KHỞI NGHIỆP

CN điện

CÂU CHUYỆN HÔM NAY
KHỞI NGHIỆP
Các cụ nhà ta thường bảo với con cháu rằng, cao thì không với tới mà thấp thì không thèm. Cái sự học hành của nước ta từ thời còn Bắc thuộc đã coi trong thi cử, coi trọng bằng cấp, nên ai cũng muốn làm thầy chớ mấy ai muốn làm thợ? Vậy là thừa thầy mà thiếu thợ. Có nhiều cái thuộc truyền thống, phát huy và nối tiếp thì tốt, song cái truyền thống chuộng bằng cấp thì tai hại quá.

“Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, trong câu nói này cũng có cái ý rằng, “ông sẽ không thèm để ý đến cái nhỏ nhặt, ông đây sẽ làm lớn cho mà coi”. Giá mà lời nói đi đôi với việc làm thì tốt quá, nhưng đâu phải ai cũng được thế?

Tôi còn nhớ cách đây gần chục năm gì đó, báo chí tung hô cái ông gì ở Thái Bình, làm được cái tàu ngầm mini. Tốt thôi, nhưng ông làm được cái gì? Và để làm gì? Dìm nó xuống hồ thì được, chứ đưa nó vào chỗ nước sâu thì sẽ sao đây? Cứ cho rằng mọi cái thử nghiệm đều tốt đi, nhưng ai giám kiểm định và cấp phép cho cái tàu đi ra biển?

Rồi lại có một bạn ở miền tây nam bộ hay đâu đó, chế tạo được một chiếc máy bay trực thăng. Số phận của nó cũng chẳng hơn gì cái tàu ngầm ở Thái Bình.

Tôi còn nhớ, năm 1960 gì đó, trong cuộc triển lãm kinh tế quốc dân ở Hà Nội, trưng bày một chiếc xe hơi “made in Việt Nam”, mang tên “Chiến thắng”, một chiếc duy nhất và cũng chỉ xuất hiện ở triển lãm thôi. Từ năm 1960 đến nay đã gần sáu chục năm rồi, chúng ta mới thấy được những cái xe “assembled in (lắp ráp tại) Việt Nam”, thế cũng là tốt nhưng chưa tốt lắm.

Như vậy là trong chúng ta đã có người bay lên, có người lặn xuống. Thôi cứ xin các vị ở trên mặt đất cho bà con nhờ. Vì trên mặt đất này còn nhiều thứ để làm lắm. Các cuộc thi Robocom thật thú vị, và cũng đã thể hiện được trí tuệ của người Việt trong các cuộc “đem chuông đi đánh xứ người”. Song thử hỏi đã có bao nhiêu thành tựu đó được đi ra thị trường, tức là thương mại hóa. Không biết bạn thế nào chứ tôi không thấy.

Đó là Việt Nam, học để có cái bằng, thi để đoạt cái giải. Rồi một khi cầm tấm bằng đó, ôm cái giải thưởng đó, thì góp gì cho đời?

Nếu đúng như báo chí nói, ngày nay chỉ có anh Vượng làm xe hơi mới đúng bài bản, sau khi chế tạo được một ít anh không bán ngay mà gởi qua 14 nước để thử nghiệm theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, nào va đập, nào mài mòn vân vân. Hy vọng rồi sẽ có một ngày, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm như thế.

Bạn coi trong nhà bạn còn thiếu cái gì? Cần phải thay đổi cái gì và ai sẽ giúp bạn làm điều đó? Các nhà khoa học còn đang bận bịu với những vấn đề “vĩ mô”, còn những lĩnh vực thuộc đời sống hàng ngày, phải nhờ đến “các nhà khởi nghiệp”. Tôi có thể nói, không một nhà người Việt Nam nào mà không có tối thiểu một món đồ “made in China”, thậm chí từ đồ chơi trẻ em, con dao thái thịt đến gì gì nữa. Nói đến đây tôi xin các bạn đừng đổ hết tội cho nhà nước. Tại các nhà buôn ham rẻ mà đem về thôi, không đi đường chính ngạch mà phần lớn là “tiểu ngạch”, có khi còn đi chui đó.

Vậy các nhà khởi nghiệp của ta ở đâu và làm gì? Có lẽ họ nghĩ, chẳng thèm làm những cái nhỏ nhặt đó. Đã làm thì phải làm lớn! Thế là lớn thì không làm được, nhỏ thì không thèm làm. Rốt cuộc cứ nhập từ nước ngoài. Hy vọng là tôi nói sai.

Một lần tôi mua món đồ mỹ nghệ Việt Nam sang Pháp làm quà cho một người ông sếp lớn của một công ty, khi mở hộp ra, thì ôi thôi, chỗ nào gắn keo nó rụng ra hết. Xấu hổ! Tranh sơn mài, đồ gốm Việt Nam, có được bao nhiêu chủng loại hợp thời đại hay chỉ toàn mẫu cũ cách đây mấy chục năm? Người Việt mình bảo thủ thiệt, bà con nhỉ?

Vậy mà mọi người cứ đòi tẩy chay Trung quốc. Tẩy chay? Tôi cũng đồng ý và muốn lắm. Song tẩy chay rồi thì lấy cái gì mà dùng? Các nhà khoa học còn đang lo chuyện “vĩ mô”, các nhà khởi nghiệp thì không thèm làm vì nó nhỏ nhặt quá.

Cứ cách này, rồi đây chúng ta sẽ phụ thuộc vào Trung quốc, phụ thuộc về kinh tế sẽ không tránh khỏi phụ thuộc về chính trị. Các bạn trẻ ơi, sự nghiệp và trách nhiệm đó thuộc về các bạn. Các bạn hãy hành động đi, đừng trông chờ vào Mỹ hay những nước xa lắc xa lơ. “Nước xa không chữa được lửa gần” các bạn ạ. Phải làm sao có nhiều sản phẩm “made in Việt Nam”, lúc đó chúng ta mới thực sự độc lập. Nếu trong tay chúng ta không có gì thì chẳng tạo nên được sự “phụ thuộc lẫn nhau” trong quan hệ đâu. Không khéo lại trở thành con đường một chiều.

Tôi viết bài này, có bạn lại bảo tôi phù Trung, song đó là sự thật, nếu chúng ta không chấp nhận sự thật này, chúng ta sẽ phải trả giá đắt./.

18/4/2019
Ph. T. Kh.
Hình chỉ có tính chất minh họa

Add a Comment

Your email address will not be published.