HÃY NÓI BẠN ANH LÀ AI

Chu Hảo

CÂU CHUYỆN HÔM NAY

HÃY NÓI BẠN ANH LÀ AI…

Chắc nhiều người chẳng lạ gì câu phương ngôn của phương tây: “Hãy cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào”.

Khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công thì tôi mới tám tuổi. Với cái tuổi đó tôi chưa thể hiểu được cách mạng là gì, lý tưởng là gì… chỉ biết cả gia đình, họ hàng tôi vừa trải qua một trận đói, đói lắm. Tôi vẫn không quên tình cảnh lúc đó:

… “Bát cháo cám lẫn cát

Không dám nhai, nuốt thôi

Bao cảnh đời phiêu bạt

Mong một chút cơm rơi…”

Chắc các bạn trẻ ngày nay không thể có cái cảm giác ăn cháo cám như vậy đâu nhỉ? Đó là cơ sở để tôi gắn bó với chế độ này, và nguyện sống chết cùng với nó.

Trong hai cuộc kháng chiến, những con người anh hùng, những hành động anh hùng là vô số kể, cho nên mới có câu “ở Việt Nam ra ngõ là gặp anh hùng”. Song không phải không có những kẻ phản bội, những kẻ đào ngũ. Đó là số ít. Và khi cách mạng thành công, những kẻ đó không dám ngẩng mặt mà nhìn nhân dân, nhìn đồng đội. Vì lúc này bạn bè của chúng đã là những kẻ thất trận, những kẻ cướp nước và bán nước. Không cần hỏi “bạn bè của mày là ai” cũng đã biết hắn là người thế nào.

Thôi, lịch sử đã sang trang, những kẻ của thời xa xưa ấy đã không còn.

Bây giờ ta hãy nói đến những kẻ, mới ngày hôm qua là đồng đội, là đồng chí thì nay chúng không còn là bạn của những người anh hùng được mô tả trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như “Đất nước đứng lên” hoặc “Rừng xà nu” nữa. Vì đã từng là bạn của những người anh hùng, nên chúng được nhân dân yêu mến, nhân dân coi trọng những họ đã viết. Thế nhưng, mới đây thôi, hắn vừa tự đánh rơi cái mặt nạ của mình xuống đất khi hắn nói rằng: “ngày xưa tôi viết chỉ là để minh họa cho sự tuyên truyền của đảng!”. À thì ra ngay từ thời đó hắn đã là một tên cơ hội, một tên xảo trá. Thế mà trước đây hắn nói hắn viết theo cảm xúc từ chiến trường!

Bây giờ bạn của hắn là ai? Là những tên ma cô, những tên phản bội, hắn hòa nhập vào cái dòng nước đen ngòm ấy, đó mới là môi trường sống của hắn. Những người anh hùng, những người đã hy sinh xương máu cho tổ quốc này đang phỉ nhổ vào mặt hắn.

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử hàng chục nghìn thanh niên đi học ở một số nước bạn bè; dù trong nước còn đang ở thời kỳ chiến tranh, dù đất nước còn nghèo, song Người tin vào sự tất thắng của kháng chiến, đất nước cần một đội ngũ trí thức làm nòng cốt cho công cuộc kiến thiết sau khi thắng lợi.

Những người ở lại, dù gian khổ, dù đói rét song không một lời than vãn, không một chút ghen tị với những người được cử ra nước ngoài học tập. Khi trở về nước họ nhận được các học hàm học vị, nào là giáo sư, nào là tiến sĩ, được đưa vào những vị trí “ông nọ bà kia”, điều đó là đương nhiên, là hợp đạo lý nếu như họ không phụ lòng hy sinh của những người ở lại; nếu vẫn là bạn của những chiến sĩ ngoài mặt trận, vẫn là bạn của những nông dân trên cánh đồng, những công nhân trong xưởng máy.

Tổ quốc đã ghi công biết bao trí thức đã đóng góp vào chiến thắng của dân tộc. Có người đã bỏ lại đằng sau cuộc sống phú quý ở nước ngoài để về đồng cam cộng khổ với dân tộc, cùng hy sinh, cùng chiến đấu với nhân dân như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, như giáo sư Tôn Thất Tùng, như nhà nông học Lương Định Của… Những trí thức ở trong nước từ bỏ giàu sang đi kháng chiến như đại địa chủ Trần Văn Giầu; hoặc cũng đã từng “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” như các họa sĩ Diệp Minh Châu,Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân…; các nhà văn như Tô Hoài, như Nam Cao…; các nhạc sĩ như Văn Cao, như Phan Huỳnh Điểu, như Đỗ Nhuận…, kể sao cho hết những nhà trí thức đáng kính đó, bởi họ nhận ra chân giá trị của sự nghiệp mà họ theo đuổi nên đã giành cả cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp đó, cuộc đời họ là những tấm gương sáng. Đâu có phải họ không từng bị lôi kéo, bị mua chuộc song tấm lòng kiên trinh của họ đã làm cho họ như những viên ngọc được mài dũa ngày một sáng hơn, quý hơn.

Hãy nhìn vào một số kẻ được mang danh trí thức, họ đã phải hy sinh, phải chịu đựng gian khổ như những bậc trí thức mà tôi kể ở trên không? Nhất định là không. Khi họ trở về thì đất nước đã được thanh bình, họ chẳng phải vào sinh ra tử, bây giờ họ đã có đất để phát huy năng lực, trả ơn những gì mà cái nhà nước nghèo khó này đã giành dụm nuôi họ ăn học. Song cống hiến chưa được bao nhiêu, thì họ bỏ rơi những người bạn là chiến sĩ, là công nhân, là nông dân để kết bè kết bạn với những kẻ làm phản.

Tôi đã nhìn thấy những hình ảnh của họ cười cợt, bẽn lẽn bên những ông thầy tu gây rối ở một giáo xứ nọ; thấy họ đang an ủi một lão già đứng đầu một đám đầu trâu mặt ngựa bắt nhốt những anh em cảnh sát đi dẹp loạn; tôi thấy họ đang cổ vũ cho những kẻ lấy cớ phản đối này nọ để làm loạn; tôi thấy họ mang cái bụng phệ đứng giữa những kẻ đòi tự do cho những kẻ tội phạm. Bây giờ họ làm bạn với đám này. Vậy là họ đã tìm thấy bạn tâm giao rồi, họ chẳng còn phải là bạn của chúng ta nữa.

Vậy nên “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” thì có gì làm ta phải ngạc nhiên./.

(Hình trong bài: Chu Hảo và “những người bạn”)

Add a Comment

Your email address will not be published.