MADE IN CHINA 2025

Made in china

CÂU CHUYỆN HÔM NAY (Tiếp theo và hết)
MADE IN CHINA 2025
Đây là tham vọng của Trung Quốc. Đến năm 2025 mọi người trên khắp hành tinh này sẽ được nhìn thấy chữ “Made in China” dán trên các sản phẩm ở khắp thị trường, bất kể đó là hàng cao cấp hay thấp cấp. Cá nhân tôi thì nghĩ rằng, đây không là tham vọng nữa mà đây là kế hoạch thực hiện của Trung Quốc từ nay đến năm 2025.

Vậy Mỹ có ngăn chặn được kế hoạch này của Trung Quốc? Không đâu, không bao giờ. Mỹ rất muốn song không chặn được. Đơn giản là bất cứ nước nào muốn phát triển kinh tế thì phải thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc, một thị trường với 1,4 tỷ dân là lớn lắm. Ông Donald Trump dùng mọi nỗ lực, kể cả thủ đoạn để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, tuy cuộc thương chiến này cũng gặt hái được ít nhiều kết quả. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã mất trên 12%, song tôi bể đầu thì anh phải sứt trán, và cũng chỉ làm chậm bước tiến của TQ một chút thôi. Nước Mỹ mất trên 0,6% tổng sản phẩm quốc nội (tính giá trị tuyệt đối chưa biết mèo nào cắn mỉu nào đâu). Cuộc chiến này không thể kéo dài mãi và phải hòa hoãn, vì Mỹ không thể để mất thị trường 1,4 tỷ dân vào tay những nước khác, đặc biệt là các nước trong khối EU. Cho nên không lạ, khi các nước châu Âu không tham gia vào cuộc thương chiến này.

Còn nhớ, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường, ông Lý Quang Diệu của Singapore đã tuyên bố: “đầu tàu kinh tế của Trung Quốc đã khởi động và chúng tôi muốn được ngồi trên cùng chuyến tàu đó”. Ngày nay thì ai cũng muốn được như thế.
Muốn phát triển kinh tế? Phải có thị trường. Chúng ta đã có khối bài học về thị trường đó. Một khi cửa khẩu xuất hàng giữa VN và TQ có trục trặc là hàng hóa Việt Nam ứ lại bên đây biên giới, diễn lại cảnh “giải cứu đủ thứ”. Nhiều người bài Trung, cứ làm như ta không cần thị trường Trung Quốc, đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Cứ thử tẩy chay đi coi nền kinh tế Việt Nam sẽ sa sút thế nào! Thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam lớn nhất là Trung Quốc, tiếp theo mới là Mỹ, rồi mới tới các thị trường khác.

Chỉ mới năm trước, Trung Quốc còn phải nhập trái cây từ Việt Nam, nay ông hàng xóm đã bắt đầu trồng được xoài, được thanh long, được chuối…, nhu cầu nhập sẽ giảm dần, vậy tương lai của trái cây Việt Nam là thế nào. Bây giờ tính cũng chưa muộn lắm.

Trung Quốc ngày nay có thể làm được nhiều thứ – vệ tinh đổ bộ lên mặt khuất của ông trăng, hỏi đã có ai làm thế? Rồi máy bay, tàu ngầm tàu nổi, rồi tàu nguyên tử, tàu sân bay. Vừa rồi, châu Âu định (mới định thôi) sẽ không mua dầu cọ của Malaysia thì ông Mahathir Mohamad đã tuyên bố không mua máy bay của châu Âu nữa mà quay sang mua của Trung Quốc. Kinh tế thị trường mà! Có đi có lại cả.

Có một thời gian, Mỹ và một số nước châu Âu tập trung năng lực quốc gia để sản xuất những mặt hàng chiến lược, nhường lại thị trường hàng tiêu dùng cho Trung Quốc. Tôi đã thấy ở cửa hàng của nhiều nước thuộc châu Âu tràn ngập sản phẩm made in China, từ hàng điện tử đến những sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Ngày nay Trung Quốc còn làm đa dạng hơn thế, nhiều hơn thế. Tại thị trường Việt Nam, bạn có thấy nhiều hàng hóa từ Mỹ từ Âu châu không? Rất ít, không phải nhà nước hạn chế nhập khẩu mà vì giá nó cao, không hợp túi tiền của người dân. Chỉ có Trung Quốc, muốn giá nào có giá đó, từ đồ chơi của trẻ em đến hàng điện tử cao cấp; từ nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất đến thiết bị máy móc. Muốn hàng tốt thì giá cao, ít tiền thì dùng hàng cấp thấp. Cái hay trong chiến lược sản xuất của Trung Quốc là vậy.

Vì sao Mỹ ra sức chống Huawei và ZTE? Vì đây là một trong những con bài chiến lược có sức ảnh hưởng to lớn đến công nghệ viễn thông thế giới. Cũng có thể nói, đây là sức mạnh mềm của Trung Quốc mà Mỹ đang muốn kiềm chế, nếu không muốn nói là ngăn chặn. Song liệu Mỹ có làm được?

Mấy hôm nay tôi coi vài clip nói về những phát minh của người Trung Quốc phục vụ cho sản xuất và cho đời sống hàng ngày. Tóm tắt một câu là họ đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng tự động hóa vào tất tần tật các khâu để sản xuất, kể cả thủ công nghiệp, được nhanh nhất, nhiều nhất và rẻ nhất.

Chúng ta, không, nói tất cả các nước tiên tiến có cản được họ không? Không đâu. Vấn đề còn lại là chúng ta tìm cách nào đó tham gia cùng họ song không phụ thuộc vào họ. Thế mới khó!

Trong thời kỳ thế giới còn chia hai phe, Mao Trạch Đông đã nói: “Gió đông đang thổi bạt gió tây”. Hồi đó nghe vậy mọi người tưởng đùa, ấy vậy ngày nay nghiệm ra, có khi lại là thiệt./.

HẾT
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.