NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (149)

Chống dịch 1
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (149)
 
Từ hôm cái dịch virus Corona xảy ra cho thế giới loài người chúng ta, nếu quan sát, chúng ta thấy có những hiện tượng đối lập nhau như đen và trắng, như ngày và đêm.
 
Trên bình diện quốc gia, Việt Nam ta đưa ra khẩu hiệu: “chống dịch như chống giặc”, bất cứ ở đâu, bất kể là ai – người cùng một nước hay người nước ngoài, cứ nhiễm bệnh hay có khả năng nhiễm bệnh đều được quan tâm, chữa chạy cho đến khỏi thì thôi, bệnh nhân không phải trả một khoản tiền nào cho việc chạy chữa đó.
 
Ngược lại, ở một nước giàu có nọ, các bác sĩ tuyên bố, họ chữa bệnh “có chọn lọc”, tức là tập trung chữa cho người trẻ, những người có khả năng sống lâu. Vì sao lại vậy? Họ bảo vì thiếu thuốc, vì thiếu phương tiện, còn thiếu gì nữa? Có lẽ thiếu một thứ rất cơ bản, đó là chính quyền không phải là “của dân, do dân và vì dân”! Chứ làm sao mà họ lại nghèo hơn Việt Nam được?
 
Có lẽ vì thế mà một cô gái Việt có quốc tịch Ăng-lê biết mình mắc bệnh phải thuê một chuyên cơ để về Việt Nam điều trị. Chứ không thể phớt Ăng-lê được. Tính mạng mình thì mình phải lo. Kể cũng phải! Cô lại về nơi một ông người Mỹ nói tiếng Việt mới được điều trị khỏi cách đây ít ngày, cùng một bệnh, cũng đã trở về Mỹ mang theo hình ảnh rất đẹp về y bác sĩ và lòng nhân ái của người Việt.
 
Với cái tầm nhìn của tôi khi ngồi ở đáy giếng thì cũng chỉ bình luận chuyện đại sự quốc gia như vậy đã là quá lắm rồi. Bây giờ tôi nói đến phương diện cá nhân.
 
Qua quan sát, có một điều lạ là, những “thành phần cơ bản” như học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, một khi chính quyền (cụ thể là cơ quan y tế) yêu cầu là họ răm rắp ôm đồ dùng cá nhân vào những nơi cách ly để giữ cho mình và giữ cho cộng đồng. Họ đi đến nơi cách ly một cách tự giác và vui vẻ.
 
Du học sinh Đào Thị Liên được nhà nước đón từ Vũ Hán về đưa vào nơi cách ly, nơi đó cháu đã được các y bác sĩ, các chú bộ đội đối xử như những người thân yêu. Sau 14 ngày cách ly cùng với 240 người, trước khi ra về cháu đã viết:
“Ra đi cánh gió phương trời lạ
Vẫn nhớ non sông một mái nhà
Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta!”
 
Ở chiều ngược lại, vâng – ngay từ đầu bài tôi đã nói trên bình diện quốc gia cũng như các cá nhân đều thể hiện hai mặt tương phản như trắng và đen, như ngày và đêm. Về phương diện cá nhân, chúng ta có hàng trăm hàng ngàn tấm gương sáng trong việc chống dịch kỳ này. Gương sáng thế nào thì các phương tiện thông tin đại chúng đã nói với mọi người.
 
Song lại có những cá nhân làm vẩn đục cả tinh thần vì cộng đồng, làm vẩn đục cả lòng nhân ái mà mọi người giành cho họ. Tôi nghiệm ra những người trốn tránh khỏi nơi cách ly, những người khai gian dối về những nơi có dịch mà mình đã đi qua, đều là những người có địa vị trong xã hội, những người giàu có. Nếu họ biết nghĩ đến cộng đồng, nếu họ có lòng tự trọng thì đã không xảy ra tình trạng họ làm lây lan cho người thân, cho cấp dưới của mình. Họ đã gieo họa cho cộng đồng, cho người thân, bạn bè; họ đã góp phần làm hao tổn ngân quỹ quốc gia. Họ phải bị lên án.
 
Tất cả những hành động vô ý thức đó là gì? Là chủ nghĩa cá nhân mà thế giới phương tây đang cổ súy. Họ chỉ nghĩ đến mình thôi. Không chỉ trốn chui trốn lủi để chính quyền phải truy tầm như truy tầm tội phạm, mới đưa họ đi chữa trị được. Họ nghĩ mình ở tầng lớp thượng lưu thì họ muốn làm gì là quyền của ho.
 
Xin thưa, tư cách của những người này, mức độ liêm sỉ của những người này không thể sánh với những người công nhân, nông dân ít học và với các cháu học sinh còn ít tuổi đời./.
 
Hình trong bài: Nơi cách ly và ra về sau khi cách ly
Ngày 17/3/2020
Ph. T. Kh.
chống dịch 2

Add a Comment

Your email address will not be published.