NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (112)

Quà tết 2
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (112)
 
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “Lá lành đùm lá rách, con chị cõng con em”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” và còn nhiều nữa là những câu ca dao truyền đời, cũng là những lời răn dạy mà tổ tiên ta muốn các thế hệ kế tiếp hãy duy trì tình yêu thương đó. Những ngày gần tết, tôi thấy tinh thần này được thể hiện ở nhiều nơi. Âu cũng là một điềm lành, một niềm vui!
 
Mấy ngày qua nhiều người trong bộ máy lãnh đạo quốc gia đi về các địa phương để thực hiện lời kêu gọi “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, họ mang theo tấm lòng của cả nước đến với những hộ nghèo, những người neo đơn, những có công với đất nước, để nhà nào cũng có tết và những hộ còn phải trú ngụ trong các căn nhà xập xệ thì cũng có một khoản để sửa sang lại, có một mái ấm mới cho dịp đón xuân mới. Dù nhà chưa cao, cửa chưa rộng, song người dân nước mình không phải chui rúc trong những chiếc lều bằng nhiều chất liệu rẻ tiền mà những người vô gia cư (homeless) đang “được hưởng” như ở một số nước giàu có.
 
Có một nơi ở ổn định (“cái nhà là gia bản” mà!), có công ăn việc làm, đó là mục tiêu mà chúng ta đang hướng đến. Còn nhớ năm nước ta mới đi vào “thời kỳ đổi mới”, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta tới 60% (số liệu từ nước ngoài), đến hết năm 2019, con số đó giảm xuống còn 4%. Thực chất của khẩu hiệu “không để ai bị bỏ lại phía sau” là như thế. Vậy là tốt đó chứ? Vậy là thành công đó chứ?
 
Ai cũng biết, đất nước ta còn nghèo, nhưng lại vẫn là tinh thần “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hơn nữa cách cho còn quý hơn của cho. Vì chúng ta còn nghèo nên giá trị mỗi món quà không lớn, nhưng nếu có ai đó quen với cách đánh giá sự việc bằng giá trị vật chất thì cũng nên suy xét cho kỹ, và hãy tự hỏi mình, coi mình đã có sự chia sẻ nào chưa?
 
Chỉ có một điều, cá nhân tôi thấy có lấn cấn. Tôi cũng xin thành thật chia sẻ như thế này, đó là cách cho có lẽ chưa ổn. Những nhà lãnh đạo quốc gia chỉ thay mặt nhân dân, thay mặt các nhà tài trợ chuyển những món quà khiêm tốn đến cho những người nghèo là đúng, nhưng đó nhất quyết không phải là quà của chính phủ và đặc biệt là không phải quà của cá nhân các nhà lãnh đạo. Nên chăng chỉ dùng những cái túi đựng quà đơn giản (không in tên người trao quà bên ngoài), và kèm theo nó là một tấm thiệp chúc tết của nhà lãnh đạo đó (khác với doanh nghiệp tài trợ, họ cần quảng cáo). Người dân sẽ giữ tấm thiệp lâu hơn để làm kỷ niệm, còn cái túi đựng quà cầu kỳ kia chỉ sau tết là chúng đã bị bỏ vào các xe rác rồi!
 
Ngoài ra, một hình ảnh chẳng thể hiện được sự thân tình, đó là sắp xếp những người nhận quà lên sân khấu. Có lẽ mục đích duy nhất là để chụp hình đưa lên phương tiện truyền thông, song nếu tôi là người nghèo thì tôi không thích như thế. Người trao quà thì cười, người nhận quà thì im lặng. Vậy có nên chăng?
 
Vài suy nghĩ thô thiển như vậy, mong những người có trách nhiệm cân nhắc thiệt hơn./.
 
Hình trong bài: (1) Ngôi nhà báo TN tặng một gia đình người dân tộc Mông ở bản Quan Sơn; (2) Những “ngôi nhà” của người vô gia cư ở Huntington Beach của một nước nọ.
 
Ngày 16/1/2020
Ph. T. Kh.
American dream 3 Huntington beach

Add a Comment

Your email address will not be published.