CHỐNG GÌ NHỈ?

Ba sọc
CÂU CHUYỆN HÔM NAY
CHỐNG GÌ NHỈ?
Thiếu gì cái để chúng ta chống, đúng vậy không các bạn?
Ngày nay ta tạm gác chuyện chống giặc ngoại xâm sang một bên, vì chúng chưa thực sự xuất hiện. Khi nào chúng xuất hiện thì lo gì dân ta chẳng đồng lòng!
 
Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện này ta phải chống “giặc nội xâm”. Đó là những công chức thoái hóa biến chất – tham nhũng, lạm quyền, nhũng nhiễu… đó là một mặt trận khá cam go, song cũng đã có những trận thắng, nhiều kẻ bị xử với mức án cao nhất, nhẹ thì cũng vài năm sống trong lao tù.
 
Vậy còn trong nội bộ nhân dân ta, tức là những người phải tuân thủ luật pháp có gì cần chống không nhỉ? Có cả đống – buôn lậu, gian lận, làm hàng gian hàng giả…, chẳng lẽ không cần chống?
 
Những công việc “chống” đó đã và đang được làm, làm một cách quyết liệt. Song lại có một thế lực khác, họ không muốn chống lại những tội phạm đó, nếu không nói là họ còn khuyến khích nữa, vì họ chính là kẻ đồng hành với tội phạm. Cái họ cần chống là chống chính quyền do đảng cộng sản lãnh đạo.
 
Trước khi nói đến việc có nên chống chính quyền hiện nay không, ta nên làm rõ một điểm cơ bản: Chính quyền hiện nay đại diện cho ai và vì quyền lợi của ai?
 
Khi thành lập đảng cộng sản, vì muốn tập hợp công nhân, nông dân – chiếm tới 90% dân số, thì những người lãnh đạo của đảng này tuyên bố là “đảng của giai cấp công nhân và những người lao động”, sau này được giải thích thêm nghĩa chữ “lao động” là bao hàm cả lao động chân tay và lao động trí óc. Chính vì vậy mới có các cuộc cải cách như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản công thương nghiệp, để giành lại những gì mà những người lao động cần nhưng không có. Thời kỳ nói là đảng của giai cấp công nhân và những người lao động đã qua từ khi bắt đầu tiến trình đổi mới (1986).
 
Ngày nay đảng cộng sản vẫn nhắc đến giai cấp công nhân nhưng công nhân không còn là “chủ sở hữu” nữa mà là “có tính chất, hoặc mang bản chất giai cấp công nhân”. Theo giải thích thì giai cấp công nhân có những ưu điểm như tính “kỷ luật cao”, tính “triệt để” một khi tiến hành một việc gì đó và tính “tiên tiến” vì được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật. Vậy bây giờ đảng cộng sản là của ai, nó chẳng phải của công nhân hay nông dân mà là của dân tộc, vì quyền lợi của dân tộc chứ chẳng vì quyền lợi của một cá nhân hay một đảng phái nào.
 
Nói đến đây, đủ để đặt ra một câu hỏi. Vậy thì những người đang chống lại chính quyền do đảng cộng sản lãnh đạo thì họ chống vì cái gì? Không lẽ chống lại quyền lợi dân tộc?
 
Hiện nay có một số người tự nhận mình là trí thức đang có xu hướng chống lại đường lối của đảng cộng sản. Sở dĩ tôi dùng chữ “tự nhận” là vì có bạn nhắc lại lời của một triết gia tên là Sartre rằng: “Trí thức, không phải là tất cả những người làm lao động trí óc”. Rồi bạn đó giải thích thêm: “Một người nghiên cứu hạt nhân để cho nổ ra trái bom nguyên tử càng lúc càng tinh vi, người đó ông (Sartre) gọi là bác học. Cũng nhà bác học đó, khi ý thức được cái khí giới giết người ghê gớm đó, đứng lên hô hào chống lại bom nguyên tử, lúc đó ông bác học đó mới là trí thức”.
 
