậm chí dăm ba ngàn thì cũng chẳng “xi-nhê” gì, hơn nữa có người ra thì cũng có người vô đó. Thực tế là chỉ trong vài năm gần đây, trên bốn ngàn đảng viên đã bị kỷ luật, không ít người trong đó đã bị khai trừ.

Một chị nghệ sĩ ưu tú gì đó, xin ra khỏi đảng, cái loa của đài VOA vội đớp lấy, rồi đưa lên sóng ngay ngày hôm sau. Úi chao! Cái danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú do nhà nước phong tặng, khi xét có ai đòi hỏi người đó phải là đảng viên đâu? Điển hình, nghệ sĩ hài Hoài Linh đó, cách đây mấy năm được nhà nước phong tặng “nghệ sĩ ưu tú”, có phải đảng viên cộng sản đâu? Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đó, anh ta bảo “tôi làm sao có thể được là đảng viên cộng sản” (đại ý) khi đám chống cộng tẩy chay anh ấy sang hát chơi ở Mỹ. Coi chừng nghe bà chị nghệ sĩ, dân mà ghét bà (nhất là dân miền tây nam bộ) thì khó cho việc kiếm cơm lắm. Nghệ sĩ bây giờ không mấy người còn đặt chữ “phục vụ” lên đầu đâu mà là “cat-xê bao nhiêu?” mới là câu đầu tiên.

Rồi vài thanh niên mang quân hàm úy iếc gì đó. Cả triệu quân nhân, mình mấy anh đã là gì, một hai con sâu chăng? Khi nghe các anh nói: “tôi cũng bỏ đảng đây”, thấy mà tức cười. Nghĩ mình là ai chứ? Quân đội không có mấy anh, cũng chẳng yếu đi, có khi còn mạnh lên, bởi khi chỉ huy hô “xung phong”, hàng trăm người đồng loạt xông lên, chứ có mấy anh trong đội hình thì chỉ làm nhụt chí đồng đội chứ được cái tích sự gì. Đến ngay trung tướng, thiếu tướng còn trở thành bị cáo thì mấy anh, chắc không ai đụng đến đâu, đụng đến làm bẩn tay họ.

Hôm nay tôi mới bật mí để các bạn biết, năm 1995 tôi cũng bỏ sinh hoạt đảng Cộng sản, tôi được kết nạp vào đảng Lao động từ năm 1962 cơ. Tại sao tôi từ bỏ đảng? Không phải tôi bất đồng chính kiến (tôi đã là cái thá gì?), không phải tôi đánh mất tư cách đảng viên, mà tôi nhận thấy mình đã không làm tròn trách nhiệm của một đảng viên, trách nhiệm của một đảng viên bình thường. Lúc đó tôi đang làm việc trong một công ty nhà nước, sau một vài sự kiện, đã gặp ông thủ trưởng của tôi và nói với ông: “Anh cho tôi nghỉ việc vì tôi không bảo vệ được quyền lợi của công ty”. Sau đó thì tôi buông và nghỉ việc luôn. Trong trường hợp này, nếu khen thì cũng có mặt tốt, và nếu chê thì cũng có mặt đáng chê trách. Không có tôi trong đảng, đảng Cộng sản vẫn tồn tại và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Vì vậy đừng ai quá đề cao cá nhân mình, dù người đó nắm giữ bất cứ cương vị nào.

Thôi, khen chê là quyền của các bạn. Đừng đánh đồng tôi với những kẻ vừa tuyên bố bỏ đảng. Họ bỏ đảng để kết bè kết cánh với những lũ phá hoại sự nghiệp của đảng, của dân tộc. Còn tôi, dù không còn là một đảng viên, song tôi vẫn ủng hộ đảng trong sự nghiệp làm chấn hưng dân tộc./.

CÂU CHUYỆN THỨ 8

NHỮNG CÁI CHẾT

Cách nay đúng 65 năm, cả gia đình Ngô Đình Diệm bị sát hại. Ôi chao, nghĩ về một thân phận sao nó trớ trêu đến thế!

