PHÍ CHIA TAY

quoc hoi
CÂU CHUYỆN HÔM NAY
PHÍ CHIA TAY
 
Thời điểm này đưa ra cái phí này là chưa phù hợp. Bởi vì dân bị dị ứng mỗi khi nghe đến chữ “phí”. Song đó cũng chỉ là đề xuất của một vị dân biểu, ông ta hoặc bà ta có quyền đề xuất, còn đề xuất có được chấp thuận hay không còn phải chờ cái tay bấm nút của gần năm trăm vị khác.
 
Bản thân tôi thì có ý kiến là xin các vị tập trung vào những đại sự của đất nước. Chuyện này xin để về sau hẵng hay.
 
Chuyện đề ra cái “phí chia tay” cũng chẳng mới mẻ gì. Hiện đã có 37 nước áp dụng cái phí này, có nơi gọi là “phí tạm biệt”. Và mức phí cao nhất được áp dụng tại một nước nào đó là 150 USD, ở Mỹ là 10-15 USD (theo số liệu của bạn Tuế Nguyệt trên FB). Thôi cứ kệ họ. Ở đây xin có vài ý kiến về chuyện này.
 
Nhiều bạn đưa ra lý do không nên là vì dân ta còn nghèo! Có lẽ lý do này không được thuyết phục, vì xét ra những ai phải chịu cái phí này chứ: (1) Khách nước ngoài đi ra khỏi Việt Nam; (2) Khách Việt Nam đi du lịch; (3) Du học sinh, các quan chức, viên chức đi tham quan, học hỏi… Đại khái là vậy. Những người đó có thuộc thành phần dân nghèo không? Không. Toàn dân có tiền cả đó. Dân nghèo thì lấy tiền đâu mà xuất cảnh! Và cũng chẳng phải là đại đa số dân Việt thường xuyên ngồi trên máy bay để đi ra nước ngoài.
 
Cái ông nào đó, nói cái giá 3 đến 5 đô cũng chỉ như bữa ăn sáng. Ông nói không rõ. Cái giá đó là cái giá trung bình mà người đi xuất cảnh phải trả khi ông hay bà ngồi trên phòng chờ trong lúc lên máy bay (nếu hứng lên mà gọi thêm ly cà-phê hay chai bia thì số tiền nói trên không đủ). Còn người không đi xuất cảnh thì ăn ở trong thành phố chỉ hết ba, bốn chục ngàn thôi chứ mắc mớ gì mà phải ra sân bay ăn cho nó mắc mỏ?
 
Báo Thanh Niên ngày 14/6/2019 giật một cái tít “phí tăng, lòng tin giảm”. Đặt một cái tít rất khiên cưỡng, rất phản cảm. Bản chất của sự việc là vị đại biểu quốc hội kia cũng từng đi du lịch, thấy người ta thu phí đó thì cũng nghĩ mình nên áp dụng mà thiếu đi sự suy nghĩ thấu đáo. Tôi đồng ý với một bạn nói rằng pháp luật phải xuất phát từ văn hóa của một dân tộc. Suy ra vị đại biểu quốc hội kia chưa thấm nhuần văn hóa Việt mà lại đi làm việc trong một lãnh vực văn hóa.
 
Suy nghĩ tiếp theo của tôi là, đại biểu quốc hội có quyền và cũng là có trách nhiệm đề xuất một điều luật, còn điều luật có được đa số đại biểu của quốc hội (tức là đa số người đại diện của dân) chấp nhận hay không? Cũng giống như một vị đề nghị coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Trong cả hai trường hợp này là không được chấp nhận. Đó là sự sáng suốt của các vị đại biểu của dân.
 
Vậy thì có gì đâu mà làm ầm ĩ lên. Chắc có bạn bảo vì có ý kiến của một số người dân nên quốc hội mới không thông qua điều luật đó. Vậy thì các bạn đã đánh giá thấp người đại diện cho mình rồi. Tôi không biết trình độ của bạn có hơn các đại biểu này không chứ trình độ tôi kém họ là cái chắc./.
 
Ngày 17/6/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.