NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (XV)

Robertino
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (XV)
 
Những năm 60 của thế kỷ trước ở miền Bắc có một cơn sốt nghe giọng ca của cậu bé người Ý, Robertino Loreti mới 12-13 tuổi, với bài hát “Trở về Suriento” (Torna a Suriento) và nhiều bài hát nữa.
 
Một số ca sĩ và phòng thu âm đã triệt để tận dụng giọng ca của cậu bé để thu về càng nhiều tiền càng tốt, càng nhanh càng tốt. Tất nhiên nhờ vậy mà gia đình cậu từ nghèo túng đã trở nên khá giả.
 
Cái giá của việc lao động quá sức là cậu bị mất giọng.
 
Đến khi nghiệp ca hát của Robertino chấm dứt, cậu sang Liên Xô chữa trị nhưng cũng không thành công. Bây giờ cậu đã là một ông già, sống tại Nga. Thế giới không mấy người còn nhớ đến cậu nhưng người Nga vẫn nhớ.
 
Trường hợp thứ hai, cũng là thần đồng âm nhạc, người Nga – Serezha Paramonov, cậu trở thành siêu sao ca nhạc ở Nga vào những năm 1970. Sống trong vinh quang đến năm 15 tuổi, thì cũng lại mất giọng như Robertino. Có lần cậu đã lặng lẽ ngồi khóc khi nghe thấy các bạn nhỏ hát những bài hát mà mình thường hát.
 
Từ số phận của hai thần đồng ca nhạc nói trên, tôi nghĩ đến những cháu có năng khiếu ca nhạc ở nước ta, đã và đang bị những kẻ muốn khai thác triệt để những giọng ca đó, để có thể thu được thật nhiều tiền trong một thời gian ngắn. Tuổi thơ của các cháu đó cứ rơi vãi trên các sân khấu dưới ánh đèn màu. Đến lúc giật mình nhận ra thì đã quá muộn.
 
Lần đầu tôi nghe cô bé P.M.C. hát dân ca nam bộ, với giọng ca mượt mà của những dòng sông Cửu Long, những cánh đồng mùa nước nổi, nghe giọng ca của cháu bé mà thêm yêu quê hương. Vài năm sau, gặp lại cháu trên truyền hình, người ta đã biến một thiếu nữ nam bộ dịu dàng thành một cô gái điệu đàng với những quần áo hợp thời trang trong giới showbiz. Năm 2017 cô gái này mới 14 tuổi, khi lên sân khấu mặc cái áo crop top (hở rốn) và cái quần short đã bị nhiều người chê.
 
Các bậc làm cha làm mẹ hãy để cho các cháu được sống theo bản năng của một đứa trẻ. Hãy định hướng con đường đi lên thích hợp với chúng, chứ không bắt chúng phải trả giá cho những ước vọng của người lớn.
 
Nước ta có Đặng Thái Sơn, thần đồng âm nhạc, từng phải tập đàn dưới hầm tránh bom Mỹ, ngày ấy Sơn nghĩ, đó là con đường khổ luyện để thành tài chứ không phải để kiếm tiền. Đó mới đúng là cách đầu tư cho tương lai và ươm những mầm tốt để cho cây có thể trường tồn./.
 
Hình trong bài: (1) Robertino; (2) Đặng Thái Sơn
Ngày 17/9/2019
Ph. T. Kh.
Đặng Thái Sơn

Add a Comment

Your email address will not be published.