Một bàn tay nhấc bổng ông ta lên, đưa từ một tu viện về nước, như nhấc một quân cờ, đặt nó vào một chỗ theo nước đi, được tính toán không phải do tự thân quân cờ mà là do bàn tay của người chơi. Thế rồi một chế độ ra đời, chế độ cộng hòa. Những tưởng cái đệ nhất cộng hòa ấy nó tồn tại mãi mãi, nhưng cái quân cờ ấy mất tác dụng, người chơi buộc phải vứt bỏ nó, thay bằng một quân khác, rồi quân cờ khác, rồi lại một quân cờ khác cho đến ngày tàn.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, thật là một ngày bất hạnh, đại bất hạnh đối với một gia đình đầy quyền lực, một đế chế được gọi là chế độ “dân chủ”, lê máy chém đi khắp nơi để thực hiện luật 10/59, chém giết bất cứ ai, miễn là người đó bị gọi là đối lập, bất kể là cộng sản hay không cộng sản, bất kể là Phật giáo hay Hòa hảo. Ấy vậy mà, cái đế chế ấy vẫn không vừa lòng ông chủ của nó. Vậy thì phải thay. Thay ngựa giữa dòng tuy cũng xót ruột lắm, nhưng vì quyền lợi của ông chủ thì phải thay thôi.

Có điều, ông chủ bảo đưa các quân cờ ấy ra ngoài, thì đám bộ hạ mới nổi lại quá nhiệt tình, bắn bỏ một cách dã man ngay trong xe bọc thép, những người mà mới ngày hôm qua còn là thượng cấp, là ân nhân của những tên đồ tể này. Không lâu trước đó miệng chúng còn hô to: “Tri ân Ngô Tổng thống”. Thật bất hạnh, thật oan ức khi phải chết bởi bàn tay của bọn hạ cấp, bọn hạ đẳng!

Nhưng số phận những tên đồ tể đó cũng đâu có được hưởng một chút vinh quang, chỉ một chút thôi cũng không có. Mới hôm trước chúng còn được nâng một bậc sĩ quan thì hôm sau xác của chúng đã nằm ngoài nghĩa địa để bịt đầu mối, cũng lại bởi cái lệnh tàn ác của thượng cấp của hắn. Cái chết của một tên tay sai, được thực hiện bởi một tên tay sai của tên tay sai cao cấp hơn.

Nhìn ra thế giới, vẫn những kẻ chơi cờ ấy, chúng đưa cặp mắt đi khắp nơi, tìm chọn những quân cờ, làm thế nào để làm cho chúng có thể ngoan ngoãn để ông chủ yên ổn bòn rút tài nguyên. Không được ư? Vậy thì giết! Mới hôm nào tôi với anh còn là bạn, song hôm nay anh chẳng làm vừa lòng tôi, thì dù anh có là một nước dân chủ, một chế độ độc tài hay gì gì đi nữa thì anh cũng phải chết. Chết treo cổ như Sadam Hussein Tổng thống Iraq hay bị bắn như Gaddafi của Libya. Chết như thế nào cũng là chết, cũng là loại bỏ được những trở ngại để tự do chiếm đoạt. Những kẻ chơi cờ ở nước ngoài chẳng quan tâm gì đến nhân dân. Nhân dân là cái quái gì, cho chúng mày tranh giành, cho chúng mày nội chiến liên miên, chúng mày càng yếu thì ta càng dễ bóc lột, càng dễ sai khiến.

Gần đây nhất là cái anh nhà báo Khakoshggi của Saudi Arabia, bước vào Tổng lãn sự Saudi Arabia ở Ankara với lòng vui phơi phới vì sắp thành hôn với một người đẹp Thổ-nhĩ-kỳ thì bị giết, bị phân thây. Thế là hết mộng tự do, hạnh phúc.

Tất cả những cái chết mà tôi điểm sơ qua ở trên, chẳng thấy một tiếng gào tiếng thét nào đòi tự do dân chủ, đòi nhân quyền của người này kẻ khác. Tất cả im như thóc, vì ông chủ muốn mọi người im thì phải im, khi nào ông chủ bảo kêu gào thì phải kêu gào!

