MỘT MÓN NỢ

Gold
CÂU CHUYỆN HÔM NAY
MỘT MÓN NỢ
 
Số vàng (hình như là 1,5 tấn) để trong Ngân hàng quốc gia Sài gòn có giá trị mười tám, hai mươi triệu USD, sau này khi vàng lên giá người ta tính nó có giá đến bảy mươi triệu. Vậy số vàng đó trong thành phố Sài gòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã đi đâu?
 
Không đi đâu cả, nó ở đâu thì vẫn còn nguyên ở đó. Vào thời điểm Sài gòn được giải phóng, đã có tin đồn ông Tổng thống của ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu từ chức rồi cùng vợ chạy qua Đài loan, đã mang theo toàn bộ số vàng đó. Người khác lại bảo, có vậy nhưng nhờ ông Phó thủ tướng Vũ Văn Mẫu ngăn cản nên số vàng đó đã được trao lại cho chính phủ cách mạng.
Để các bạn có tài liệu tham khảo tôi xin chép lại một đoạn trong bài viết “Chúng tôi là đội quân thất trận” của ông Thomas Polga, Trùm tình báo Mỹ (CIA) tại Sài gòn, đoạn nói về ý định vận chuyển số vàng nói trên:
 
“… Trong thực tế, vàng dự trữ của Việt Nam ở lại trong xứ và vẫn ở đó khi quân đội Bắc Việt đến nơi.
 
“… Và như thường lệ, khi cần có ý tưởng nóng bỏng, Đại sứ Martin đã đi đến một ý nghĩ. Ông nghĩ rằng Nam Việt Nam nên gửi vàng của mình đến Quỹ Dự trữ Liên bang của Hoa Kỳ và cầm thế số vàng này làm khoản để mua vũ khí và tín dụng… Ông Thiệu chấp nhận ý tưởng này. Vào thời điểm đó ‘ngẫu nhiên’ hãng hàng không Basel Air (thuộc Swiss Air) có một chiếc máy bay tại Sài gòn.
 
“… Một đại diện của Nam Việt Nam đã gặp Basel Air và nói: ‘Chúng tôi có khối vàng này và có ý định chở nó sang Qũy Dự trữ Liên bang. Quý vị có nhận nó như một món hàng thương mại ký gửi thông thường hay không?’. Sau một hai ngày phía Thụy sĩ trả lời ‘không’, lý do là vì vấn đề bảo hiểm.
 
“… Kế đó, Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ đã thảo luận với không quân Hoa Kỳ, không quân có thể dễ dàng mang một tấn rưỡi vàng đó đi bằng một máy bay quân sự. Nhưng các luật sư của Bộ Ngoại giao, họ suy nghĩ nhiều ngày, lại vẫn là vấn đề làm thế nào để được bảo hiểm.
 
“… Sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, ông Nguyễn Văn Hương lên thay. Hôm trước, ông bảo: ‘ừ, hãy chở nó đi’, nhưng đến hôm sau ông lại nói: ‘thôi, đừng chở nó đi’. Đó là sự đồng ý của ông với lời đề nghị của Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Hảo…
 
“… Ông đi đến kết luận rằng tốt nhất hãy giữ khối vàng ở đó bởi tình hình giờ đã thay đổi, bởi Đại sứ Martin trước tiên đã nói như thế và ngay dù chúng ta có nhận thêm được viện trợ quân sự của Mỹ với sự trợ giúp của khối vàng này, khoản viện trợ đó không thể đến đây kịp thời để làm tốt được bất kỳ điều gì, và chúng ta trông có vẻ tốt hơn nếu chúng ta giữ khối vàng lại trong nước.
 
“Do đó khối vàng này đã ở lại trong xứ sở…” (Hết trích)
 
Tôi viết lại những thông tin trên chỉ nhằm một mục đích là nói với các bạn: (1) Sự hoảng loạn của đám công chức và lính tráng của cái gọi là Việt Nam cộng hòa (VNCH) vào thời điểm cuối tháng Tư năm 1975 như thế nào; và (2) Vào thời điểm đó trong ngân khố của VNCH chỉ còn một tấn rưỡi vàng. Số vàng đó là lớn, nếu là của một gia đình nào đó, song đối với một quốc gia thì nó cũng chỉ tương đương cái mắt muỗi.
 
Sau khi kết thúc chiến tranh, vào ngày 7/4/1997 chính phủ ta đã phải trả cho Mỹ 145 triệu USD, là khoản nợ vay của VNCH (85 triệu nợ gốc + lãi và chi phí khác) để xác lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Cuối cùng (3), cái gì mà Mỹ và VNCH để lại sau ngày 30/4/75 chẳng có nhiều tài sản giúp cho phát triển kinh tế sau đó, ngoài một số phương tiện chiến tranh và các hậu quả nặng nề mà tôi đã có dịp đề cập.
 
Một lần nữa, chúng ta lại phải tính sổ về một món nợ về sự thừa kế di sản của VNCH. Vào một dịp khác chúng ta sẽ bàn về viện trợ Mỹ./.
 
Ngày 30/12/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.