NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (123)

Ng Ngọc Trinh
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (123)
 
Trong đại dịch nCoV từ Trung quốc lây lan qua gần 30 nước, người người lo lắng, nhà nhà đề phòng, tất cả làm nổi bật lên vấn đề “tình người”. Tôi nói vấn đề thuộc phạm trù “tình người” chứ sự thể hiện tình người mỗi nước mỗi khác, mỗi đối tượng mỗi khác.
 
Trước hết, tôi nói tới việc các nước lo đưa người của quốc gia mình từ vùng dịch trở về. Có vậy thôi mà cái “tình người” cũng có chuyện để bàn. Mấy nước phát triển tư bản chủ nghĩa cũng lo đưa người nước mình từ vùng dịch trở về, song mỗi người được “đón” về phải trả tiền đi máy bay hết chừng 1.000 €/người. Việt Nam ta thì đưa máy bay sang rồi đón người về miễn phí, thậm chí đưa khách Trung quốc về nước họ chúng ta cũng không bắt họ phải trả tiền.
 
Nhìn nhận vấn đề này thế nào? Phần lớn là chê bai mấy nước giàu có, lấy tiền đi máy bay của “nạn nhân” (ta cứ tạm gọi như thế) khác nào những người đó chịu cảnh “họa vô đơn chí”. Có lý lắm! Song chúng ta chưa đi vào bản chất của sự việc.
 
Xin nhớ cho một điều, tài nguyên của các nước tư bản (mà họ thích gọi là nước “dân chủ”) tập trung đến 90% vào tay các nhà tài phiệt. Các nhà tài phiệt đóng thuế lợi tức cho chính phủ (đó là chuyện dĩ nhiên đối với bất cứ quốc gia nào), việc chi tiêu của chính phủ đều đã được xác lập, không được “tùy tiện”. Thí dụ, nếu tiền chi cho các hoạt động của chính phủ mà hết thì các cơ quan chính phủ phải đóng cửa (đã từng sảy ra). Ở một vương quốc nọ, quốc hội đã ấn định mức ngân khoản từng năm cho hoàng gia, tỷ như một năm đức vua được đi ra nước ngoài mấy lần, thì vua cũng phải chấp hành.
 
Vì máy bay là của tư nhân, không có chuyện bay miễn phí, mà khoản chi này lại không nằm trong ngân sách đã được quốc hội phân bổ cho chính phủ, nên chính phủ cũng bó tay, dù cũng muốn lấy lòng dân lắm, cũng e sợ sẽ bị mất phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới. Đó là bản chất của một nước “dân chủ”.
 
Còn ở Việt Nam ta (một chế độ bị gán cho là “độc tài”), chính phủ có quyền điều máy bay đi chở đồng bào của mình về. Chi phí cho chuyến bay do chính phủ trả. Tiền ở đâu để trả? Nói nôm na là tiền của dân. Tất cả tài nguyên, dự trữ ngoại hối và ngân khố quốc gia là của dân, chính phủ chỉ là người đại diện để quản lý. Đó là bản chất của một nước XHCN.
 
Vì vậy tôi xin mọi người đừng chửi chính phủ các nước yêu cầu đồng bào của họ phải trả tiền máy bay hồi hương. Họ cũng khổ lắm đó!
 
Tình người không chỉ có vậy. Còn nhiều chuyện để nói lắm. Tỷ như chính phủ nước nọ cũng có chủ trương đưa đồng bào của họ từ vùng dịch về nước, vậy là dân ở đó phản đối, họ ném trứng thối vào bộ trưởng Bộ Y tế. Rồi như ở nước ta, nhiều người đòi hỏi chính phủ đóng cửa biên giới, mấy ngày đầu họ bịa ra rằng có 13 nước đã đóng cửa biên giới với Trung quốc, mà thực tế, chưa có một nước nào. Đóng của biên giới có khó không? Không, chẳng có gì khó cả! Song có mấy ai thấy hàng trăm xe chở trái cây của Việt Nam ùn ứ ở cửa khẩu hàng tuần lễ mà động lòng trắc ẩn? Đó cũng là tình người.
 
Rồi nạn đầu cơ, tích trữ, nâng giá nào khẩu trang, nào nước sát trùng. Chỉ cần viết mấy chữ “hết hàng” lên tấm bìa là họ đã tính được số tiền lời mà họ sẽ thu được trong mấy ngày tới gấp bao nhiêu lần so với ngày chưa có dịch. Chỉ đến khi quản lý thị trường vào kiểm tra mới thấy sau tấm biển hết hàng đó là hàng ngàn cái khẩu trang. Phải chăng đó là thái độ của kẻ “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” đối với đồng bào của mình. Đó là những kẻ không có tình người. Rồi đến những kẻ tung tin thất thiệt để dân chúng hoang mang, để làm lợi cho những kẻ đầu cơ tích trữ. Đó cũng là những kẻ không có tình người.
 
Thái độ đúng đắn là chúng ta phải thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, việc nào chính phủ và các cơ quan công quyền lo thì họ đã và vẫn sẽ phải lo. Lệnh phải thắng do Chính phủ đề ra vừa qua thể hiện việc làm yên dân trong đại dịch. Đôi lúc chúng ta tung hô những giá trị xa vời mà quên mất những kỳ tích mà chúng ta đã đạt được ngay trên đất nước ta. Chắc mọi người còn nhớ, năm 2003 Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới đã dập được dịch SARS chỉ trong vòng một tháng. Lần này chúng ta cũng mong kỳ tích đó được lập lại.
 
Những kẻ đánh mất tình người còn không bằng nhiều tổ chức, nhiều bạn trẻ đem khẩu trang ra ngoài đường để phát miễn phí cho người qua lại. Có những em bé dốc hết tiền mừng tuổi (lì xì) của mình để mua khẩu trang để tặng cho những người còn thiếu. Vậy so những kẻ không có tình người và những đứa trẻ tôi vừa đề cập, ai cao lớn hơn ai?
 
Đừng để cái cá nhân nó lớn quá làm lấn át cả tình người bà con ạ. Hãy nhớ câu “Thương người như thể thương thân”!
 
Hình ttrong bào: (1) Em Nguyễn Ngọc Trinh, nói với Thủ tướng cho em được góp phần nhỏ bé để giúp nạn nhân của dịch; (2) Người dân Cần Thơ phát khẩu trang cho người đi đường.
 
Ngày 10/2/2020
Ph. T. Kh.
Phá khẩu trang

Add a Comment

Your email address will not be published.