KHÔNG NÊN QUÊN

Điện thủ đức

CÂU CHUYỆN HÔM NAY
KHÔNG NÊN QUÊN

Những người làm trong ngành điện ở miền nam Việt Nam sau năm 1975 chắc vẫn chưa quên những khó khăn trong sản xuất và cung cấp điện của những năm đó. Nhớ về điều đó thì cũng không nên quên sự giúp đỡ rất vô tư của chính phủ Thụy điển (Sweden), Liên hợp quốc và một số công ty tư nhân của Nhật.

Ngay sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam bị Mỹ và phe cánh bao vây cấm vận, các nhà máy điện ở miền nam có xuất xứ từ Mỹ, từ Nhật…, làm việc lâu quá rồi mà không có phụ tùng thay thế để đại tu, thế là công suất phát điện ngày một giảm, trong khi nhu cầu về điện ngày một tăng.

Trong lúc khó khăn ấy, chỉ có chính phủ Thụy điển là chìa tay ra giúp đỡ chúng ta, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Các kỹ sư Thụy điển, cùng với các cán bộ sứ quán ở Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu lấy thiết bị của Thụy điển thay thế thiết bị của Mỹ. Kết quả là chúng ta đã khôi phục được một tổ máy của nhà máy điện Thủ đức, đưa công suất của nhà máy đạt theo thiết kế.

Chúng ta cũng cần biết ơn các tổ chức của Liên hợp quốc, trong lúc khó khăn ấy đã giúp ngành điện miền nam đào tạo hàng loạt cán bộ quản lý từ khắp các cơ sở điện lực toàn miền nam, giúp cho chúng ta một nhà máy sửa chữa cơ điện, một nhà máy sản xuất tụ điện cao thế.

Tất cả số tiền mà chính phủ Thụy điển cũng như Liên hợp quốc giúp đỡ lúc đó đều là sự viện trợ không hoàn lại. Bình quân từ năm 1986 đến năm 1991, mỗi năm ngành điện miền nam nhận được 3 triệu USD, không phải trả vốn và lãi. Tất cả đều “free”.

Chính phủ Nhật tuy không trực tiếp giúp đỡ song lại cho phép các công ty thương mại, công ty chế tạo thiết bị lập ra những công ty nhỏ xíu để làm ăn với Việt Nam như Itochu lập ra Shin Etsu, công ty Nissho Iwai lập ra Shinwa Bussan để lách sự cấm vận của Mỹ, cung cấp cho chúng ta thiết bị thay thế cho nhà máy điện Cần Thơ, thủy điện Đa Nhim. Sau khi Mỹ bỏ cấm vận các công ty “trá hình” này cũng giải thể.

Ngành điện miền nam đứng vững được trong cơn bão cấm vận ở thời kỳ đó, chúng ta không bao giờ quên ơn sự giúp đỡ này. Đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”./.

Ngày 3/6/2019
Ph. T. Kh.
Hình trong bài: Nhà máy nhiệt điện Thủ đức

Add a Comment

Your email address will not be published.