Chien thang
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (90)
 
Tôi tin, tôi yêu và tôi buồn. Đây là một tâm sự rất thật của một người già – người đã trải qua hơn tám chục năm trên cõi đời này. Tôi tin vào sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, tôi yêu chế độ này, vì đảng này, chế độ này đã cho tôi cuộc sống từ nghèo đói lên khá giả mà không phải từ tiền tham ô, tham nhũng.
 
Tôi tin vì từ ngày đảng Cộng sản được thành lập đến nay (3/2/1930), thấm thoắt đã gần chín mươi năm rồi đấy nhỉ? Mục tiêu đầu tiên mà đảng Cộng sản đề ra là giành lại độc lập cho dân tộc, và họ đã làm được. Tiếp đến là thống nhất đất nước, và họ cũng đã làm được vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Vậy mà cái đám phá đám trong cũng như ngoài nước, chúng bảo rằng, “đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn những gì chúng làm!”. Tôi thì tôi bảo, Cộng sản nói được và họ đã làm được.
 
Tất nhiên trong quá trình làm cách mạng, không thể đơn giản như ta xây cái nhà cấp bốn. Đó là một cuộc trường chinh, có gian khổ, có hy sinh mất mát, có cả thành công và cũng có cả thất bại, có ưu điểm và cũng có cả sai lầm khuyết điểm. Chỉ có những người hoang tưởng mới nghĩ làm cách mạng không khác chi một cuộc dạo mát!
 
Cái lẽ đương nhiên, một cuộc cách mạng sẽ đem lại hạnh phúc cho tầng lớp này, nó cũng đem lại đau khổ cho tầng lớp nào đó. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đem lại “người cày có ruộng” thì lại đem đến “người giàu mất ruộng”, làm cho tầng lớp địa chủ không còn phương tiện để bóc lột dân nghèo. Nhiều người giàu căm ghét chế độ Cộng sản cũng chẳng có gì lạ.
Song thử hỏi, ruộng đất của xã hội tập trung vào mười phần trăm dân giàu, chín mươi phần trăm là dân nghèo phải đi làm thuê, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, có sức lao động mà phải đi nhận cấy tô, cấy rẽ, thì cái đại đa số chín mươi phần trăm dân nghèo ấy có yên tâm, có hăng hái mà đi đánh giặc?
 
Song chúng ta cũng đừng quên ơn những “địa chủ kháng chiến”, những nhà tư sản góp công góp của cho kháng chiến, họ cũng đã dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, họ từ bỏ cuộc sống giàu sang để “đồng cam cộng khổ” với những người nông dân trong cuộc kháng chiến. Thành công của cách mạng có sự đóng góp không nhỏ của họ.
 
Một tầng lớp khác, có khi không phải là địa chủ nhưng thuộc về những người từng cộng tác với kẻ xâm lược từ thời Pháp thuộc đến thời Mỹ thuộc. Đương nhiên đảng Cộng sản đã hất đổ chén cơm của họ. Họ không căm thù Cộng sản mới là lạ, nếu tôi ở vào địa vị của họ, biết đâu đấy nhỉ, tôi cũng giống họ.
 
Những dòng trên là để trả lời cho câu hỏi vì sao tôi tin và tôi yêu vào sự lãnh đạo của đảng Cộng sản và chế độ cầm quyền ngày nay. Còn vì sao tôi buồn ư?
 
Cũng như con người chúng ta thôi. Không biết bạn thế nào, chứ bản thân tôi còn nhiều thứ chưa hoàn chỉnh lắm – kiến thức không hoàn chỉnh, thân xác không hoàn chỉnh, gia đình không thật như mình mơ ước. Nói chi đến một cái xã hội với gần một trăm triệu dân chen chúc trên một mảnh đất chỉ có trên ba trăm ngàn ki-lô-mét vuông thì có biết bao nhiêu thứ khập khiễng, lệch lạc. Không nói đến gần trăm triệu dân nữa, ta nói trong phạm vi hẹp hơn, đó là bộ máy công quyền.
 
Người già thường hay hoài cổ. Tôi cũng thuộc loại người đó. Tôi ước gì trở lại thời kỳ mà cán bộ, đảng viên trên dưới một lòng, toàn tâm toàn ý lo cho dân cho nước. Chỉ một viên đại tá lạm dụng công quỹ đã bị Chủ tịch nước phê chuẩn án tử hình; chỉ một anh lính đào ngũ mà trở về quê thì đã bị dân làng coi khinh, gia đình xâu hổ; những nơi nào có khó khăn, gian khổ thì cán bộ, đảng viên đến trước, dẫn đầu; ngày đêm vật lộn với bão lũ để cứu lúa cứu dân không bao giờ tính toán về giờ làm thêm và đòi hỏi sự bù đắp; ở ngoài chiến trường, hàng ngày các chiến sĩ vẫn viết thư về động viên hậu phương hãy tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Nhiều tấm gương sáng lắm! Có một vở kịch hay một bài viết gì đó tôi không nhớ, nhưng tôi nhớ cái đầu đề của nó, rằng “Bao giờ cho đến ngày xưa?”. Đó là tâm trạng chung của những người như chúng tôi.
 
Song đó cũng là một thể hoang tưởng. Mỗi giai đoạn lịch sử lại có những vấn đề khác (cả xấu và tốt) xuất hiện.
 
Vì đã trải qua một thời kỳ hào sảng như vậy của dân tộc nên, những gì xảy ra trong xã ội ngày nay, trong một số những người có chức quyền, nhất là ở cấp cơ sở thấy nó sao sao ấy. Xin nêu mấy dẫn chứng, có bất cứ chuyện gì xảy ra trong xã, phường mình, khi phóng viên hỏi đến thì đều nói, “tôi chưa được báo cáo”, hoặc “tôi đã báo cáo lên trên, đang chờ chỉ đạo!” (với chức phận của mình các ông đã làm gì trong lúc chờ chỉ đạo?); hay như ông giám đốc trung tâm nọ đặt bà công nhân làm tạp vụ vào vị trí bác sĩ, khi hỏi đến cũng lại “vòng vo tam quốc”; rồi địa phương kia tràn lan việc chạy điểm, nhưng ông chủ tịch tỉnh bảo “tôi chưa nghe”.
 
Tôi đã thấy và tôi hy vọng, kỳ này những ông bà ở cơ sở mà chưa thấy, chưa nghe tiếng than của dân thì chắc chắn sẽ không tồn tại. Thế mới là tốt!
 
Ngày 31/12/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.