TIÊN TRÁCH KỶ

Hoi lo

CÂU CHUYỆN HÔM NAY
TIÊN TRÁCH KỶ
Thời buổi kinh tế thị trường, đã là doanh nghiệp thì bao giờ cũng đặt lợi nhuận lên trên hết. Điều đó không gì sai. Có doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì người ta biết tự kiềm chế lòng tham vừa phải để hài hòa giữa lợi ích của chủ đầu tư với lợi ích nhà thầu, lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích của doanh nghiệp. Nếu gặp phải anh nhà thầu vô đạo đức thì anh ta thiếu gì cách lừa lọc, qua mắt nhà đầu tư. Có một điều nên nhớ, nhà thầu đến từ quốc gia nào cũng thế. Đã tử tế thì đến từ đâu cũng là người tử tế, đã là kẻ lọc lừa thì đến từ đâu cũng lừa lọc.

Người viết bài này cũng đã có thời tổ chức các cuộc đấu thầu, cũng chọn nhà thầu tư vấn thiết kế và giám sát, nhà thầu xây dựng, nhà thầu cung cấp thiết bị. Và cũng đã có hợp đồng được ký với vài nước đông Âu, vài nước tư bản phát triển và cả Trung quốc nữa. Ăn nhau ở chỗ làm hồ sơ mời thầu cho chặt chẽ, xét thầu cho công tâm thì chẳng sợ thằng tây nào hết.

“Tỉnh ăn, nhầm thua, vô ý mất tiền”, người xưa dạy thế. Qua các hợp đồng mà tôi có tham gia, anh nào cũng có chiêu lừa trong đó. Tỷ như anh tư vấn giám sát, khi chào thầu thì đề xuất kỹ sư có trình độ cao do vậy mà mức lương cao, nhưng khi thực hiện, nếu không kiểm soát kỹ thì nó đánh tráo, vẫn với mức lương đó họ sẽ đưa sang một anh trình độ thấp. Rồi mấy anh thầu xây dựng, thầu cung cấp thiết bị, thôi thì đủ chiêu lừa lọc để ăn bớt ăn xén tiền của chủ đầu tư.

Qua một số công trình mà dư luận kêu ca, nào là đội vốn, nào là chậm tiến độ vân vân, xin thưa là lỗi của chủ đầu tư phần lớn, nếu không muốn nói là hầu hết. Trình độ quản lý dự án của chủ đầu tư kém thì chỉ đáng trách một phần, nhưng nhiều anh giỏi thực lại muốn kiếm chác. Anh ta hay chị ta bảo với nhà thầu: “Chúng tao biết tỏ chiêu của chúng mày rồi, khôn hồn thì nôn ra”. Nhà thầu hỏi: “How about your percentage?”, có anh đếch biết tý ngoại ngữ nào, phải xòe ngón tay ra, thế là anh nhà thầu cũng xòe ngón tay ra nhưng ít hơn. Trao qua đổi lại, chỉ bằng động tác xòe hay cụp ngón tay, thế là hiểu nhau về số phần trăm nhà thầu phải chi ra. Tôi nói chuyện có thực đó. Cái ông “xòe/cụp” vưỡn còn sống và thỉnh thoảng tôi vưỡn thấy lên TV giảng về đạo lý!

Có một số người, cứ hễ nói có công trình nào sắp được thực thi ở nước ta, tuy nhà nước chưa quyết định chọn ai, đã vội vàng lên tiếng, không được chọn nhà thầu Trung Quốc! Tỷ như dự án đường cao tốc bắc nam, mới “nghe hơi nồi chõ” rằng sẽ có dự án đó, chẳng hiểu cóc khô gì đã có lão già, bà già ngoác mồm ra, làm như ta giỏi, “ẳng” ngay một câu là không được thuê Trung Quốc! Nói một cách công bằng, công nghiệp nặng của Trung Quốc cũng chẳng kém mấy so với các nước công nghiệp phát triển đâu, bên chín bên mười thôi. Nhưng giá của Trung Quốc bao giờ cũng thấp hơn, vì tiền lương nhân công của họ rẻ hơn, có khi chỉ bằng một nửa lương của các nước tư bản cùng cấp độ; vì họ ở sát bên mình nên chi phí vận chuyển mọi thứ rẻ hơn, vì năng suất lao động của họ cũng chẳng mấy kém ai. Chẳng thiếu gì các công trình do nhà thầu Trung Quốc thực hiện ở một số nước phát triển và đang phát triển. Không lẽ những nước đó ngu cả?

Tin mới nhất, chính phủ mới của Malaysia đã đàm phán lại cái dự án đường sắt bờ đông (ECRL) với Trung Quốc, kết quả là vốn đầu từ giảm được gần một phần ba. Đó là bài học cho những người làm chủ đầu tư.

Nếu không nói tất cả, hầu hết các nhà máy thủy điện nhỏ của Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc, vẫn đúng tiến độ, vẫn không đội vốn, qua bao nhiêu năm, thiết bị vẫn chạy tốt. Vì sao? Vì vốn đầu tư các trạm thủy điện ấy là của tư nhân, nên họ quản rất chặt. “Đồng tiền đi liền khúc ruột” mà!

Có điều, nhiều nhà thầu Trung Quốc luôn sẵn sàng hối lộ cho người có trách nhiệm để giành được hợp đồng, mà đó chính là điều mà nhiều ông có trách nhiệm quản lý dự án rất khoái. Đó, vì thế “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, phải dạy dỗ người trong nhà trước. Chứ cửa nẻo tuy đã khóa chắc, nhưng người trong nhà làm nội ứng thì có trời cứu!

Ngày 15/4/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.