Có một điều mình rút ra qua những năm tháng sống trên đời này, rằng chỉ có những nước từng là, đang là những nước được cho là “dân chủ”, “nhân quyền” thì ông chủ mới dễ bắt nạt, mới phải tuân theo cái gậy chỉ huy của ông chủ. Chứ các nước dưới sự “cai trị” của cộng sản thì không một nước nào bị bắt nạt. Này nhé, Cuba một nước cộng sản nằm sát ngay bên nách nước lớn của ông chủ thế giới, vậy mà nó cứ tồn tại như một cái gai nhọn, làm cho ông chủ cảm thấy khó chịu. Này nhé, một nước Triều Tiên nghèo đói (như người ta đồn), vậy mà ông chủ phải năn nỉ, hẹn gặp đi gặp lại, mong ông trẻ cởi bỏ cái vũ khí gì đó cho. Này nhé, Trung quốc thì khỏi nói rồi, kinh tế của nó giờ đứng thứ hai thế giới, ông chủ chỉ dám đứng bên kia đại dương ngăn chặn dòng hàng hóa của các chú khách chảy vào làm cho dân Mỹ bị mất việc làm, chứ không mảy may nói đến dân chủ, nhân quyền. Này nhé, cái nước Việt Nam cộng sản nhỏ bé, yếu đuối, nếu bỏ qua những cuộc xâm lược thời phong kiến, trong thời hiện đại có nước lớn trên thế giới nào khi đụng Việt Nam mà không ôm đầu máu mà chạy về. Có lúc nó còn bị đánh hội đồng, ấy vậy mà chưa một lần bị khuất phục. Các nước cộng sản đông Âu, chết vì “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, chứ bây giờ cứ thử động vào nước Nga coi!

Từ ngày Việt Nam do chế độ cộng sản làm chủ, chưa một lần đem ra bắn giết kẻ nào gọi là “đối lập”, kể cả những đứa ác ôn trong chiến tranh, những kẻ mang bom đi thả ở các khu dân cư, giết hại người dân; nặng lắm thì chúng cũng chỉ nằm dài trong nhà lao đợi ngày về hoặc bị trục xuất. Luật hình sự của Việt Nam có hình phạt tử hình đó, nhưng chỉ tử hình những kẻ buôn bán ma túy, những kẻ giết người chứ những thứ mà ta thường nghe, như “tù nhân lương tâm” thì chưa bắn đứa nào. Mà lương tâm con người thì bị tù thế quái nào được. Cái bọn chống đối đó nó vứt mẹ nó lương tâm đi đâu mất, hoặc để cho chó nó tha rồi, cứ thế nó đổ thừa cho chính quyền đem giam giữ của chúng nó.

Chính phủ này hiền và nhân đạo, chứ đem ra hỏi dân chắc họ yêu cầu bắn hết những loại này cho đỡ tốn cơm gạo, đỡ chật đất. Ấy vậy mà, chúng nó gào lên rằng chúng ta không có dân chủ, vi phạm nhân quyền.

Cái chế độ VNCH xưa, đâu phải không có chuyện muốn bắn thì bắn, muốn giết thì giết những người đối lập, dù họ chẳng phải cộng sản, cũng chẳng phải đụng độ nhau ngoài chiến trường, kể sơ sơ cũng thấy, nào anh sinh viên Nguyễn Thái Bình, nào cô học sinh Quách Thị Trang, nào các phật tử của Huế, của Sài gòn xưa. Sao không lấy đó làm thước đo dân chủ, nhân quyền?

Dân chủ và nhân quyền chẳng qua là cái thứ thuốc độc được sản xuất bởi các nước phương tây, mà những kẻ mạnh muốn các nước không chịu khuất phục phải uống, chứ làm quái gì có tiêu chuẩn chung về dân chủ với nhân quyền trên cõi đời này? Láo toét hết!

CÂU CHUYỆN THỨ 9

TƯỞNG RẰNG ĐỒ THẬT

Bạn nghĩ sao về thông tin dưới đây được đăng trên báo Thanh Niên ngày 3/11:

“PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, giảng viên đại học, hỏi các sinh viên của mình ở trường Đại học Kinh tế – Luật thành phố HCM (Đại học Kinh tế – Luật, bạn nhé):

  • Có em nào biết Vũ “nhôm” và Út “trọc”, giơ tay – 60% biết
  • Em nào biết tên Bộ trưởng Bộ Tài chính, giơ tay – 0% biết
  • Em nào biết tên Thống đốc ngân hàng nhà nước – 0% biết
  • Em nào biết tên đương kim Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – 3 em biết
  • Em nào biết tên Chủ tịch UBND thành phố, giơ tay – 0% biết
  • Em nào biết “Tuyệt tình cốc”, giơ tay – 80% biết
  • Em nào biết người mẫu bán dâm, giơ tay – khoảng 90% biết
  • Em nào biết quá trình đàm phán của VN gia nhập WTO, giơ tay – 0% biết
  • Em nào biết Hiệp định TPP là gì, giơ tay – 0% biết
  • Em nào biết Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), giơ tay – 0% biết

Theo thạc sĩ Lê Hoài Tuấn, Chánhvăn phòng kiểm định chất lượng giáo dục, chỉ có độ 10% sinh viên hiện nay quan tâm sâu sắc đến thời cuộc, lĩnh vực nghề nghiệp mình đang học tập và theo đuổi”.

