NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (39)

Hoa súng
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (39)
 
Tôi viết ra đây một đoạn trích từ buổi trao đổi giữa nhà khoa học – tiến sĩ về tế bào học, đồng thời là một nhà sư, ông Mathieu Ricard với nhà vật lý thiên văn, Trịnh Xuân Thuận. Mathieu Ricard viết:
 
“Sự chuyển hóa tâm linh đích thực chính là sự chuyển hóa của dòng ý thức. Cũng tựa như người ta có thể làm ô nhiễm nước một dòng sông bằng cách đổ vào đó các chất thải hoặc làm sạch nó bằng cách lọc nước. Chúng ta, trong suốt cuộc đời mình, cũng có thể làm liên tục ý thức của chúng ta trở nên trong sáng hơn hoặc đen tối hơn”.
 
Con người ta đôi khi cứ muốn áp đặt những suy nghĩ của mình, nhận thức của mình lên người khác. Theo khoa học, thì đó là tri thức liên chủ quan, tức là “Nếu anh đứng vào chỗ của tôi thì anh sẽ thấy cái mà tôi thấy” (Trịnh Xuân Thuận). Theo người ta thường nói, anh muốn phán xét ai, hãy đặt anh vào địa vị của người đó. Những con người chẳng hề chứng kiến những gì diển ra trong cuộc sống hàng ngày ở một nơi xa lắc xa lơ mà cứ lên giọng phê, cứ lên mặt phán cái xã hội của người ta, thì thật là nực cười.
 
Vâng, khi vợ chồng bạn có chuyện xích mích với nhau, tôi là người ngoài chưa thể biết nội tình thế nào, ai đúng ai sai, lúc nào thì chồng đúng, lúc nào thì vợ sai. Song vì tôi có cảm tình với một bên nên tôi có nhời chê bai bên kia rằng, “đáng đời!”. Vậy là cái tâm của tôi không sáng nên tôi đã đổ thêm dầu vào lửa, hay như câu nói trên của Mathieu rằng, tôi đã “đổ chất thải xuống một dòng sông”.
 
Có bạn nào như tôi không, đang sống quanh quẩn trong một cái phường thuộc một quận, khi thì nghe chuyện ở tỉnh này, tỉnh khác, nước này nước khác; rồi thậm chí nghe người ta bàn cả chuyện trên triều đình, làm như họ là người trong cuộc không bằng. Những thán từ thường là câu cửa miệng của nhiều người, kiểu như “đáng thương quá!”, “thật đáng đời!”, “bất hạnh thay”.
Là một người chỉ quanh quẩn ở xó nhà nên tôi không dám “đổ chất thải xuống dòng sông” nên chỉ dám thốt lên câu “vậy à?”.
Chuyện xảy ra ở địa phương nào đó thì người đứng đầu địa phương đó phải lo, ở nước nào thì triều đình nước đó phải lo. Nghĩ như vậy nên tôi chẳng dám dạy khôn ai.
 
Mình đã bằng ai đâu mà dạy khôn người khác. Chẳng ai cấm mơ với mộng, song trước hết cứ phải tu tâm dưỡng tính, làm cho tròn bổn phận một người dân. Nước mà giàu lên thì mình cũng được hưởng. Triều đình mà “khôn”, mà “ngoan” thì mình cũng được nhờ./.
 
Ngày 16/10/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.