CỨ ĐỂ CHO HỌ CHỬI

Landmark
CÂU CHUYỆN HÔM NAY
CỨ ĐỂ CHO HỌ CHỬI
 
Thỉnh thoảng vẫn có người lôi chuyện cải cách ruộng đất trong những năm 50 của thế kỷ trước ra để chửi. Chắc chắn một điều, những người chửi đó không thuộc diện chín mươi phần trăm dân số lúc đó. Chín mươi phần trăm là nông dân nghèo, chỉ có một hai phần trăm là địa chủ. Nông dân không có ruộng được chia ruộng, không có sức kéo thì được chia trâu bò, nên họ biết ơn chứ không chửi.
 
Họ nhà tôi – cả bên nội lẫn bên ngoại đều thuộc tầng lớp địa chủ, cũng đỗ đạt ông này ông nọ trong khoa thi dưới triều nhà Nguyễn, cũng có ruộng phát canh thu tô như tất cả tầng lớp quan lại và địa chủ khác. Nhưng chỉ có một điểm khác, đó là khi cuộc Cách mạng Tháng Tám nổ ra, anh em con cháu trong họ đi theo cách mạng khá đông, có người còn đi từ những năm 30 cơ, vì thế khi chính quyền lấy nhà, lấy ruộng chia cho người nghèo thì chúng tôi không phản đối, cũng không chửi.
 
Sau năm 1954, quân Pháp rút vào trong vĩ tuyến 17, chính quyền cũng tiến hành một đợt cải tạo công thương nghiệp nhưng mọi chuyện diễn ra khá êm ả. Một phần do nhiều nhà tư sản đã theo chân Pháp đem của nả chạy vào miền Nam. Số gia đình tư sản còn lại rất có cảm tình với cách mạng và nhiều vị còn tham gia các công việc chính quyền và xã hội, như nhà tư sản Bạch Thái Bưởi ở Hải Phòng. Vì vậy cũng không có ai chửi.
 
Sau năm 1975, đất nước được thống nhất, thì có nhiều tiếng chửi chính quyền mới. Chửi nhiều nhất là từ những người bị ảnh hưởng bởi công cuộc “cải tạo tư sản”. Số người bị ảnh hưởng bởi cuộc cải tạo tư sản không nhiều, so với dân số của toàn miền nam hồi đó (chừng mười phần trăm), mà đa số là người Hoa ở Chợ Lớn – những người nắm yết hầu, nắm quyền chi phối kinh tế miền nam trước năm 1975. Vậy thì cải tạo họ là đúng rồi, họ chửi cũng không đáng trách, đáng trách nhất là những người chẳng có chút bị ảnh hưởng, thậm chí còn được lợi, tức họ thuộc chín mươi phần trăm còn lại, song vẫn chửi.
 
Mừng giang sơn thu về một mối chưa được bao lâu thì kinh tế đất nước rơi vào tình cảnh kiệt quệ, phần lớn là do đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, ngoại viện không có hoặc bị “đứt sữa” như ở Sài gòn; sản xuất chưa phát triển lại phải đối phó với chiến tranh biên giới tây nam bởi đám Khmer đỏ do Trung quốc dựng lên, nuôi dưỡng và một số nước phương tây và chư hầu ở vùng đông nam Á cổ vũ, ủng hộ vật chất. Thời gian đó tôi làm việc trong ngành điện đã phải lo các biện pháp bảo vệ nguồn điện và cung cấp điện cho các tỉnh biên giới. Ấy thế mà, lần này không chỉ những kẻ thất trận chửi chúng ta, mà có cả một tổ chức quốc tế, rồi Trung quốc, rồi Mỹ… lớn tiếng chửi chúng ta là kẻ xâm lược rồi bao vây, cấm vận kinh tế chúng ta. Mãi cho đến khi không chửi được nữa, không bưng bít được nữa, họ mới công nhận Khmer đỏ là bè lũ diệt chủng.
 
Người dân Campuchia coi quân đội Việt Nam là “đội quân nhà Phật”. Ngẫm ra cũng đúng, muốn trở thành Phật thì phải trải qua nhiều kiếp nạn. Trước khi bỏ cấm vận nước ta, chính quyền Mỹ thời đó đã ra sức cổ vũ cho Trung quốc mở thêm mặt trận biên giới phía bắc. Lại thêm một kiếp nạn nữa. Hai mươi năm (1975-1995) đói kém, khổi ải, nhiều người quên mất vì đâu mà dân tộc ta phải trải qua những kiếp nạn đó, tất cả đổ hết lên đầu chính quyền mới. Lại chửi, lại oán trách để rồi rời bỏ đất nước mà chạy tán loạn. Kiếp nạn này không chỉ giành riêng cho đất nước mà cho cả những người ra đi, trong đó có cả những người đã bỏ xác ngoài biển khơi.
 
Kẻ thua trận, ngay lúc đó không dám quay lại chửi, cũng chẳng dám đánh đến người lính cuối cùng, vậy là bỏ chạy. Chạy ra nước ngoài rồi mới ngoái cổ lại chửi, rằng Việt cộng đã bán nước cho Tàu cộng. Rõ dơ! Thằng bán nước lại chửi thằng giữ nước. Ai làm tay sai cho ai thì hỏi ông Thiệu, ông Kỳ ấy, đừng giả ngu!
 
Trải qua các kiếp nạn rồi đến lúc vận hội mới cũng đến với đất nước. Ngày nay, đất nước đã bước vào giai đoạn phát triển, “tuy chưa cao nhưng cũng có nhiều người phải ngước nhìn!”. Chỉ có những kẻ đui mù mới không nhìn thấy sự phát triển đó, đúng như lời mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
 
“Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng gấp mười ngày nay”
 
Hiện tại không phải là gấp mười mà đã gấp trăm lần rồi, thưa Chủ tịch.
 
Một khi đất nước phát triển, hòa nhập với thế giới thì quản lý xã hội phải có luật pháp. Cai trị bằng luật pháp nên mới gọi là nhà nước pháp quyền. Nước nào cũng phải vậy thôi. Những kẻ vi phạm luật pháp, phá hoại cuộc sống bình yên của đa số nhân dân, chúng bị luật pháp xử trí, chúng lại đòi đứng trên và đứng ngoài luật pháp.
 
Chúng chửi chính quyền “hèn với giặc, ác với dân!”. Chính bọn phá hoại là giặc, chỉ có những người tử tế, tôn trọng luật pháp mới được gọi bằng cái tên cao quý – “nhân dân”. Khi chính quyền xử lý đám giặc này thì chúng lại chửi. Cho chúng mày chửi, chúng mày mượn cả mấy tổ chức ất ơ gì đó để chửi. “Quốc có quốc pháp” nhé!
 
Ngày 29/8/2018
Ph. T. Kh.
Hình trong bài: (1) Nông dân miền bắc trước năm 1945; (2) Sài gòn ngày nay.
 Diệt đói

Add a Comment

Your email address will not be published.