NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (72)

Dân chủ
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (72)
 
Lại nói chuyện về tự do và dân chủ. Tôi muốn các bạn quan sát và đánh giá một số nước trên thế giới. Nhiều người bảo những nước do đảng Cộng sản lãnh đạo là độc tài, là không có tự do dân chủ. Có hay không những thứ đó thì chỉ những người dân lương thiện, người tử tế sống ở đó mới đánh giá đúng. Do vậy tôi không nói về nước mình.
 
Còn lại một số nước được gọi là tự do (ngôn luận, tín ngưỡng…) và dân chủ (trong bầu cử và thực thi các quyền dân chủ khác), không “bị” cộng sản cai trị, đến một ngày, có điều gì đó không làm vừa lòng nước lớn, vậy là cái nước lớn đó đem “dân chủ” và “tự do” đến để dẹp bỏ thứ tự do và dân chủ sẵn có ở nước đó, thay thế bằng thứ tự do dân chủ khác. Kết cục cái thứ “tự do và dân chủ” ngoại nhập đó đã gây ra chết chóc, đất nước bị tàn phá, tài nguyên bị cướp bóc. Có khối tấm gương này trên thế giới mà bất cứ ai có quan tâm đến thời sự thế giới đều thấy.
 
Cũng là một thứ dân chủ mà người ta đang cổ súy, nhiều người Việt Nam cũng muốn được áp dụng. Đó là thực hiện chế độ đa đảng, tam quyền phân lập. Nghe thì hay lắm, phải đa đảng thì mới có cạnh tranh, mới tìm ra được đảng cầm quyền chính đáng.
 
Xin thưa, cứ coi các nước đa đảng thì biết bản chất của nó.
Đằng sau mỗi đảng là một thế lực. Các thế lực đó dùng đồng tiền và thậm chí cả các biện pháp mà đám mafia thường áp dụng để chi phối chính trường. Đám công nghiệp vũ khí thì phải tìm cách bán được nhiều súng đạn, muốn thế phải tạo ra sự bất ổn nơi này nơi khác trên thế giới. Tài phiệt tài chính thì biến đại bộ phận người dân trở thành con nợ. Quan hệ giữa chủ nợ và con nợ như thế nào, nhất là khi con nợ rơi vào tình trạng thất nghiệp, thì các bạn biết cả rồi đó.
 
Một khi đã đa đảng thì không có đảng nào tồn tại nếu không có một hoặc nhiều thế lực đứng chống lưng cho nó. Và khi có thế lực chống lưng thì đảng đó phục vụ quyền lợi của ai trước hết chắc các bạn cũng có thể đoán ra. Ở nước Việt ta cũng manh nha có những thế lực như thế mà ta thường gọi là “lợi ích nhóm”. Tuy các thế lực này không đủ lực để tác động vào đường lối lãnh đạo của đảng Cộng sản, song đôi khi nó cũng tác động được vào cơ quan làm chính sách. Hãy cảnh giác!
 
Cuộc luận tội Tổng thống Donald Trump mà đảng Dân chủ khởi xướng hiện nay, chẳng nhằm mục đích làm lợi cho nước Mỹ mà cái chính là làm mất uy tín của đảng Cộng hòa làm cho đảng này mất phiếu vào kỳ bầu cử năm 2020 sắp tới. Không hơn!
 
Thành phần xuất thân của các nghị sĩ của lưỡng Viện là thế nào? Bốn trăm nghị sĩ của Hạ viện và 100 nghị sĩ của Thượng viện Mỹ là những người giầu có. Muốn được bầu vào quốc hội thì phải có tiền. Bản thân phải có tiền, vận động những mạnh thường quân góp tiền… không có được vài trăm triệu USD thì đừng nghĩ đến việc ứng cử chức tổng thống. Sau khi đắc cử thì căn cứ vào số tiền đóng góp đó mà trả ơn.
 
Tôi xin nêu một trường hợp:
 
Ông Sondland, một chủ khách sạn giàu có đã quyên tặng rất nhiều tiền cho chiến dịch vận động tranh cử của tổng thống năm 2016 của ông Trump và khi ông Trump đắc cử ông này đã được bổ nhiệm làm đại sứ tại châu Âu vào tháng Bảy, 2019 (ở đây tôi không bàn về năng lực làm ngoại giao của một ông chủ khách sạn). Mới hôm qua ông ta ra điều trần trước Hạ viện với thái độ chống lại ông chủ của mình! Chẳng hiểu sao?
 
Luật của Mỹ cho phép thế nên không có gì gọi là vi hiến. Ở ta thì gọi đó là mua quan bán chức. Cho nên cái dân chủ của nước này chắc gì đã là cứu cánh của nước khác?
 
Là một thể chế, đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo, song quốc hội lại bao gồm rất nhiều thành phần khác nhau trong xã hội – công nhân, nông dân, trí thức, tư sản, đại diện các tôn giáo, đại diện các dân tộc, các vùng miền. Và chính các đại biểu quốc hội này, là người đại diện của dân, mới bầu ra người đứng đầu nước, đứng đầu chính phủ. Đó cũng là thực thi dân chủ, nhưng là nền dân chủ đại nghị của Việt Nam.
 
Phương thức bầu cử của Mỹ không giống của Việt Nam cũng như của bất kỳ nước nào. Thôi thì Hiến pháp của họ quy định thế thì nó phải thế. Chưa biết ai đã hơn ai?
 
Ở Mỹ các cử tri cũng đi bỏ phiếu đó là phiếu phổ thông. Song phiếu của cử tri không có giá trị bằng phiếu của Đại cử tri đoàn. Trong cùng một ngày, 51 đại cử tri đoàn (50 bang + Đặc khu Columbia) bỏ phía bầu tổng thống. Khi đó, dù ai có được nhiều phiếu của cử tri mà thua phiếu đại cử tri đoàn thì vẫn thất cử.
Trường hợp này đã xảy ra. Năm 2000 ứng cử viên đảng Dân chủ, ông Al Gore hơn phiếu phổ thông, song lại thua phiếu cử tri đoàn nên thất cử. Mười sáu năm sau đó (2016) bà Hilary Clinton hơn ông Trump hai triệu phiếu phổ thông nhưng lại thua phiếu đại cử tri, vậy là bà Clinton thất cử.
 
Một đất nước mà được pháp luật công nhận tính hợp pháp của tham nhũng thông qua việc trả tiền mua phiếu bầu một cách công khai; tỷ lệ số dân đi bầu cho mỗi cuộc bầu cử thường chỉ ở mức 70%; toàn bộ Thượng viện và Hạ viện không có một thường dân, người ta gọi đó là dân chủ.
 
Tôi không có ý định so sánh nền dân chủ của Mỹ hay của bất cứ nước nào, song cũng đừng ai nghĩ rằng ta phải làm giống nước này nước khác, lúc đó mới có tự do dân chủ. Tôi nghĩ những người đó “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” mà thôi./.
 
Hình trong bài: Tổng thống thuộc Cộng hòa bị phe Dân chủ đánh hội đồng.
 
Ngày 26/11/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.