Đọc đến đây, chắc sẽ có hai luồng ý kiến khác nhau. Người thì bảo, quan tâm đến lĩnh vực nào là quyền của mỗi người. Người khác thì bảo tại cái nền giáo dục của nước ta nó kém quá. Ừ, cứ cho là tại nền tảng giáo dục nước nhà kém, vậy tại sao năm nào ta cũng có các học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế? Riêng năm 2018, tất cả các cháu đi thi quốc tế đều có huân chương, trong đó có 13 huy chương vàng?

Hàng triệu giám đốc các doanh nghiệp lớn bé của nước nhà, đâu phải tất cả đều được đào tạo ở nước ngoài? Tôi thì nói, đó là lỗi của các sinh viên, nói rộng ra là, lớp trẻ bây giờ đã không phải lo cơm áo gạo tiền, song lại rất bàng quan với thời cuộc (tất nhiên không phải tất cả, nhưng là đa số). Tôi đồng ý rằng, phương pháp giáo dục ở các trường học của ta còn nhiều điều phải cải tiến, phải thay đổi, song đừng quên phương pháp học tập của bản thân còn quan trọng hơn nhiều.

Không phải cứ là người yêu nước mới quan tâm đến thời cuộc mà vì chúng ta đang sống trong một môi trường phụ thuộc lẫn nhau rất mạnh mẽ, chẳng một ai, chẳng một quốc gia nào có thể tách riêng mình ra khỏi guồng quay của cuộc sống.

Ngày xa xưa, khi nền kinh tế nước nhà còn là một nền kinh tế tiểu nông. Người nông dân chỉ biết chăm lo mảnh ruộng riêng của mình; có quan tâm đến bên ngoài thì cũng là “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm”, thế thôi! Ngày nay người nông dân phải quan tâm nhiều thứ, nào phòng bệnh, chữa bệnh cho cây trồng, vật nuôi; nào thị trường tiêu thụ; nào tiêu chuẩn Vietgap, tiêu chuẩn Worldgap.

Ấy vậy mà, những nhà trí thức tương lai của đất nước thì chẳng quan tâm đến cái gì thuộc về xã hội. Nói xã hội thì rộng quá, ngay đến những vấn đề thuộc lĩnh vực của mình cũng chẳng được quan tâm. Vậy thì họ quan tâm cái gì? Ngoài giờ nghe giảng trên lớp thì mắt và tay không rời chiếc điện thoại thông minh. Một nghịch lý là ít quan tâm đến thời cuộc song lại thích đọc, thích truyền bá những tin giật gân, không cần kiểm chứng.

Chúng ta nên biết, trải qua 12 năm học ở phổ thông vất vả, tốn kém tiền của của cha mẹ biết bao nhiêu mới đặt được chân vào các trường đại học. Sau năm bảy năm học tập, rồi các bạn phải tìm việc làm chứ. Vào bất cứ doanh nghiệp nào, các bạn cũng phải qua một hoặc nhiều vòng phỏng vấn để được tuyển dụng. Chẳng lẽ… biết nói sao bây giờ? Chẳng lẽ “Tôi không biết, ông hay bà tuyển thì tuyển, không thì tôi về để cha mẹ tôi nuôi tiếp!”

Tôi có một đứa cháu nội, hắn đang chuẩn bị thi vào một trường đại học, ngoài việc tìm kiếm kiến thức thuộc về lĩnh vực hắn lựa chọn, thì cháu tôi còn rất quan tâm đến thời sự, như việc hắn đọc rất kỹ các bài diễn văn nhậm chức của người đứng đầu nhà nước, bất kể là ở trong nước hay nước ngoài chẳng hạn. Không ai bắt hắn phải làm vậy, chẳng qua là hắn nghĩ đến một ngày nào đó, hắn sẽ phải đi kiếm việc làm. Vậy thôi.

Thạc sĩ Châu Thế Hữu nói, “trước đây không có internet nên không bị phân tâm vào những thông tin giật gân, mà thường đọc tạp chí, đọc sách chuyên khảo và liên tục cập nhật thông tin về mọi mặt. Những kiến thức đó đã cứu chúng tôi khỏi những câu hỏi thời sự bấy giờ của nhà tuyển dụng”.

