NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (156)

Loan
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (156)
 
Nhiều người từng sống dưới các triều đại “Việt Nam cộng hòa” đã hoặc không biết, hoặc vô tình, hoặc cố tình quên đi nạn buôn lậu, tham nhũng tràn lan từ cấp cao cho đến cấp thấp trong bộ máy chính quyền, từ sĩ quan đến lính. Ngày nay họ cứ ra rả chê bai nhà cầm quyền hiện nay nào là độc tài, tham nhũng.
 
Trong bài trước tôi đã nói rồi, tham nhũng hối lộ là một vấn nạn trên khắp thế giới, từ anh nhà giàu đến anh nhà nghèo, từ anh văn minh đến anh lạc hậu. Song quan trọng là thái độ của nhà cầm quyền đối với vấn nạn đó thế nào và họ có rốt ráo xử lý hay không? Điều này thì bất cứ ai có quan tâm đến tình hình thời sự thì đều biết về câu chuyện “đốt lò” của Việt Nam, có thể nói chẳng có nước nào làm được như vậy.
 
Đầu tiên, tôi kể tội cái “Đệ nhất cộng hòa”. Công nhận ông Ngô Đình Diệm về chuyện tham nhũng buôn lậu thì không có tai tiếng gì, nhưng các em của ông như Ngô Đình Nhu và vợ, Ngô Đình Cẩn thì khỏi phải nói. Đó là tôi nói.
Giờ đến lượt người Mỹ nói:
Sau khi nhận bản phúc trình của Roberts về tham nhũng (ở Sài gòn) gởi cho tiểu ban Thượng viện do nghị sĩ Albert Gruening làm chủ tịch, ông chủ tịch này đã tuyên bố vào tháng Hai, 1968 rằng: “chính quyền Sài gòn quá sức tham nhũng và thối nát nên không thể lãnh đạo đất nước cũng như đòi hỏi lòng trung thành và kính trọng của dân chúng”. Vậy tham nhũng và thối nát thế nào?
 
Thời “Đệ nhất cộng hòa”, tướng Nguyễn Ngọc Loan là đệ tử ruột của Ngô Đình Nhu, tên này không chỉ nổi tiếng về bắn Việt cộng ngay giữa đường phố Sài gòn mà còn nổi tiếng tổ chức các đường dây tham nhũng và buôn lậu.
 
Nguyễn Ngọc Loan đã tổ chức một hệ thống làm tiền, ấn định mỗi cơ quan phải thâu bao nhiêu phần trăm, được giữ lại bao nhiên, còn bao nhiêu phải nộp về cho guồng máy chính trị, do Kỳ tổ chức. Vào năm 1966, dưới trướng Nguyễn Ngọc Loan có tên Mai “đen”, nhiệm vụ của Mai đen là tổ chức hệ thống buôn lậu á phiện, vàng gữa Lào và Sài gòn. Tướng Vĩnh Lộc, tư lệnh vùng II, có nhiệm vụ gom số á phiện và vàng, mỗi tấn thuộc phiện, Vĩnh Lộc được trả công 5.000 Mỹ kim (lời tự thú của Lộc). Khi á phiện được mua xong, dùng máy bay thả xuống vùng cao nguyên trung phần, có lần người dân lượm được á phiện và giao cho lính Mỹ, như hồi tháng 8/1966.
 
Trong bản phúc trình tháng 11/1967, cố vấn về thuế quan Hoa kỳ – George Robert đã mô tả: “Tham nhũng ở Việt Nam là gì? Theo tôi chính là các giới chức lãnh đạo dung dưỡng và tham gia vào buôn lậu, không những chỉ với những hàng hóa đánh thuế được mà còn làm lũng đoạn nền kinh tế quốc gia bằng cách buôn lậu vàng và tệ hại hơn nữa là á phiện và các loại ma túy khác…”
 
Năm 1960, Nguyễn Cao Kỳ còn là một sĩ quan cấp úy, lái máy bay vận tải DC-3, DC-4, chuyên chở thuốc phiện mua của đám Vàng Pao ở Lào. Thời Diệm đã phải mua bán thuốc phiện để làm “kinh tài” cho các hoạt động tình báo, gián điệp chống phá cách mạng. Thực ra Kỳ không chỉ dính líu vào việc buôn lậu mà còn tham gia trực tiếp vào các phi vụ do CIA tổ chức như ném bom và thả biệt kích xuống miền bắc.
 
