NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (108)

Dầu khí
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (108)
 
Cái “kinh tế thị trường định hướng XHCN” của Việt Nam có gì khác với một nền kinh tế thị trường phát triển? Tôi cứ loay hoay mãi với câu hỏi đó, đôi khi tự giải đáp cho mình mà không biết có đúng và có phải phép không?
 
Ở Việt Nam có tỷ phú đô-la không? – Hình như có đấy nhỉ. Kiểu như các ông chủ của Vingroup, của Thaco, của FLC, của Vietjet, của HAGL, của một loạt ngân hàng… Có nhưng chưa nhiều.
Câu hỏi đặt ra là họ có phải là những nhà tài phiệt, nắm và chi phối các ngành có dính dáng đến tài nguyên đất nước không? Chắc chắn là không. Tài nguyên trên mặt đất (đất đai, sông núi, rừng rú), dưới lòng đất (các loại khoáng sản), dưới lòng biển (dầu khí chẳng hạn) vẫn thuộc SỞ HỮU TOÀN DÂN mà nhà nước là người đại diện để quản lý và khai thác, thành tài tản quốc gia. Nhiều người không thích điều này, họ muốn được như những nước tư bản phát triển, mọi tài nguyên quốc gia phải nằm trong tay tư nhân, một nhúm các nhà tài phiệt nắm giữ gần như toàn bộ tài nguyên quốc gia, dân chỉ còn là người làm thuê thôi.
Câu hỏi tiếp theo, vậy thì những nhà tỷ phú đô-la của nước ta nói trên họ làm cái gì? Xin thưa, họ sản xuất ra của cải vật chất, họ làm các dịch vụ, tóm lại họ được làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm (không được quyền sở hữu các tài nguyên nói trên). Những người này có phải là thành phần nằm trong chính phủ không? Tất cả đều không nắm giữ chức vụ gì trong bộ máy nhà nước, song không tránh khỏi việc họ có những tác động nào đó vào chính sách của nhà nước, mà ta quen gọi là “lợi ích nhóm”. Chẳng tránh được đâu. Vấn đề còn lại là công chức nhà nước phải vững vàng. Vững đến đâu thì tùy ở mỗi người.
 
Ở vài nước phát triển cái nghề “lobby” được luật pháp công nhận nên việc vận động hành lang cứ gọi là thoải mái. Từ vận động chính sách đến việc ban hành đạo luật nào đó, từ tranh cử đến bầu cử. Anh nào “lobby” tốt sẽ nhận được nhiều lợi ích cho thân chủ của mình. Cái chất XHCN nếu thực hiện cho đúng, kiểm soát cho chặt thì sẽ không có thứ đó.
 
Cho nên nói rằng, công chức nhà nước (hay đảng viên Cộng sản) giàu lắm là suy diễn thôi. Cũng có người giàu đó, song so với mấy đại gia nói trên thì tài sản của họ cũng chỉ bằng “cái mắt muỗi”. Cái ông bộ trưởng khi còn tại chức kiếm chác được có ba triệu USD, cuối cùng thì cũng phải nhả ra và vẫn phải đi tù.
 
Cái chất XHCN của Việt Nam cũng không yêu cầu những người ứng cử hoặc được đề cử vào bộ máy nhà nước phải là những người giàu như nhiều nước khác. Ấy thế mà, có thời kỳ, ai cũng cố làm sao chạy được một chân “công chức nhà nước”. Vì sao? Vì thời đó việc làm ăn khó lắm. “Vào nhà nước” tuy lương không cao nhưng ổn định. Ngày nay nhiều người có ý chí khởi nghiệp họ bỏ “nhà nước” gần như là phổ biến. Tôi có hai đứa con trai, chẳng đứa nào chịu vào làm trong “nhà nước”. Đó là một xu thế rất tốt.
 
Tóm lại, tài nguyên của quốc gia phải thuộc sở hữu toàn dân; việc kiểm soát quyền lực, kiểm soát thu nhập của công chức nhà nước; việc không để hình thành các “đại gia” có quyền kiểm soát và chi phối chính sách của nhà nước là nên hay không nên? Có lẽ có ai đó cho rằng như vậy là không dân chủ, là vi phạm nhân quyền?
 
Hình trong bài: Dàn khoan dầu của nước ta ở biển Đông
Ngày 15/1/2020
Ph. T. Kh

Add a Comment

Your email address will not be published.