NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (112)

Châu Phi
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (112)
 
Trừng phạt kinh tế của nước này với nước khác, xảy ra khắp nơi trong thế giới văn minh của chúng ta hiện nay, làm cho thế giới rơi vào trạng thái bất bình đẳng, mạnh được yếu thua.
Trừng phạt là một hình thức bắt nạt. Theo thói đời, thì nước nào chỉ nên biết nước đó, nếu anh giàu, anh mạnh thì anh giúp tôi để cho tôi bằng chị bằng em, đó là một việc nghĩa, một điều nên làm. Còn đã không giúp được thì thôi, không những thế, đằng này còn chọc phá thêm, làm cho đất nước đã nghèo lại càng nghèo thêm, đã mất ổn định càng mất ổn định thêm. Đó là cách hành xử phi nhân tính.
 
Ấy thế mà, con người ta vẫn đối xử với nhau như vậy. Là một nước bị trừng phạt kinh tế thì ai là người khổ nhất? Chính là nhân dân nước đó. Vậy kẻ đi trừng phạt là vô nhân đạo. Nực cười hơn nữa, anh đi làm một việc vô nhân đạo lại nhân danh nhân đạo, nhân quyền.
 
Cái lý mà các nước giàu, nước mạnh để đi bắt nạt nước khác là anh không “thần phục” tôi thì tôi đánh cho đến khi “thần phục” mới thôi. Lúc đó tôi sẽ nắm quyền sinh, quyền sát trên đất nước anh. Tôi là chủ nhân ông của tất cả những gì mà anh có. Lúc nào trong chiếc cặp da của tôi cũng có đầy âm mưu để muốn hại ai là tôi hại. Chỉ một chiếc lọ bé xíu bằng ngón tay, đựng một thứ bột màu trắng vô hại, tôi đã có thể kết tội cả một quốc gia, tôi có thể bắn giết người dân ở đó, không cần biết họ có tội hay không. Đó là trường hợp của Iraq, thế mà đã 13 năm qua rồi, mười ba năm qua đất nước Iraq chưa có lấy một ngày thanh bình, tài nguyên bị cướp, người đứng đầu nhà nước bị treo cổ. Hãy lấy đó là một bài học cho các quốc gia có chủ quyền!
 
Khi anh đến nhà tôi, anh gieo cái chết thì anh là quân khủng bố, song khi tôi đứng từ xa phụt tên lửa giết chết người dân của anh, thì tôi gọi đó là bảo vệ tự do. Tự do của tôi là thứ tự do làm bất cứ thứ gì mà tôi muốn, tôi giàu mà! Tôi mạnh mà! Tôi là bá chủ thiên hạ mà!
 
Những cái chết bởi bom đạn là những cái chết tức tưởi, chết đau đớn. Song lại có những cái chết êm ái, chết dần, chết mòn. Đó là một khi tôi đưa vào cho người dân của anh những thứ độc hại như ma túy, như các sòng bài, ở đó tôi tạo cho anh sự phồn hoa giả tạo, sự phá hủy cả một nền văn hóa, và cuối cùng là một tình trạng nô lệ. Tôi giàu mà! Tôi sẵn sàng mở hầu bao cho anh vay, bao nhiêu cũng có mà!
 
Cũng đừng tưởng, những kẻ đi tước đoạt tự do, tước đoạt mạng sống, tước đoạt tài nguyên của nước khác, mà dân của họ trong cố quốc đã có tự do cho đúng nghĩa, và cũng chẳng có chuyện coi trọng nhân quyền. Toàn bộ tài nguyên của đất nước ấy nằm trong tay một số rất ít người có quyền lực, nhân dân trở thành những kẻ làm thuê suốt đời. Những nước được gọi là giàu có ấy, hàng năm cũng có cả đến nửa triệu người thất nghiệp, bị tước đoạt trở thành kẻ vô gia cư. Tất cả sự bất công ấy được khoác một tấm áo rất đẹp, đó là dân chủ.
 
Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng một nước phụ thuộc, muốn và chỉ muốn làm chủ vận mệnh của mình. Hai con đường mà nhiều nước trên thế giới đang đi – một con đường đi đến sự bắt nạt và chiến tranh, con đường khác là dùng sức mạnh đồng tiền để chi phối.
 
Giả sử Việt Nam trở nên hùng cường thì cả hai con đường ấy không phải là sự lựa chọn của Việt Nam. Việt Nam xây dựng các mối quan hệ bè bạn, giúp nhau khi hoạn nạn, chia sẻ với nhau lúc có ngọt bùi. Chúng ta còn nghèo, chúng ta chia sẻ với các nước cùng hoàn cảnh kinh nghiệm quản lý đất nước, và trong khả năng cho phép ta giúp bạn một điều kiện để bạn phát triển kinh tế như ta đang cho phép nước Lào có được một cái cảng biển ở miền Trung để bạn thuận lợi trong việc xuất khẩu sản phẩm. Đó là “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”./.
 
Hình trong bài: (1) Việt Nam không xuất khẩu cách mạng mà xuất khẩu kinh nghiệm trồng lúa nước; (2) Chỉ một chút bột trắng trong một cái lọ; (3) Treo cổ người đứng đầu một quốc gia.
 
Ngày 12/2/2020
Ph. T. Kh.
Colin Powell
Saddam

Add a Comment

Your email address will not be published.