BỆNH SUY DIỄN

Bầu cử
CÂU CHUYỆN HÔM NAY
BỆNH SUY DIỄN
 
Bà hàng xóm của tôi kêu mệt. Bà nhờ người gọi bác sĩ gia đình. Bác sĩ đến chẩn đoán, phù phổi cấp. Đến đây, nếu vị bác sĩ cứ kê cho thuốc, lấy tiền dịch vụ rồi về thì hết chuyện. Đằng này bác sĩ bảo ông chồng người bệnh đi theo ra tiệm thuốc để mua thuốc. Thế là câu chuyện suy diễn bắt đầu.
 
Bà A bảo, chắc ông ta lại dẫn ra tiệm thuốc của ông ta chứ gì? Bà B bảo, chắc không phải, cơ sở của ông ta ở quận khác cơ mà. Chắc bệnh bả nặng lắm nên muốn nói riêng với ông chồng. Bà C bảo, bác sĩ thì thiếu gì cách ăn tiền. Sau khi ông chồng mang thuốc về rồi thì ông bác sĩ quay lại quầy thuốc lấy tiền “cò”. Bà A cãi lại, chắc ông ấy ký sẵn một xếp đơn thuốc, ai đến tiệm đó mua thuốc cần có đơn bác sĩ thì cứ thế mà điền tên thuốc rồi bán. Sau này mỗi đơn thuốc phải chi phần trăm. Bà C lại nói, lương tâm của bác sĩ ném cho chó nó ăn rồi. Cứ gì bác sĩ, lính cứu hỏa, cảnh sát giao thông chẳng hạn, đụng vào việc gì chẳng phải tiền.
 
Anh con trai của bà B tức quá bảo: Các bà suy diễn một lúc nữa thì ông bác sĩ này thế nào cũng phạm tội phá hoại hòa bình thế giới. Để tôi ra tiệm thuốc điều tra thực hư thế nào. Một lúc sau anh con bà B trở về, cho biết, tại nhà bệnh nhân không có giấy bút nên ông bác sĩ phải dẫn người nhà ra tiệm thuốc để ổng chỉ định tên thuốc, tránh nhầm lẫn.
 
Câu chuyện chỉ có vậy thôi.
 
Lâu nay trên mạng xã hội chỉ cần có một chuyện trong lãnh vực nào đó, thì đua nhau suy diễn, đến khi có kết luận điều tra mới té ngửa ra là không phải vậy.
 
Bữa trước có bạn suy diễn rằng không nhất thiết những nhà độc tài là cộng sản, song đã là cộng sản đều độc tài. Tôi hỏi lại, thế nào là độc tài, bạn ấy im luôn.
 
Thực sự, độc tài hay dân chủ chẳng có ranh giới rạch ròi, rõ ràng nào. Bạn ưa thích nền chính trị của Mỹ thì bạn bảo đó là một nước dân chủ, không có độc tài. Có một định nghĩa rằng, “chế độ độc tài thì tập trung quyền hành vào một người hoặc một nhóm người; rồi chế độ độc tài đề cập đến chộ độ cai trị độc đoán do kẻ cầm quyền không bị pháp luật hay hiến pháp hay các nhân tố chính trị và xã hội trong quốc gia đó ràng buộc”. Và “một khi quyền lực nhà nước không từ nhân dân mà ra thì quyền lực đó không bị giới hạn và có khuynh hướng bành trướng phạm vi của nó để kiểm soát mọi mặt đời sống nhân dân”.
 
Nói một vài điểm chung như trên để các bạn suy xét. Một khi tiến hành suy xét, chúng ta cần căn cứ vào dân trí và tình trạng xã hội của mỗi nước ở thời điểm đó. Bạn nhớ cho một điều, cũng là chế độ tổng thống, nhưng ở nước Mỹ khác với nước khác như Đức, Pháp chẳng hạn. Cũng được gọi là một nước dân chủ, cũng là dân đi bầu, nhưng lá phiếu của dân không quyết định, vì thế bà Hillary Clinton mặc dù nhiều hơn ông Trump những ba triệu phiếu mà vẫn thất cử.
 
Nói một cách công bằng, một số kẻ chống đối nói rằng các cuộc bầu cử của ta sau này, là “đảng cử, dân bầu” cũng không phải là sai hết đâu. Song phải xét hoàn cảnh xã hội, năm 1946 – cuộc bầu cử đầu tiên theo hình thức phổ thông đầu phiếu. với hiện nay khác nhau xa lắm. Ngày ấy, toàn dân nô nức đi bầu chọn người đại diện mà người đó phải thật sự yêu nước, thật sự vì nền độc lập của nước nhà. Ngày nay, hoàn cảnh xã hội đã khác, nhiều kẻ đứng ngoài “thọc gậy bánh xe”, nhiều kẻ đang nhăm nhe gây bạo loạn, nhiều kẻ chưa chịu ngồi yên sau thất bại, nhiều kẻ không cam tâm nhìn thấy đất nước phát triển trong hòa bình. Vậy thì cần có người nói cho bạn biết ai là người tốt, ai là kẻ xấu chứ?
 
Chính quyền Việt Nam hiện nay đã xác định là “của dân, do dân và vì dân”. Khẩu hiệu là như vậy và nó sẽ luôn luôn phải như vậy, song hiện nay chính quyền của ta chưa làm được đầy đủ như vậy. Giữa lý thuyết và thực tế, giữa mong muốn và hành động bao giờ cũng còn một khoảng cách. Thu hẹp dần khoảng cách không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà cần có sự đóng góp lớn của nhân dân nữa.
 
Suy diễn là một căn bệnh nguy hiểm có khi đem lại hậu quả khôn lường. Người TỬ TẾ thì không nên suy luận./.
 
Ngày 1/9/2019
Ph. T. Kh.
Hình trong bài: Bầu cử quốc hội lần 1

Add a Comment

Your email address will not be published.