NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (150)

Hoi lo
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (150)
 
Nói về tình trạng xã hội ở mỗi nước, đôi khi giống nhau về hiện tượng nhưng cách nhìn nhận vấn đề và giải quyết vấn đề có sự khác nhau.
 
Nói về trình trạng tham nhũng và hối lộ. Tôi có thể khẳng định nước nào cũng có tình trạng này, dù là nước giàu hay nghèo, phát triển hay lạc hậu đều có. Quan trọng là chính quyền nước đó nhìn nhận vấn nạn này như thế nào mà thôi.
Tôi sẽ có mấy bài nói về miền nam Việt Nam dưới chế độ VNCH từ “nền đệ nhất” đến “nền đệ nhất rưỡi” rồi đến “nền đệ nhị cộng hòa”, nạn tham nhũng và buôn lậu có thể nói đứng đầu thiên hạ. Vì thế bài này tôi chưa đề cập đến.
 
Ở vài nước phát triển tư bản chủ nghĩa mà tôi biết, nhiều hành động hối lộ và tham nhũng đã được luật hóa, tức là một khi hành động đó xảy ra thì đó là hợp pháp. Ví dụ như công việc của những công ty vận động hành lang, mà tiếng Mỹ gọi là “lobby”. Một nhóm có quyền lợi chung về một lĩnh vực nào đó, cần đưa ra một đạo luật để làm lợi cho mình, thì phải thuê người “vận động hành lang”, để khi luật đó được trình ra Quốc hội, bảo đảm sẽ được thông qua.
 
Hiện nước Mỹ đang trong giai đoạn vận động tranh cử quyết liệt chức Tổng thống thứ 46, và sẽ phân thắng bại sau ngày 3/11/2020. Một cuộc chạy đua ráo riết đang diễn ra trên chính trường nước Mỹ, giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
 
Đảng Cộng hòa thì tập trung cho đương kim Tổng thống là ông Donald Trump. Còn đảng Dân chủ thì bắt đầu là cuộc giữa đua 5 con ngựa; con ngựa có sức mạnh kinh tế mạnh nhất là tỷ phú Bloomberg, dự kiến bỏ ra gần 600 triệu USD cho cuộc đua này, song nhận thấy triển vọng trúng cử rất thấp nên đã rút lui, hiện còn lại là cuộc đua tam mã hay song mã gì đó, đứng đầu là ông Sanders tiếp theo là ông Biden. Tiền từ những người ủng hộ cứ chảy vào túi các ứng cử viên, chí ít thì cũng cả trăm triệu USD, rồi từ túi các ứng cử viên lại chảy ra các điểm tranh cử và đi đâu nữa thì người dân không biết được.
 
Khó mà có người dân bình thường nào kiếm được đủ tiền để được bầu vào các chức nghị sĩ, tổng thống hoặc thống đốc bang. Phải là các nhà tài phiệt. Họ bỏ tiền ra mua danh và để rồi sau đó là một quá trình kiếm lợi, nên danh và lợi luôn đi liền với nhau.
 
Một khi đã trúng cử rồi thì lo mà trả ơn cho những người đã giúp sức (cả giúp tiền nữa). Sau khi đã ngồi vững ở vị trí của mình rồi thì đưa những người đã giúp mình vào những vị trí tương xứng, và ngược lại những người này cũng đừng quên, rằng chúng ta đang cùng hội cùng thuyền. Trở cờ như ông đại sứ ở EU, góp được khoảng 10 triệu USD mà đã muốn làm phản, vậy là mất chức. Tiền đã mất giờ thì mang thêm tật rồi.
 
Bản chất của việc này là gì nếu không không phải là “mua quan bán chức”. Không đâu, người dân Mỹ bảo đó là dân chủ và quan trọng nhất là “làm theo luật định”. Song thử hỏi, luật ở đâu ra? Luật từ những nhà tài phiệt để trở lại phục vụ cho lợi ích của các nhà tài phiệt là chính.
 
Các công ty hay những người làm cái công việc “vận động hành lang” (lobby) thì không bao giờ hết việc.
 
Ở Việt Nam có tham nhũng, có hối lộ không? Có ối! Đảng viên cộng sản chẳng phải là những ông thánh (mà ai bao thần thánh bây giờ ăn hối lộ đó, nếu không thì cúng lễ làm gì?). Cao như ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng, rồi bí thư, chủ tịch một thành một tỉnh, rồi bộ, thứ trưởng của bộ này bộ nọ, đó là kể những ngưới có quyền cao chức trọng, cấp thấp nữa thì cũng không kể hết.
 
Quan trọng là coi thái độ của cơ quan lãnh đạo cao nhất của nhà nước như thế nào? Họ dung dưỡng hay coi đây là vấn nạn, nếu coi là vấn nạn thì phải chống. Chống từ trên xuống dưới, như dân ta đã thấy, họ tuyên bố “lò đã cháy, củi to củi nhỏ đều phải đưa vào lò; củi khô củi tươi gì cũng phải đốt!”; “không có ngoại lệ và không có vùng vấm”. Và họ đã làm thật, chứ không phải họ chỉ nói mà không làm, họ nói thế nào làm thế vậy.
 
Cho nên, kết luận lại là trước bất cứ vấn nạn nào của xã hội, hãy xem thái độ và cách xử lý của nhà cầm quyền. Thái độ và cách xử lý đó là vì ai? Vì đại đa số nhân dân hay vì một nhóm người?./.
 
Ngày 18/3/2020
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.