NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (129)

Cảng cát lái
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (129)
 
Chính phủ Mỹ nói với thế giới rằng, Việt Nam hiện nay không có là nước “đang phát triển” nữa, mà đã là một nước “phát triển”.
Một số người không hiểu thì tưởng người ta khen mình, song cũng có người lại quá bi quan, nói rằng, vừa có tin vui vì cái EVFTA đã được phê duyệt thì lại gặp ngay tin buồn!
 
Theo tôi, chẳng vui cũng chẳng buồn. Bài trước tôi đã có vài đánh giá về việc thực thi EVFTA, bài này tôi xin có mấy suy nghĩ về đánh giá của Bộ Thương mại Mỹ về đã phát triển hay đang phát triển.
 
Theo Tạp chí Công Thương thì năm 2018, Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ 35 tỷ USD, nằm trong số 7 nước trên thế giới có thặng dư thương mại dương với Mỹ. Đứng đầu sổ là Trung quốc, cho nên ông Tổng thống Mỹ đương thời phải phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung quốc trước hết. Nếu giành được thắng lợi thì lần lượt sẽ đến các nước tiếp theo, trong đó Việt Nam. Việc đưa Việt Nam vào danh sách các nước “đã phát triển” là sự chuẩn bị cho một trận chiến.
 
Được người ta coi mình là một anh nhà giàu thì sướng quá rồi còn gì? Nhưng không phải vậy. Tóm gọn một câu, hàng hóa của những nhà giàu sản xuất ra bao giờ cũng có giá thành cao, không thể cạnh tranh trên trường quốc tế, vậy là mức tiêu thụ sẽ sụt giảm, vậy là người Mỹ sẽ không mua nhiều hàng của Việt Nam nữa (vì đã trở nên đặt hơn rồi), vậy là anh không thể xuất siêu sang nước tôi được nữa!
 
Những yếu tố nào sẽ làm cho giá thành sản phẩm của nước giàu sẽ tăng cao?
 
Thứ nhất, nhà nước sẽ không còn có thể trợ giá cho các doanh nghiệp được nữa.
 
Thứ hai, là nước giàu rồi thì Việt Nam phải tuân thủ các điều khoản của Tuyên bố Tokyo và Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Không còn chuyện các ông du di cho chúng tôi thêm ít năm nữa. Các bên đối tác bảo “giờ anh là nhà giàu rồi thì phải gương mẫu, phải tuân thủ thôi”, thế là phải đổ tiền vào mà thay đổi công nghệ. Khoản tiền đầu tư ấy sẽ đội giá thành sản phẩm lên, tính cạnh tranh sẽ giảm đi.
 
Thứ ba, vì anh đã là nhà giàu nên các nguồn tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tiền tệ quốc tế (WB, IMF, ADB…) sẽ không còn nữa. Sau khi kết thúc chiến tranh, mấy tổ chức tài chính quốc tế và một số nước đã viện trợ không hoàn lại cho nước ta, hoặc cho vay với lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài để khôi phục sản xuất một số ngành quan trọng. Đến khi Việt Nam đã có của ăn của để dành, được gọi là một quốc gia phát triển thì mọi sự ưu ái ấy không còn nữa. Tất cả đều là có đi có lại, dựa trên cơ chế thị trường.
 
Chính vì cái lý do thứ ba này mà Trung quốc lâu nay đi đâu cũng cúi đầu xuống, “khiêm tốn” mà nói rằng, chúng tôi vẫn là một quốc gia “đang phát triển”, mặc dù các ông hiện nay là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ!
 
Ngoài cái danh là “quốc gia đang phát triển”, Việt Nam đang vận động các nước công nhận nước ta đã là một nước “có một nền kinh tế thị trường đầy đủ”. Nhưng nghe đâu mới được khoảng sáu chúc nước thừa nhận điều đó. Những nước còn lại đang chờ, đang quan sát, đang tìm hiểu coi về mặt quan hệ ngoại giao giữa ta với họ có đáng để thừa nhận như vậy không?
 
Tại sao việc công nhận điều đó lại quan trọng thế? Chung quy cũng lại vì công cuộc thương mại giữa các nước với nhau. Đã là một nước vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì không còn một chút bao cấp nào. Tất cả mọi thứ đều do thị trường định đoạt – lương công nhân, theo thị trường lao động; giá nguyên vật liệu, theo thị trường; sự can thiệp của nhà nước vào sản xuất và kinh doanh bằng zero (0) vân vân.
 
Đại khái như vậy đó. Bên ta thì cứ vẫn muốn được công nhận là nước nghèo (đang phát triển), bên tây thì bảo không được, Việt Nam phải là một anh nhà giàu. Quan hệ giữa các nhà giàu với nhau là sòng phẳng, là thuận mua vừa bán, một khi “ông mất chân giò thì bà nhất thiết phải thò ra chai rượu”, chẳng ai cho không ai cái gì! Hơi nhẫn tâm một chút, song đó là cơ chế thị trường./.
 
Hình trong bài: (1) Xuất hàng qua cảng; (2) Hà Nội vào thu; (3) Hà Quảng, Cao Bằng.
Ngày 18/2/2020
Ph. T. Kh.
Hà Nội vào thu
Hà Quảng Cao bằng

Add a Comment

Your email address will not be published.