NHẬN CHÂN

Hồi tưởng
CÂU CHUYỆN HÔM NAY
NHẬN CHÂN
Trong rạp xiếc người ta mặc cho các diễn viên thú, như chó, khỉ… bộ trang phục hợp với vai diễn của nó. Song dù mặc gì thì tất cả khán giả ngồi trong rạp xiếc đều nhận chân ra chúng thuộc loài giống nào, họ nhận ngay ra bản chất của chúng, cấm có nhầm.
 
Trên mạng xã hội lâu nay rộ lên chuyện bộ sử 15 tập, nghe nói trong đó người ta bỏ đi từ “ngụy quân” và “ngụy quyền”. Thế là một số người tỏ ra hoan hỉ. Phải như thế mới đúng, mới là “hòa hợp. hòa giải”. Một số khác lên án các nhà sử học và gán cho họ cái tội “lật sử”.
 
Tôi chưa đọc trang nào trong bộ sách đó và chắc cũng không ít người như tôi, nhưng tôi tin, một khi nhà nước – đã trải qua nhiều cơ quan thẩm định, đã chấp nhận thì chắc phải có lý do gì đó. Gần đây lại nghe nói, có yêu cầu từ ai đó, giữ nguyên hai danh xưng nói trên trong các tài liệu chính thống. Thế là lại có một số đông hoan hỉ, cho rằng như vậy mới đúng.
 
Thế nào là sai, là đúng? Cả hai phía chẳng đưa ra một lý lẽ có tính thuyết phục nào. Tất cả chỉ là cảm tính (không loại trừ có người làm theo lệnh của ai đó). Tôi thích giữ chữ “ngụy” thì đương nhiên giữ lại mới là đúng. Anh kia, chị kia thích bỏ chữ “ngụy” thì bỏ đi mới là đúng!
 
Bỏ qua thời kỳ từ khi Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam cho đến năm 1945, và sau năm 1954, ở nước ta có các chính quyền do nước ngoài lập nên. Đó là:
 
1) Chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên vào ngày 17/04/1945.
2) Chính quyền Nguyễn Văn Xuân, Thủ tướng của cái gọi là Cộng hòa tự trị Nam kỳ, do Pháp dựng lên ngày 8 tháng 10 năm 1947 đến ngày 27 tháng 5 năm 1948.
3) Trong khi ở miền nam là Cộng hòa tự trị Nam kỳ, thì ở miền bắc và miền trung, người Pháp lập ra các cơ quan hành chính tạm thời là Hội đồng an dân Bắc phần và Hội đồng Chấp chánh lâm thời Trung phần, do Trương đình Tri và Trần văn Lý đứng đầu. (Chẳng đếm xỉa gì đến vua An-nam)
4) Ngày 26/03/1948, Pháp tuyên bố cho Việt Nam được độc lập nhưng nằm trong khối Liên hiệp Pháp, tại Hongkong ông vua bù nhìn Bảo Đại tuyên bố thành lập Quốc gia Việt Nam và Nguyễn Văn Xuân được cử làm thủ tướng (trong số 6 người được đề cử, thì có 5 người rút lui) từ 27/05/1948, đến ngày 14/07/1949 Bảo Đại tuyên bố tự mình là Quốc trưởng kiêm Thủ tướng.
5) Năm 1954, Mỹ thay thế Pháp ở Đông dương, vẫn duy trì chức vị Quốc trưởng của Bảo Đại, và đưa Ngô Đình Diệm từ một nhà thờ ở Mỹ về làm Thủ tướng. Số phận Diệm thế nào thì lớp hậu thế chúng ta đã rõ.
 
Như vậy, tất cả các chính phủ nói trên đều do nước ngoài đưa về (trừ ông Trần Trọng Kim) và là những chính phủ tay sai của ngoại bang, từ Nhật đến Pháp đến Mỹ. Số phận của mỗi người đứng đầu chính phủ không phải do nhân dân định đoạt mà do các thế lực bên ngoài quyết định. Người Trung hoa có câu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung…”, trong trường hợp của nước ta, chữ “quân” ở đây không còn là vua mà là người đứng đầu chính phủ bảo hộ, nuôi dưỡng. Minh chứng là các chính quyền VNCH tồn tại hay không tồn tại đều do Mỹ quyết định.
 
Một chính quyền được dựng lên và nuôi dưỡng bởi nước ngoài thì không có thể gọi gì khác hơn là “ngụy”, ngay ở phương tây người ta cũng định nghĩa một chính phủ do nước ngoài dựng lên và nuôi dưỡng như vậy (theo Wikipedia tiếng Việt).
 
Từ “ngụy quân” không phải sau này mới có, mà từ hồi kháng Pháp, lính “bảo hoàng” trong quân đội Liên hiệp Pháp cũng đã được dân ta gọi là “ngụy binh”.
 
Đó là nói về lý lẽ. Song một khi đã viết những tài liệu ngoại giao có tính chất quốc gia và quốc tế, thì người ta không dùng các hỗn danh mà phải dùng chính danh để xác định các bên tham chiến. Tôi chắc trong các Hiệp định Geneve năm 1954 cũng như Hiệp định Paris năm 1973 sẽ không hề có chữ “ngụy” nào để chỉ VNCH và lính tráng của họ, cũng như vậy ta gọi Pháp là “thực dân”, gọi Mỹ là “tên đế quốc”, thậm chí là giặc Mỹ. Song tôi chắc, trong hai Hiệp định nói trên hai danh xưng “thực dân” và “đế quốc” cũng không xuất hiện.
 
Cũng như vậy, phía bên kia đã gọi quân đội của miền Bắc và của Chính phủ cách mạng lâm thời là “Việt Cộng”, song trong các văn bản Hiệp định Paris, từ “Việt Cộng” chắc chắn đã không xuất hiện. Có đúng vậy không các vị đã từng tham dự các cuộc hòa đàm?
 
Quan điểm của tôi là bỏ hay duy trì từ “ngụy” trong sử sách, chẳng có gì quan trọng, quan trọng nhứt là làm thế nào để thế hệ sau chúng ta khi đọc lên thì nhận ngay ra đúng bản chất và chân tướng của nó, không được phép đổi đen thành trắng để chạy tội cho kẻ xâm lược và chính quyền tay sai.
 
Suy nghĩ của tôi vậy đó, ai không cùng suy nghĩ thì tùy họ thôi.
 
Ngày 14/5/2019
Ph. T. Kh.
Hình trong bài: Hồi tưởng về quá khứ

2 comments

  1. Cháu xin lỗi vì comment vào mục này, cháu không tìm thấy nơi nhắn tin riêng.
    Cho cháu hỏi sách “Kỹ thuật nuôi trồng hoa lan” của thầy Nguyễn Thiện Tịch, xuất bản năm 2004 của Nhà xuất bản Nông nghiệp bác có file PDF không ạ? Cháu tìm mua mà không thấy, chắc xuất bản lâu rồi nên không tìm được, các file ebook cũng không có.
    nếu bác có, bác chia sẻ cho cháu được không ạ? Cháu cảm ơn bác, chúc bác mạnh khỏe.

    1. Bùi Văn Khánh ơi, bác cũng không có. Nếu bác tìm thấy, bác sẽ chuyển cho cháu.

Leave a Reply to Bùi Văn Khánh Cancel reply

Your email address will not be published.