NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (106)

Điện thủ đức
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (106)
 
Tôi đã đọc không phải một lần bài trả lời phỏng vấn báo chí của một vị Thượng thư bộ Công. Cảm tưởng đầu tiên là khâm phục vị thượng thư này thuộc rất nhiều văn bản và liệt kê ra (có cả số của văn bản rồi ngày tháng phát hành) của chính phủ, thủ tướng chính phủ và bộ chính trị. Phải công nhận đó là một trí nhớ siêu phàm!
 
Theo thiển nghĩ của kẻ tiện dân này, thì dù có luật của Quốc hội ban hành, nghị quyết của đảng Cộng sản, thông tư nghị định hay gì đó của Chính phủ thì phần lớn, nội dung trong đó “Triều đình” bảo chúng ta PHẢI LÀM GÌ, còn LÀM NHƯ THẾ NÀO thì đó là trách nhiệm của các vị Thượng thư và thuộc cấp. Ấy vậy mà tôi thấy hơi thất vọng vì muốn biết trong những năm tới, những công cuộc thuộc lãnh vực của vị Thượng thư này nhận lãnh sẽ được thực thi như thế nào thì phải nói là quá ít. Không có được một bức tranh rõ ràng và sáng sủa.
 
Tôi xin lấy ví dụ ngay đây.
 
Ai cũng biết, kinh tế xã hội càng phát triển thì mức tiêu thụ năng lượng càng cao, nào than, nào nước, nào dầu, nào khí, nào nắng, nào gió; song chính sách năng lượng của Việt Nam trong những năm tới là gì. Ưu tiên phát triển loại nào, hạn chế loại nào? Và vì sao lại phải vậy? Rồi để thực hiện chính sách năng lượng ấy thì nhà nước (hiểu là các bộ) làm gì, các ngành làm gì, và nhân dân phải làm gì? Đã có lần tôi đọc được thông tin, rằng ở một nước châu Âu, mỗi cao ốc phải tự túc tới 60% năng lượng theo thiết kế cho tòa nhà (sưởi ấm, chiếu sáng vân vân). Đó chỉ là thí dụ thôi chứ tôi không nói ta phải làm như thế. Trong khi ở ta, chẳng ai nghĩ đến điều đó. Nhà cao tầng ở đâu đâu cũng cứ phát triển như nấm sau mưa, chủ đầu tư chỉ mỗi việc đăng ký mua năng lượng là xong, thế là ngành năng lượng vắt chân lên cổ mà chạy! Đây cũng chỉ là một ví dụ thôi.
 
Rồi, nguồn ô nhiễm môi trường hiện nay, chủ yếu từ đâu? Chẳng nói thì ai cũng biết, từ các nhà máy công nghiệp nói chung (trong đó có cả nhà máy sản xuất xe cộ), vậy đổi mới công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường là gì đây? Và bao giờ thi đạt mức độ ô nhiễm như những nước phát triển trung bình khác? Mục tiêu đâu? Biện pháp là gì?
 
Với nhận thức hạn hẹp của tôi, xin chỉ nêu vài ý kiến những mong các vị Thượng thư suy nghĩ nhiều hơn về ngành mình, có những giải pháp sáng hơn cho ngành mình… Được như vậy thì sự phát triển đất nước mới đồng bộ, mới bền vững.
Nếu tôi có nói gì sai xin cúi đầu tạ tội!
 
Hình trong bài: Nhà máy nhiện điện Thủ đức
Ngày 17/1/2020
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.