CÂU CHUYỆN HÔM NAY
CHỐNG GÌ NHỈ?
(Tiếp theo và hết)
 
Luận điểm này làm cho người ta hiểu rằng, chính quyền hiện nay đang thực thi các đường lối chính sách chỉ như những nhà bác học phát minh ra bom nguyên tử mà chưa thể biết bom nguyên tử đó đem lại những kết quả gì, nên họ chưa được gọi là “trí thức”. Vậy nên những nhà “tự nhận” mình là trí thức đang cố ngăn chặn hậu quả của quả bom nguyên tử đó.
 
Tác giả cuốn sách “Thế giới quanh ta” cho rằng trí thức là do giai cấp tiểu tư sản sinh ra, cho nên “anh trí thức tiểu tư sản kia chẳng bao giờ có thể là “trí thức hữu cơ” của giai cấp vô sản”, vậy thì “nếu anh cứ muốn làm, hãy chấp nhận cô đơn mà làm, chênh vênh giữa trời và đất, trời mà anh đã ruồng bỏ, đất muôn đời chẳng dung nạp anh”.
 
Có lẽ luận điểm này hơi bị cũ, nó phù hợp với giai đoạn đầu của cách mạng, giai đoạn mà các nhà trí thức cách mạng như Tô Hiệu, như Trường Chinh, Trần Phú, Hoàng Quốc Việt …, đã từ bỏ giai cấp của mình xuống làm việc ở các hầm mỏ để thực hiện “vô sản hóa”. Lớp trí thức mới ngày nay chẳng xuất thân từ giai cấp nào, vì đảng cộng sản đã gần như xóa bỏ giai cấp. Ta hãy hỏi các nhà lãnh đạo có học vị, học hàm là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư… (vì theo định nghĩa của Sartre mà tôi không dám gọi họ là trí thức) trong bộ máy chính quyền hiện nay xuất phát từ giai cấp nào? Câu trả lời giành cho các bạn.
 
Chủ nghĩa tư bản cổ điển lấy bóc lột giá trị thặng dư làm động lực phát triển, chính vì thế mới có sự xung đột về quyền lợi giữa chủ và thợ. Sau đó, tân chủ nghĩa tư bản đã đổi mới, người chủ đã “san sẻ” quyền lợi và cả trách nhiệm nữa cho người thợ bằng cách bán một phần tài sản cho người lao động mà ngày nay ta gọi là “cổ phần hóa”. Một khi người lao động đã có cổ phần trong xí nghiệp thì cũng tức là đã trở thành ông chủ của số cổ phần do mình nắm giữ, cuộc đấu tranh giai cấp giữa chủ và thợ vì thế cũng đã bị triệt tiêu.
 
Trở lại nước Việt Nam chúng ta, một số nhà trí thức không phản đối “đổi mới”, họ cho rằng “đổi mới” cũng chỉ như làm ra một quả bom nguyên tử, họ đang “chênh vênh giữa trời và đất” để coi công cuộc đổi mới này sẽ đi về hướng nào? Đi theo dân chủ tư sản hay theo dân chủ xã hội? Đây là một câu chuyện dài, khi nào có dịp chúng ta sẽ bàn với nhau.
 
Một điều khẳng định, vào thời điểm hiện nay không còn ai nhắc đến “đầu tranh giai cấp” nữa. Bởi vì, chúng ta đã có những người nông dân giàu có, những người công nhân giàu có, những trí thức giàu có… họ đã là những ông chủ trên tài sản của họ và cùng với họ là các cổ đông đang cùng với họ lo làm giàu, càng giàu càng tốt. Vai trò của nhà nước bây giờ chỉ còn là thực hiện việc điều tiết để hạn chế, tiến tới triệt tiêu sự bất bình đẳng trong xã hội. Đó là chủ nghĩa xã hội. Đó là một nền dân chủ xã hội. Điều mà có một số người không thích./.
 
HẾT
Ngày 12/7/2019
Ph. T. Kh.
Hình trong bài: “Dũng khí cao ngút trời!”

Add a Comment

Your email address will not be published.