Vấn đề cốt lõi là tự bản thân mỗi người, họ có muốn và có cần tích lũy kiến thức hay không? Internet là một công cụ giúp cho kiến thức của chúng ta trở nên phong phú hơn và giúp ta tiết kiệm thời gian hơn trong việc tìm kiếm kiến thức. Song nếu lấy internet để thay thế cho thư viện là một sai lầm lớn của các bạn trẻ.

Vậy nên, những bạn trẻ đừng bao giờ đổ lỗi cho khách quan. Khách quan không chỉ đang diễn ra mà trong tương lai, cái “khách quan” ấy có khi diễn ra nhanh hơn, phức tạp hơn. Các bạn đừng để cái “khách quan” nó biến bạn thành những ông “tiến sĩ giấy” như bài thơ dưới đây của cụ Nguyễn Khuyến:

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai

Cũng gọi ông nghè có kém ai

Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng

Nét son điểm rõ mặt văn khôi

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?

Cái giá khoa danh ấy mới hời!

Ghé tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe

Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi!

CÂU CHUYỆN THƯ 10

XIN ĐỪNG ẢO TƯỞNG

Nước Việt Nam có nghèo không? Tôi đặt câu hỏi như vậy, khó có một câu trả lời chính xác, phải không mọi người? Nghèo đối với người giàu và ngược lại. Để trả lời câu hỏi đó ta phải lấy một thời điểm nào đó để làm mốc, phải lấy một vật này đặt bên cạnh vật kia thì mới so sánh được.

Trước hết, bạn hãy lấy mốc thời gian để mà nhìn ngược lại, coi hôm nay so với 50 năm trước, 30 năm trước, 10 năm trước, thậm chí một hai năm trước, có gì tốt hơn, tình hình đang đẹp lên hay đang xấu đi. Thực sự tôi chẳng bao giờ dám khẳng định với bạn một điều gì, vì cái đó còn tùy thuộc vào nhãn quan của mỗi người, tùy thuộc vào chính kiến của mỗi người, tùy thuộc vào ngay cả sự yêu ghét của mỗi người. Mà một khi đã tùy thuộc vào sự yêu ghét thì chẳng làm gì có chuyện công tâm trong mỗi nhận xét. Nhiều khi ghét thì chửi cho bõ tức thôi. “Yêu nhau yêu cả tông chi; ghét nhau ghét cả đường đi lối về!”.

Bây giờ ta làm phép so sánh giữa hai vật thể với nhau. Nếu ở trên đời này mọi thứ đều là duy nhất, chỉ có một và “chỉ một mà thôi” thì phép so sánh cũng sẽ chào thua. Trước hết, ta đặt cái nước Việt Nam hình chữ S này bên cạnh các nước khác để coi nước ta có gì hơn kém các nước khác. Việc này là thuộc về các bạn, các bạn sẽ tìm hiểu để rút ra kết luận, tôi mà nêu các số liệu từ các báo trong và ngoài nước thì các bạn lại bảo tôi chỉ chọn những bức tranh đẹp. Chỉ có điều, các bạn bảo Việt Nam hiện thua cả Lào và Campuchia! Thua ai thì tôi còn có thể đồng ý, chứ nói Việt Nam thua hai nước này là không đúng, là ngộ nhận. Trong 10 nước ASEAN thì Việt Nam  là nước đứng thứ bảy có thu nhập bình quân đầu người cao, đứng đầu là Singapore (52.841 USD/người), đứng chót bảng là Campuchia (1.159 USD/người) – Nguồn: Toplist, 11/04/2018. Các bạn muốn biết thêm thì tự tìm hiểu.

Từ quy mô quốc gia, bây giờ tôi xin nói một chút về “Hòn ngọc Viễn đông”. Tôi đang sống ở Sài gòn, tức là ở nơi có một thời người ta gán cho nó cái danh hiệu “Hòn ngọc Viễn đông”. Thôi, ta cứ tạm công nhận như vậy cho mọi người được vui vẻ, còn nó có thực sự là “Hòn ngọc Viễn đông” hay không thì tự các bạn tìm hiểu lấy.

