NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (XXIII)

điện Lào cai
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (XXIII)
 
Sau khi đăng bài hôm qua có bạn bảo tôi chỉ tưởng tượng chứ chắc gì đã có thực. Tôi không ngờ một giai đoạn lịch sử của dân tộc gần thế hệ chúng ta nhất mà vẫn có người không biết, hay có biết mà không nhớ?
 
Hôm nay có bạn bảo tôi kể chuyện ngành điện miền bắc trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay của Mỹ từ 1965 đến 1972, và làm thế nào mà “dòng điện không bao giờ tắt” được?
Trước hết phải nói, Tổng thống Nixxon cũng đã tính đến chuyện phá đê sông Hồng đúng vào mùa nước lũ, và nhà máy thủy điện, nhưng họ đã không làm, vì như vậy sẽ gây ra thảm họa nhân đạo, thế giới sẽ lên án, Mỹ sẽ không chống đỡ nổi, vì đó chỉ là những công trình dân sự.
 
Vì thế, muốn “đưa miền bắc trở về thời kỳ đồ đá” thì phải phá các cơ sở điện lực, mà các nhà máy điện miền bắc toàn là nhiệt điện than. Đầu tiên phải nói đến cái ống khói nhà máy, đó là vật kiến trúc cao nhất, và cũng rất quan trọng, vì ống khói cao hay thấp phụ thuộc vào công suất của lò hơi. Nó là cái mục tiêu mà máy bay Mỹ dễ thấy nhất. Tiếp đến là toàn bộ nhà náy, nằm gọn trong một diện tích khoảng 15-20 Ha thì cần gì nhiều bom mới phá được?
 
Sau mỗi trận bom, máy bay trinh sát OV10 (đại thể vậy) đến chụp ảnh thấy nhà máy bị đánh sập rồi thì không quay lại đánh tiếp trận sau nữa. Sau một thời gian nào đó, những chiếc OV10 quay lại, nếu thấy nhà máy lại nhả khói thì chúng đánh tiếp.
Đây là lúc chúng tôi phải ngụy trang. Thay vì đưa khói đốt lò lên ống khói, chúng tôi làm một đường ống dẫn khói song song với mặt đất, cho khói phun ra bờ sông. Điều này sẽ làm giảm hiệu suất lò hơi, nhưng lúc đó chỉ cần có điện chứ có ai nghĩ đến hiệu suất cao thấp đâu.
 
Mái nhà máy bị đánh sập. Cứ để nguyên như thế để đánh lừa anh OV10, chúng tôi chỉ che chắn cục bộ, chỗ nào cần che nắng che mưa thì che. Các tổ máy turbine và phát điện che chắn bằng các vì kèo sắt chụp lên từng tổ máy, bên trên đặt ít bao cát để chống mảnh bom.
 
Cái ống tuột trong nhà máy mới là một sản phẩm độc đáo. Lúc bình yên, có một số anh chị em làm việc trên khu vực bao hơi, cách mặt đất khoảng ba chục mét. Từ đó mà chạy xuống hầm theo cầu thang cũng phải mất dăm, mười phút, làm sao chạy lại với máy bay phản lực? Chỉ còn cách ôm cái ống trượt mà tụt xuống đất cho nhanh. Ống làm bằng sắt, bôi dầu mỡ cho trơn, dưới chân ống có một đống cát dày, để tránh chấn thương cho anh em.
 
Tụt xuống đến đất rồi thì chui vào hầm đặt giây cáp điện. Coi như an toàn. Ấy vậy mà có một lần, Mỹ dùng bom xuyên, nó chui xuống hầm cáp rồi mới nổ. Đó là trường hợp ở nhà máy điện Việt Trì. Sau trận bom tôi đã đến đó, chỉ còn biết có bao nhiêu anh em mình dưới hầm cáp thì chuẩn bị bằng ấy cỗ quan tài, và phần thịt xương của anh em thì chia đều vào các cỗ quan tài đó. Vì không thể nhận diện được bất cứ người nào!
 
Đau lòng lắm! Công nhân viên ngành điện của chúng ta thời đó hy sinh nhiều lắm. Đau thương đó nhưng không một ai trong chúng tôi bỏ nhiệm vụ, không một ai xin nghỉ việc. Sau này có người được phong là anh hùng còn hầu hết được công nhận là liệt sĩ cho những người đã chết.
 
Thời của chúng tôi như vậy đó. Chúng tôi đã thực hiện được lời hứa với đất nước: “Dòng điện không bao giờ tắt!”.
 
Hình trong bài: Nhà máy điện Lào Cai – đêm khánh thành. Nhà máy này đã bị quân TQ đặt mình đánh sập vào năm 1979, mặc dù trước đó điện từ đây đã cung cấp cho thị trấn Hồ Kiều (TQ); 
 
Ngày 27/9/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.