NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (82)

Nhân quyền Mỹ
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (82)
 
Bài trước tôi có nói đến một ý, rằng quan hệ giữa các nước với nhau cũng có dáng dấp của loại hình kinh doanh đa cấp và tín dụng “đen”. Chẳng phải nhiều người dân trong nước ta đã từng mất tiền vì những “nhà doanh nghiệp đen” (tôi tạm gọi thế) đứng ra tổ chức kinh doanh đa cấp, tổ chức thành tầng thành lớp. Lớp trên dụ được nhiều người tham gia vào thì mức thu nhập càng cao, tầng lớp dưới một khi đã ôm hàng thì mới giật mình, hóa ra mình bị “hớ”! Tất cả tiền chỉ đổ vào túi “nhà doanh nghiệp đen” mà thôi.
 
Nhưng muốn tổ chức kinh doanh đa cấp cũng chẳng phải dễ đâu các bạn ạ. Nếu dễ thì ai chẳng làm được? Phải sắm cho được một bộ cánh (trụ sở, quần áo, hội thảo này nọ) cho oách để lòe thiên hạ, sau đó cho đám “cò mồi” lên huênh hoang để đánh vào lòng tham của mọi người. Mỗi lần hội thảo lại có khối người sa bẫy.
 
Cái thứ kinh doanh đa cấp quốc tế hiện nay cũng có thiên hình vạn trạng, nhưng phổ biến nhất là đem đi bán mặt hàng “dân chủ” và “nhân quyền”. Hai mặt hàng này hấp dẫn nhiều người lắm, nhất là những người cứ hiểu rằng, dân chủ là ông làm chủ, đã là ông chủ thì muốn làm gì thì làm, muốn chơi gì thì chơi, muốn ăn gì thì ăn, thậm chí muốn đánh ai thì đánh. Còn món hàng “nhân quyền” ư? Mặt hàng này cũng hấp dẫn lắm, nhân quyền là không cần luật pháp; quyền muốn làm gì thì làm chẳng cần biết luật pháp có cho phép hay không; muốn chửi ai thì chửi (tự do ngôn luận mà!). Đó là khi họ giới thiệu sản phẩm với chúng ta.
 
Cũng phải có hội thảo, cũng phải có “cò mồi”. Một đám những kẻ không có lương tâm, sẵn sàng làm “cò mồi” như những thứ gọi là “xã hội dân sự”, một số tổ chức phi chính phủ (NGO), thậm chí cả một vài tổ chức quốc tế, cũng thông qua những lần “hội thảo” mà ca lên ầm ĩ rằng, nước A, nước B giàu có như vậy là vì họ được ăn món “dân chủ”, “nhân quyền” hàng ngày mà chính quyền nước họ ban cho. Đám “cò mồi” với bộ com-plê, cà-vạt, cổ cồn khoe với thiên hạ rằng nhờ hàng ngày được ăn món “dân chủ” và “nhân quyền” nên tôi trở nên giàu có.
 
Đám “cò mồi” cao cấp có thể kể đến Guaido ở Venezuela hiện nay, và một vài nước đang yên đang lành, họ nghe đám “cò mồi” cho người dân ăn ngay món “dân chủ”, “nhân quyền” vậy là máu đổ, nhà tan!
 
Ai là người xác định, đâu là tiêu chuẩn của “nhân quyền”? Tại sao, qua sáu, bảy tháng tham gia biểu tình, người dân Hong Kong bị chết 3 người (trong đó có người chết do tai nạn) thì cả cái lưỡng Viện của Hoa Kỳ đưa ra cái đạo luật đòi phải có nhân quyền cho Hong Kong. Trong khi đó, cái chính quyền mới ở Iraq do Mỹ dựng lên, chỉ mới qua một đợt biểu tình cuối tháng trước, mà cảnh sát đã bắn chết 150 người thì tất cả các nước phương tây, và các công cụ tuyên truyền của nó không thấy đề cập đến.
Chẳng qua, món “nhân quyền” ở Iraq hợp khẩu vị với các ngài, nên các ngài âm thầm nuốt trọn, còn thì…
 
Còn khoản tín dụng đen nữa. Tiền thì ai cũng cần, nhất là những quốc gia nghèo, nền kinh tế có xuất phát điểm thấp thì cần rất nhiều tiền để thoát nghèo.
 
Tôi còn nhớ, sau ngày thống nhất đất nước, thiết bị của các cơ sở điện lực của miền nam nước ta đều có xuất xứ từ Mỹ, Nhật và Pháp. Trong khi đó chúng ta lại bị bao vây cấm vận, không những thiếu ngoại tệ mạnh, mà có cũng không thể mua được phụ tùng. Nhờ Vương quốc Thụy Điển giúp chúng ta mới duy trì được việc cung cấp điện. Riêng Nhật thì lách cấm vận bằng cách lập ra một vài công ty nhỏ xíu đem phụ tùng của các hãng lớn sang bán cho ta. Có thể nói đó là những sự giúp đỡ vô tư, chúng ta nên biết ơn về điều đó.
 
Song lòng tốt trên thế giới này không phải là nhiều, cũng không phải lúc nào cũng sẵn có sự vô tư trong cách cư xử của những nước nhiều tiền lắm của. Không kể những nhà đầu tư tư nhân, họ đi tìm lợi nhuận, đâu có thể sinh lời nhiều thì họ đến. Còn sự “giúp đỡ” của các chính phủ mới cần xem xét cho kỹ. Tôi cũng chẳng có ý định vơ đũa cả nắm, vì vẫn có sự giúp đỡ vô tư trong sáng của chính phủ này với chính phủ khác, song hơi bị hiếm.
 
Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng có một từ xuất hiện khá nhiều, đó là từ “bẫy nợ”. Tôi có tiền đây, vay đi! Vay đi! Bao nhiêu cũng có! Lãi suất không giống như tín dụng đen đang xuất hiện trong xã hội ta, cái thứ tín dụng đen ở nước mình nó thô thiển lắm. Người nào khó khăn lắm mới mắc bẫy thôi.
 
Còn giữa các nước với nhau, thì hợp đồng tín dụng là rõ ràng nhé, minh bạch nhé, lãi suất ổn định nhé. Song mấu chốt là anh vay để làm gì, cái dự án đó có giúp ích gì đối với nước cấp tín dụng không? Nếu có ích thì tôi bơm tiền cho, bao nhiêu cũng có, cho đến một lúc con nợ giật mình, thấy rằng mình đã trở thành con nợ lớn quá, không có cách gì trả nổi, đành phải gán nợ bằng một phần đất đai của tổ tiên cho chủ nợ. Một vị Tổng thống của một nước Nam Á đã phải thốt lên rằng, “Thế hệ sau sẽ nguyền rủa thế hệ chúng ta vì đã cho họ (một chủ nợ) những thứ quý giá!”. Cái phần đất đai đó mới giá trị gấp vạn lần cái lãi suất mà đám tín dụng đen ở nước ta đề ra.
 
Không phải chỉ có một nước Nam Á nọ kêu trời và đang tìm cách gỡ thế bí, mà còn một số nước khác. Thế giới của chúng ta ơi, trái đất này là của chúng mình, song hãy cảnh giác!
 
Hình trong bài: Tình trạng ở một nước rất đề cao nhân quyền.
Ngày 10/12/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.