Trên cương vị Thủ tướng sau này, Kỳ cũng tỏ ra ta là một người chống tham nhũng và buôn lậu! Đã có lần, một hãng sãn xuất xe hơi của Nhật đến nhà Kỳ và tỏ ý: “Nếu tôi (tức Kỳ) cho phép thành lập lắp ráp xe hơi thì công ty Nhật này sẽ biếu cho tôi một triệu USD tiền mặt và 300 chiếc xe hơi để tôi tặng bạn bè” (Kỳ không nói kết quả phi vụ đó thế nào).
 
Sau khi miền nam được giải phóng (1975), chính quyền mới tiến hành cải tạo tư sản công thương nghiệp, sai đúng thế nào thì phải có nghiên cứu và tổng kết. Song có một thực trạng mà chính quyền mới không làm không được. Vì nền kinh tế chủ chốt miền nam thời đó nằm trong sự chi phối của Hoa kiều.
 
Về gạo. Là một sản phẩm rất quan trọng song nó lại nằm trong tay người Hoa ở Chợ Lớn (người Hoa ở Chợ Lớn là người Minh Hương, còn lại là người Hoa từ thời nhà Minh, bị nhà Thanh đàn áp phải chạy sang Việt Nam lánh nạn). Có thời gian, muốn giữ giá gạo cao, họ đã mang gạo đổ xuống sông để tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo. Có tài liệu nói, người Hoa nắm gần như 100% hoạt động xuất nhập khẩu, 80% thị trường vàng bạc đá quý, và cũng từng ấy thị phần đối với may mặc và thực phẩm.
 
Người Hoa một khi đã có quốc tịch Việt Nam, thanh niên đều bị bắt đi quân dịch. Để thoát quân dịch, họ phải hối lộ. Mà ngay những gia đình người Việt giàu có, muốn khỏi phải ra trận cũng phải hối lộ. Trong họ nhà tôi, có một chú em cũng trốn quân dịch kiểu đó, mỗi năm lên một cấp, đến tháng Tư, 1975 cậu ấy đã là đại úy, mà là đại úy an ninh quân đội nên đi tù cải tạo mút mùa luôn. Thực ra cậu ấy chưa đi lính ngày nào, song tiền lương của cậu càng cao thì đám sĩ quan cấp trên của cậu càng lợi.
Trở lại vấn đề trốn quân dịch, những ai không muốn đi lính thì xin đến gặp các bà vợ sĩ quan, mỗi lần phải lót tay một trăm ngàn đồng, đã trở thành giai thoại. Các bà vợ sĩ quan đi đánh xì-phé, không nói tố bao nhiêu tiền mà nói: “Tôi tố thêm một tân binh quân dịch”.
 
Do các hoạt động kinh tế chủ yếu điều hành bởi Hoa kiều, vì vậy chức cảnh sát trưởng tại quận 5 có giá 15 triệu bạc (giá vàng năm 1968 là 10.000 đ/lượng), như vậy muốn làm Trưởng ty cảnh sát Chợ Lớn phải hối lộ cho cấp trên từ 1.500 lượng vàng. Còn thu hồi số vốn đã chi ra thế nào thì do mỗi người tự tưởng tượng. Tên Loan lúc này đã mất chức rồi nên đại tá Trần Văn Hai lên thay làm Tổng giám đốc nha Cảnh sát Sài gòn, nên vợ đại tá Hai là người rất có quyền thế.
 
Có lẽ bài viết đã dài quá rồi, muốn kể tội tham nhũng và buôn lậu của các “Đệ” – đệ nhất (1954-1963), đệ nhất rưỡi (1963-1966), đệ nhị cộng hòa (1966 -1975) thì chỉ làm phiền bạn đọc. Tôi chỉ nói với các bạn rằng, muốn coi cái chính quyền đó có đáng tin cậy hay không thì hãy nhìn vào cách họ đánh giá và xử lý vấn nạn này như thế nào. Bao che, dung dưỡng hay chống lại? Nhiều người chỉ nói hiện tượng mà không nói bản chất của vấn đề, vậy thôi.
 
Ghi chú: Ai muốn biết rõ hơn về tình hình miền nam dưới thời Mỹ cai trị, xin hãy tìm đọc hai cuốn sách của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, người đã có thời là bộ trưởng trong nội các của Thiệu. Đó là (1) “Khi đồng minh nhảy vào” và (2) “Khi đồng minh tháo chạy”./.
 
Hình trong bài: Tên đồ tể Ng. Ngọc Loan
Ngày 26/3/2020
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.