Nên nhớ rằng, vào nửa cuối thế kỷ 19, Pháp xâm chiếm Đông Dương, thực hiện chính sách chia để trị, đặt miền nam Việt Nam (Nam kỳ) dưới chế độ thuộc địa, tức là việc cai trị là do người Pháp trực tiếp, còn bắc kỳ và trung kỳ là dưới chế độ bảo hộ (cai trị thông qua triều đình nhà Nguyễn). Thực dân Pháp cũng có chủ trương phát triển Sài gòn thành một nơi giống một thành phố của Pháp, nhưng rồi “Hòn ngọc Viễn đông” theo ý đồ của Pháp đã không thực hiện được. Các công trình của Pháp xây dựng ở Hà Nội còn nhiều hơn, to hơn và đẹp hơn “Hòn ngọc Viễn đông” dự định này.

Về mặt giàu sang, thì trong những năm Mỹ có mặt ở miền nam, nhờ có viện trợ Mỹ, Sài gòn và những dân sống ở Sài gòn có cuộc sống đầy đủ hơn người Hà Nội. Đó là cái cớ để những dân không ưa cộng sản đem ra chế diễu dân bắc kỳ. Đến năm 1974, Mỹ bắt đầu giảm rồi cắt viện trợ thì chế độ VNCH sụp đổ, chứng tỏ rằng nền kinh tế miền nam Việt Nam lúc đó không thể tự nuôi sống mình (bình quân thu nhập trên một người của VNCH cao nhất là vào năm 1972, đạt 90 USD/người, trong lúc đó Singapore đã đạt trên 2.000 USD/người, Thailand năm 1975 đạt 351 USD/người. Có người nói Sài gòn lúc đó không thua gì Singapore và hơn hẳn Bangkok thì xin mời coi các con số này).

Song nói về cuộc sống người dân toàn miền bắc và toàn miền nam nói chung thì tôi chưa có số liệu để viết. Bạn muốn biết vì sao cuộc sống của người dân Sài gòn thời đó hơn Hà Nội, xin tìm đọc bài báo của William J. Lederer đăng trên tạp chí Der Spiegel năm 1968, nói về Sài gòn giàu có, thì rõ. Tôi cũng sẽ không cung cấp số liệu cho các bạn.

Bây giờ tôi nói lại một chút về thu nhập bình quân trên đầu người của hai miền trong giai đoạn 1955 đến 1975 để các bạn thích thì tham khảo và so sánh:

  • Tốc độ phát triển kinh tế của VNCH (1955-1975): 3,9%/năm
  • Tốc độ phát triển kinh tế của VNDCCH (1955-1975): 6%/năm
  • Thu nhập bình quân đầu người vào năm 1974 của mỗi miền đều bằng nhau (65 USD/người). Các bạn nhớ con số 65 USD này nhé. (Nguồn: Wikipedia).

Kinh tế cả nước Việt Nam trong những năm qua tuy tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn kém so với các nước mà ở đó họ có được một thời gian dài sống trong môi trường hòa bình để xây dựng như Singapore, Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines hoặc Thailand. Chưa kể những nước này còn được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh Việt Nam nữa (kể cả Hàn quốc). Tính cả nước, năm 1974 mới có 65 USD/ người, đến năm 2018 còn số đó của nước ta đã là 2.500 USD/người.

Con số 2.500 USD không phải do mấy ông chính phủ làm ra mà đó là công sức của tất cả dân chúng, trong đó có sự đóng góp rất lớn do các doanh nghiệp nội địa và ngoại quốc đầu tư. Vì vậy, nếu đây là thành quả thì đó là thành quả của toàn dân. Nhưng một khi đã nói vậy, thì sự chậm tiến đâu phải chỉ là lỗi của chính phủ, không lẽ chúng ta vô can? Tức là tôi muốn nói về trách nhiệm công dân (chuyện này xin bàn vào một dịp khác).

Nhiều người trong số chúng ta sống bằng vọng tưởng. Ở đâu thì cũng phải làm, phải bỏ sức lao động ra mà kiếm sống. Kiếm được nhiều tiền thì việc chi tiêu cũng lớn. Có câu “thuyền lớn, sóng lớn”, một khi kinh tế phát triển, thu nhập của mỗi người lao động tăng lên thì giá của mỗi mặt hàng cũng chẳng đứng yên một chỗ cho các bạn được hoàn toàn sung sướng đâu.

Chúng ta vừa thoát khỏi một nước nghèo, bước lên một nấc là nước có thu nhập trung bình sau ba mươi năm chiến tranh, hai mươi năm bị cấm vận, đi đứt một nửa thế kỷ, khác nào một cơ thể mới trải qua cơn bạo bệnh, ngày một ngày hai mà đòi hỏi nó phải có một tấm thân cường tráng, đó là một ảo tưởng./.

Add a Comment

Your email address will not be published.