NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (103)

Tòa án
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (103)
 
Lại xin lạm bàn một chút về luật và làm luật. Trước hết tôi xin lỗi những luật sư, vì cái tội “múa rìu qua mắt thợ” của tôi. Nói trước vậy để các vị luật sư đại xá cho nếu tôi nói điều gì không đúng, và cũng thông cảm cho rằng, tôi là một người chưa một lần bước vào trường luật, từ sơ đến cao.
 
Chuyện tôi muốn nói là thế này,
 
Thứ nhất, ở nước ta ai là người làm luật? Tôi nghĩ để cho ra đời một bộ luật thì phải qua nhiều bước và có sự đóng góp ý kiến của nhiều người – kể cả những người là luật sư và “phi luật sư”, không khỏi phải tham khảo luật đó ở nhiều nước. Một khi các dự luật đã hòm hòm, lúc đó mới đem ra Quốc hội, nâng lên đặt xuống nhiều lần, ấy thế mà khi nhấn nút biểu quyết, cũng chẳng bao giờ đạt được trăm phần trăm số phiếu tán thành. Đó cũng là lẽ đương nhiên.
 
Thứ hai, ngay trong mấy trăm vị đại biểu quốc hội còn có vị phản đối khi thông qua một luật, thì làm sao mà thỏa mãn được lòng của một trăm triệu dân? Có người còn coi thường trình độ của các ông nghị, bà nghị. Ấy chớ! Đừng làm vậy và cũng đừng nghĩ vậy! Các vị đại biểu quốc hội là do chúng ta bầu lên cả đó, nếu coi thường các vị ấy thì khác nào chúng ta tự coi thường mình. Có người bảo, các vị ấy là do “đảng cử để dân bầu”. Nói vậy là các bạn chưa hiểu hệ thống bầu cử ở nước ta rồi. Đành rằng mọi việc ở nước ta đều do đảng Cộng sản lãnh đạo, nếu tốt thì đảng được tiếng, nếu xấu thì đảng chịu. Nhưng có khi nào, trước ngày bầu cử mà không có họp dân để dân tham gia ý kiến, và soi xét ông này hay, bà kia dở. Và khi cầm lá phiếu thì toàn quyền thuộc về chúng ta, thích ai thì để, không ưa ai thì gạch tên, có lá phiếu bị gạch tên hết trơn, song đã có ai bị bắt tội đâu?
 
Thứ ba, trong các luật có điều là để thực thi nhưng cũng có điều là để răn đe. Thí dụ, trong luật “Cấm uống rượu bia khi lái xe”, có một điều khoản, bắt tội cả người ép người khác uống. Nghe thì phi lý thiệt đó nhỉ? Vì vậy mới có bạn diễu cợt rằng, mỗi bàn nhậu nên có một cảnh sát ngồi coi có ai là người ép uống và người bị ép uống! Nếu bạn là người tôn trọng luật pháp thì mỗi lần bạn định ép ai uống rượu bia thì bạn phải nghĩ đến điều luật này. Đó là tính răn đe của luật. Song một khi người uống rượu gây tai nạn, phải ra tòa, lúc đó bị cáo khai rằng tôi không biết uống rượu nhưng bị ép quá phải uống. Quan tòa sẽ hỏi ai ép? Bị cáo thưa anh A anh B ép, đó là lúc luật pháp sẽ được thực thi. Lúc đó bạn vô can hay không thì tùy thuộc vào quan tòa.
 
Thứ tư, Nước ta có một điều luật, người dân có thể làm bất cứ việc gì mà luật không cấm. Nói đến đó, tôi nghĩ về trào lưu tranh cãi quanh việc ăn thịt chó hiện nay. Liên quan đến con chó, có mấy “công đoạn” mà ta cần lưu tâm. Giai đoạn nuôi chó – ai thích thì nuôi, song lại có một điều luật để điều chỉnh hành vi này là giữ vệ sinh nơi công cộng và khi đưa chó đi dạo phải rọ mõm; giai đoạn kinh doanh chó, có một điều luật để điều chỉnh hành vi là “trộm cắp tài sản” để xử những tên trộm chó. Còn các giai đoạn sau, giết chó và ăn thịt chúng thì không bị cấm.
 
Luật chưa cấm thì các bạn cứ giết chó và ăn thịt chó. Đó là quyền tự do của mỗi người. Luật pháp không dựa trên cảm tính, cho nên có ai đó nói “tôi coi chó như người bạn”, đó là quyền tự do của bạn. Tôi không thích chó là quyền của tôi, cũng như ai thích ăn thịt chó là quyền của người đó. Khi nào có luật cấm giết mổ chó thì mọi người phải ngưng ngay món khoái khẩu này.
 
Còn cá nhân tôi thế nào? Tôi không ghét chó nhưng tôi không thích nuôi chó, tôi cũng không ăn thịt chó chẳng phải tôi coi chó là bạn của tôi. Nhân tiện, nói cho bạn biết, tôi đã bị chó cắn một lần, tốn tiền triệu để đi chích ngừa, nên mỗi lần thấy chó là tôi phải tránh xa, và nói thật lòng tôi rất ghét ai thả chó chạy rông ngoài đường. Tôi không thích ôm ấp súc vật, tôi thích ôm ấp con người hơn.
 
Còn bạn, tùy bạn thôi, quyền tự do của mỗi người mà. Song khi thực thi quyền tự do của mình tuyệt đối không xâm phạm vào quyền tự do của người khác nhé./.
 
Ngày 7/1/2020
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.