NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (77)

dollar
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (77)
 
Đọc một bài của bạn tôi đăng trên trang của bạn ấy, làm cho tôi nghi nghi ngờ ngờ về vai trò của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đối với chính quyền của nước đó. Sau đó tôi đi tìm đọc những bài có liên quan song vẫn chưa sáng tỏ.
 
Dù FED là một ngân hàng của nhà nước Mỹ hay của tư nhân bao gồm các cổ phần của nhiều ngân hàng từ nhiều bang của nước Mỹ, thì nó vẫn có sức mạnh làm khuynh đảo các nền chính trị của nước Mỹ và thế giới.
 
FED là nơi đặt ra luật chơi về tiền tệ, đồng thời cũng là người quản lý đồng tiền của nước Mỹ và nói không ngoa thì của cả thế giới, bất cứ nơi nào dùng đồng Dollar Mỹ làm phương tiện thanh toán quốc tế. Dù Tổng thống Mỹ là người bổ nhiệm người vài vị trí Chủ tịch của FED, song cũng không thể bắt FED nâng hay giảm lãi suất mua vào, bán ra.
 
Cũng trong bài viết của bạn tôi, đã từng có những tổng thống Mỹ hoặc ứng viên tổng thống, chỉ vì muốn tước đi cái quyền in giấy bạc của FED, giành quyền đó cho chính quyền. Song kết cục đều phải trả bằng sinh mạng mà không được điều tra nguyên nhân! Tôi sẽ đi tìm tài liệu rồi sẽ chuẩn xác sau.
 
Thời trước đồng Dollar lấy vàng làm bản vị (Golddollar), song từ năm 1971, khi giao dịch thanh toán chủ yếu xuất hiện trong việc mua bán dầu hỏa, thì đồng Dollar đã lấy dầu hỏa làm bản vị (Petrodollar). Sự khan hiếm dầu mỏ đi cùng với sự gia tăng trong tiêu thụ dầu mỏ của các quốc gia, đó là lúc cuộc chiến tranh dầu mỏ xảy ra nhiều nơi, nhất là các nước ở Trung đông.
 
Núp sau các chiêu bài về dân chủ và nhân quyền là những nhà tư bản đi chiếm đoạt các mỏ dầu. Nhất là các nước có tài nguyên dầu mỏ dồi dào như, Iran, Iraq, Lybia và Venezuela có ý định dùng đồng tiền khác thay thế đồng Dollar để thanh toán các thương vụ về dầu mỏ, thí dụ đồng Dinar vàng. Điều đó làm cho FED tức giận và điều gì phải đến đã đến như mọi người đều biết.
 
Việc Cộng đồng châu Âu (gồm 28 nước) phát hành đồng tiền của khối là đồng Euro (€) và nước Anh vẫn giữ đồng Bảng Anh (£) làm phương tiện thanh toán, làm lung lay ngôi soái ca của nước Mỹ. Điều đó đương nhiên làm phật lòng Mỹ.
 
Khối BRICS (gồm Brazil, Russia, India, China và South Africa) hình thành đã có thỏa thuận và từng bước thực hiện việc dùng đồng tiền nội khối để thanh toán giữa các nước trong khối với nhau, giảm dần sự phụ thuộc vào đồng Dollar Mỹ, cuối cùng là muốn lật đổ sự thống trị của đồng Dollar. Điều này làm cho Mỹ rất bất bình nên áp đặt lệnh cấm vận lên Nga và tạo ra cuộc thương chiến với TQ.
 
Trung quốc qua nhiều năm vận động nơi này nơi khác để được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công nhận là đồng tiền chuyển đổi được (exchangeable currency) nhưng làm sao qua mặt Mỹ được? IMF chỉ có thể bỏ đồng Nhân dân tệ vào “rổ” tiền có thể dùng để thanh toán thôi. Đấu với Mỹ là khó lắm, nhất mấy tổ chức như IMF, WB đều bị Mỹ khống chế cả.
 
Nước Việt ta chưa đủ lớn, đủ mạnh để có được đồng tiền có thể chuyển đổi được nên dự trữ quốc gia vẫn được tính bằng đồng USD. Mấy năm trước đây, nhà nước ta đã có luật cấm dollar hóa trong các giao dịch trong nước, mọi hợp đồng kinh tế không có yếu tố nước ngoài đều phải thanh toán bằng tiền VN Đồng, qua ngân hàng. Âu cũng là cách để giảm sự lệ thuộc quá nhiều vào đồng Dollar./.
 
Hình trong bài: Trên thế giới có 10 đồng tiền có giá trị nhất
 
Ngày 3/12/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.