NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (102)

Ăn nhậu
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (102)
 
Bàn về luật và việc làm luật ở Việt Nam, mà tôi nghĩ ở nước nào cũng vậy, chẳng có nơi đâu mà một đạo luật ra đời lại làm thỏa mãn một trăm phần trăm người dân. Tôi không nói về những đạo luật về an ninh tổ quốc, về nghĩa vụ công dân vân vân, chỉ xin đề cập đến một vài đạo luật liên quan đến tính mạng của con người.
 
Tôi cứ nghĩ một cách chủ quan và đơn giản thế này, bất cứ đạo luật nào mà việc thực thi nó sẽ bảo đảm tính mạng cho mọi người, thì đương nhiên ai cũng hoan nghênh, ai cũng chấp nhận. Ấy nhưng mà không!
 
Cách đây ít năm, Quốc hội ra đạo luật về việc đi xe gắn máy thì phải đội nón bảo hiểm, xe gắn máy phải có đủ gương chiếu hậu. Ôi thôi! Đạo luật vừa ra đời còn chờ đến ngày có hiệu lực đã ì xèo tiếng bấc tiếng chì. Người thì bảo mấy người làm luật này chắc chắn có “sân sau”, tức là “chống lưng” cho nhà sản xuất nón bảo hiểm. Thậm chí có vài tờ báo còn phỉnh phờ những người thiếu hiểu biết, đưa lên mặt báo để hỏi các nhà làm luật: “Tôi đi dự đám cưới, làm mới cái đầu, giờ đội nón bảo hiểm lên thì hỏng tóc của tôi sao?” (chuyện có thật, tôi không bịa ra đâu!). Lại có một anh làm truyền hình, tạo một clip tai nạn, phóng viên đến hỏi vì đâu nên nỗi? Khổ chủ bảo tại cái gương chiếu hậu của hai xe móc vào nhau (!?). Kết luận là không nên gắn gương chiếu hậu! Loại phóng viên ranh ma nhưng mà ngu! Gương chiếu hậu có khi nào vượt ra ngoài cái tay cầm của xe?
 
Đó là chuyện cũ. Tuy vậy cũng còn khối đứa rất “Chí Phèo”, điều khiển xe máy mà không đội nón bảo hiểm, tới khi cảnh sát kêu lại thì lại dở thói “Chí Phèo” ra!
 
Chuyện đang là thời sự nóng hổi đây. “Đã lái xe thì không uống rượu bia” là nội dung của đạo luật phòng chống tai nạn giao thông do rượu bia. Trước hết xin hỏi mọi người, Quốc hội ban hành đạo luật này là vì ai? Và bảo vệ cho ai?
 
Đừng nói vì các nhà sản xuất rượu bia nhé. Nếu sản lượng bia rượu của các nhà sản xuất như Habico, Sabico chẳng hạn mà giảm thì số tiền thuế mà nhà nước thu về cho ngân sách sẽ giảm theo. Cũng đừng nói nhà nước có “sân sau” hay “chống lưng” cho ai đó nhé. Điều luật này hoàn toàn để bảo vệ tính mạng người dân, kể cả người nghiện nhậu và người tử tế. Người tử tế ở đây là người đi đường, chẳng may bị mấy ông “ma men” đụng phải, chết oan!
 
Hôm nay (5/1/2020) mới trải qua năm ngày luật này được thực thi, thế mà cũng khối anh giở những chiêu không giống ai ra đối phó. Ai mà quan tâm đến thời sự đều biết, nên tôi không nhắc lại. Có một luồng dư luận là luật không chỉnh, và luật quá khắt khe. Dù có khắt khe thì mục tiêu cũng là để kéo giảm con số 79.000 người chết vì bia rượu mỗi năm ở nước ta.
 
Vì nhiều người hay thích lấy Mỹ ra để so sánh, nên tôi cũng nhờ Trần Mạnh Hùng ở Mỹ cho xin môt ít thông tin về đạo luật tương đương để mọi người so sánh, ở Mỹ gọi là Luật “Driving Under Influence”, viết tắt là DUI:
 
– Cấm không cho lái xe khi nồng độ cồn (NĐC) 0,08% (của ta là trên 0%).
– NĐC 8% – 9%: Phạt 300 USD quản chế 6 tháng, học lại luật lái xe và cai nghiện rượu bia bắt buộc. Nếu tái phạm đến lần thứ tư, phạt 500 đến 5.000 USD, phạt giam từ 10 ngày đến 2 năm.
– NĐC trên 10%: phạt từ 5.000 đến 15.000 USD, treo bằng 18 tháng, phạt giam từ 1 đến 5 năm. Cai nghiện bắt buộc.
 
Ở Mỹ, anh Hùng thông báo tiếp, uống rồi mà vẫn lái xe, cảnh sát không thấy để phạt, gặp dân họ báo cảnh sát thì dù có lên giường ngủ với vợ rồi, cảnh sát vẫn đến đo NĐC và phạt theo các điều khoản của luật. Ở Mỹ, luật là luật; ở ta luật mà xử không nghiêm thành lờn luật, tai nạn vẫn cử xảy ra, chọn cách nào? Có lần tôi nghe ông Đỗ Dzũng của đài SET TV nói, ở Mỹ có những đạo luật ra đời cách nay có khi cả trăm năm, từ khi trình độ khoa học kỹ thuật chưa phát triển, có điều khoản không còn phù hợp với ngày nay, biết vô lý song vẫn phải được thực thi.
Nước văn minh thì luật pháp sẽ điều chỉnh mọi hành vi của cuộc sống. Người văn minh là người luôn chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp. Nói sơ vậy thôi, người nào thấy luật của Mỹ nhẹ hơn, “nhân đạo” hơn thì mời sang Mỹ để sống thử!./.
 
Ngày 6/1/2020
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.