TÔI CHẤP NHẬN

Orchid
CÂU CHUYỆN HÔM NAY
TÔI CHẤP NHẬN
 
Tôi biết, tôi chứng kiến, và tôi hiểu rằng đất nước mình bên cạnh những điều hay còn nhiều điều dở, nhiều cái chưa tốt, thậm chí là xấu và rất xấu nữa. Song tôi chấp nhận và cố gắng làm tròn nghĩa vụ một công dân để góp phần làm cho đất nước đẹp lên, tốt lên.
 
Xuất phát điểm của gia đình tôi thấp về mọi mặt, khinh tế thì nghèo, học hành thì dở dang, qua tám chục năm “bắt buộc” phải sống trên đất nước này (còn biết đi đâu?), thì cứ gọi là phải chấp nhận tất cả cái gì mà đất nước đem đến cho mình.
 
Tôi chấp nhận là một đứa trẻ nhà quê, có một thời gian dài ăn đói, mặc rét, và nhìn thấy những người trong gia đình chết đói mà không ai cứu, nhìn đồng loại chết tức tưởi bên bờ kênh bờ ruộng chỉ vì không kiếm ở đâu ra một miếng ăn.
 
Tôi chấp nhận, khi mới chỉ là một học sinh trung học, trong cái túi đựng sách vở, còn một thứ khác là trái lựu đạn để phòng khi gặp biệt kích trên đường đi học về. Vì muốn kiếm con chữ để đổi đời, tôi chấp nhận, mỗi ngày phải đi bộ cả chục cây số mới đến trường, mỗi ngày mẹ và chị tôi dành cho tôi một bát cơm vào buổi trưa và một bát cháo vào buổi tối.
 
Tôi chấp nhận những trận càn của quân Pháp, chúng tôi phải nhảy qua những xác chết mà chạy trốn, mà tôi đâu phải là anh du kích hay bộ đội, tôi chỉ là một đứa trẻ mới có 13 tuổi thôi.
 
Tôi chấp nhận mọi khó khăn, thiếu thốn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, mà những người lãnh đạo đất nước lúc đó bảo rằng, “tất cả để chiến thắng!”. Nếu vì cái điều thiêng liêng đó thì tôi chấp nhận, để rồi tin rằng “thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng gấp mười ngày nay”.
 
Không phải tôi an phận thủ thường, không phải tôi không biết so sánh giữa điều được và chưa được, giữa nước ta với các nước khác trên thế giới. Tôi có may mắn là đã được đến nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi đã thấy không khí tự do của nước Mỹ, tôi cũng thấy một xã hội bình đẳng của Thụy điển. Tôi cũng ước mong đến một ngày nào đó, tôi cũng được sống trong một đất nước Việt Nam như thế.
 
Nhưng nước Mỹ đã có trên hai trăm năm không có chiến tranh trên đất nước họ. Với sức mạnh đứng đầu thế giới, họ chỉ đem chiến tranh đến cho nước khác, chiến tranh cũng là một động lực để nước Mỹ giàu thêm, mạnh thêm. Nước Thụy điển đứng ngoài tất cả các cuộc chiến tranh, từ chiến tranh thế giới lần thứ hai đến các cuộc chiến tranh liên tục qua hàng thế kỷ trên các lục địa bên ngoài Thụy điển. Cả hai nước này đã có hàng trăm năm lăn lộn, bồi đắp các thế hệ lãnh đạo đất nước theo quy luật thị trường, thế hệ các nhà khoa học đủ thời gian để chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ loài người. Họ không có người tài người giỏi mới là lạ!
 
Nước Việt ta còn nghèo lắm, những người lãnh đạo của nước ta từ trên xuống dưới còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý xã hội lắm; công chức của ta còn nhiều người ăn thì giỏi mà làm thì kém lắm, sống dựa dẫm còn nhiều lắm; luật pháp của nhà nước ta chưa hoàn chỉnh, còn mất nhiều thời gian để làm luật và sửa luật lắm; người dân Việt ta cò nhiều người sống không tôn trọng luật pháp lắm, chưa kể có những kẻ đã không góp sức xây dựng, còn phá hoại thêm làm cho xã hội phải tốn thêm chi phí để kiểm soát việc thi hành luật pháp, tốn thêm biết bao chi phí để sửa chữa những lỗi lầm của những kẻ chống đối và phá hoại. Âu cũng là những thử thách định mệnh đối với đất nước ta chăng?
 
Trong một gia đình, cha mẹ cứ nai lưng ra làm, những thành viên khác nai lưng ra làm, lại có một đứa con suốt ngày nghiện ngập, phá phách thì hỏi gia đình đó có khá lên được không?
 
Tôi trưởng thành từ một anh “bần nông” như mọi người hay nói một cách mỉa mai, ngày nay tôi đã cuộc sống tuy chưa thật giàu sang nhưng tôi vẫn chấp nhận xã hội này vì nó mang lại cho tôi và người thân của tôi sự bình yên mà ít nơi có được. Tôi xin được làm một công dân lương thiện, vậy là đủ!
 
Ngày 7/6/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.