NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (XI)

Cá
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (XI)
 
Người già như tôi, trải qua vài giai đoạn lịch sử dân tộc. Khi tôi chào đời, bên trên thì có toàn quyền người Pháp, bên dưới thì có vua An-nam được các quan từ mẫu quốc sang bảo hộ. Là con một gia đình nông dân “có chữ”, năm 11 tuổi cũng được cầm trong tay cái ‘Certificat d’etudes primaires’ (chứng chỉ tiểu học), rồi về sau được “bổ” làm anh giáo làng, tháng tháng lãnh 100 đồng tiền Đông dương. Oách phết!
 
Từ nhà tôi lên phố thị chỉ có 17 km, ấy thế mà anh giáo làng chưa một lần đặt chân đến và trong suốt 17 năm chưa biết mùi phở như thế nào. Một hôm có một ông, chẳng hiểu có việc gì phải lên thị xã, về ông khoe: “tây nó sinh ra phở tài thật. Này nhé, bánh đa ăn no, nước thì húp, thịt để nhắm rượu!”. Từ đó trong làng tôi cứ nói đến chuyện gì hơi khác, mọi người lại mở đầu bằng câu: “tây nó tài thật”.
 
Năm 1954, Pháp rút khỏi miền bắc, rồi đất nước được thống nhất. Tôi – một anh nhà quê có dịp đi đây đi đó. Hết miền xuôi đến miền ngược, hết Hà Nội đến Sài gòn. Nhất là khi vào đến Sài gòn – “hòn ngọc viễn đông”, cuộc sống của người dân có vẻ sung túc, nhưng phần kiến trúc, tức là phần làm nên “hòn ngọc” thì làm tôi hơi thất vọng. Đây, nhà hát thành phố không thể bằng nhà hát ở Hà Nội; Dinh “Gia long” không thể so với dinh “Toàn quyền” ở Hà Nội; nhà thờ Đức bà cũng không thể so với nhà thờ lớn, Hà Nội. Đại khái vậy. Riêng tòa đô chánh Sài gòn thì to và đẹp hơn tòa đô chánh Hà Nội, đặc biệt phần khí hậu thì hơn hẳn Hà Nội.
 
Có lẽ cái danh xưng “Hòn ngọc viễn đông” chỉ là ngộ nhận như một học giả ở Sài gòn đã viết./.
 
Ngày 13/9/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.