NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (160)

Cách ly
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (160)
 
Tại sao họ lại phải tranh giành nhau những cuộn giấy vệ sinh? Tại vì họ sợ đến lượt mình thì cửa hàng sẽ hết hàng. Mở đầu bài viết là cuộc giấy vệ sinh, song tôi không muốn “luận” về bản thân cuộn giấy đó. Tôi muốn qua đó để nói về bản chất của một hiện tượng.
 
Tại sao ở một số nước giàu có dân chúng lại hoảng loạn như vậy? Để tranh giành mấy packs giấy mà họ đánh nhau, chửi nhau, vật lộn với nhau ngay trong cửa hàng, trước mặt bàn dân thiên hạ, trước ống kính của mấy tay thích tin giật gân để đưa lên mạng xã hội, vậy là cả thế giới biết. Buồn nhỉ?
 
Tại vì ngày này qua ngày khác, cái thứ văn hóa đề cao chủ nghĩa cá nhân cứ gặm nhấm vào tâm can của con người, nó như những trận mưa phùn, tuy không ồn ào, không sấm chớp, song nó cứ thấm dần vào đất, nó làm cho đất nhão ra lúc nào không biết. Cái thứ chủ nghĩa cá nhân cũng vậy, nó thấm dần vào từng con người trong cách đối xử với nhau trong cuộc sống, để rồi một khi con người ta cần phải tranh giành, cần phải quên đi chuyện tình nghĩa, thì nó bùng phát ra.
 
Cái văn hóa phương đông, mà đôi khi những người phương tây thấy khó hiểu, thấy vô lý nhưng nó là bản sắc của một dân tộc. Có một cuốn sách với tên “Hành trình về phương đông”, nếu ai đã đọc, thì sẽ hiểu tại sao các nước phương đông giàu có như Nhật bản, có số có má như Hàn quốc, mới nổi như Trung quốc và đang phát triển như Lào, như Việt Nam, chuyện nhường cơm sẻ áo là chuyện bình thường và ai có điều kiện cũng nên làm.
 
Người Nhật, khi sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011, sự tàn phá của sóng thần và động đất đã gây ra bao tai họa cho người và tài sản, song người dân Nhật vẫn bình tĩnh đứng xếp hàng để nhận lương thực. Có một cậu bé được người lớn nhường khẩu phần của minh, song cậu không nhận, mà vẫn kiên trì đứng xếp hàng. Tai họa lớn như thế mà không gây ra hoảng loạn.
 
Người dân Hàn quốc, khi dịch Covid 19 xảy ra, người dân tôn trọng và làm theo những gí mà chính quyền yêu cầu. Nhờ vậy mà từ một nước có dịch chỉ đứng thứ hai sau Trung quốc, thì nay họ đã khống chế rất tốt, kết quả mà họ đạt được đã bỏ xa các nước Âu – Mỹ.
 
Việt Nam ta vẫn còn là một nước nghèo, song qua ba tháng phòng chống dịch, kết quả chúng ta đạt được làm cho các nước văn minh, giàu có không thể coi thường. Chúng ta không hoảng loạn, đại đa số dân chúng không chạy đôn chạy đáo để tích trữ vật phẩm, các cơ quan có trách nhiệm hàng ngày vẫn áp dụng những biện pháp để chống dịch. Nhờ vậy mà cho đến ngày hôm nay, 31/3/2020 số người bị nhiễm mới là 204 người và chưa có một ca tử vong nào.
 
Thành tựu của Việt Nam có phải là do nhờ chính quyền “độc tài” mà có được không? Có người cho là như vậy. Nổi bật lên trên hết, vì chúng ta là những dân tộc phương đông. Những dân tộc mà luôn lấy gia đình làm gốc, luôn đề cao giá trị văn hóa, luôn truyền dạy cho hết thế hệ này đến thế hệ khác, phải giữ gìn và phát huy những truyền tốt đẹp của dân tộc.
 
Người Việt Nam có truyền thống nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách, câu chuyện ở xã Quảng Khê, huyện Dak Glong, dù chưa thật sung túc, song đã có 247 hộ làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bà Bùi Thị Xuân, một hộ nghèo của xã đã nói: “Dù vẫn khó khăn nhưng kinh tế vẫn hơn nhiều gia đình khác, nên tôi đã viết đơn xin thoát nghèo, nhường suất này cho hộ khác còn khổ hơn mình”.
 
Cụ Lê Thị Chi, mẹ VN anh hùng hiện ở Đà Nẵng, đã 91 tuổi, đến UBND phường để tặng số tiền ít ỏi, song tấm lòng của mẹ mới đáng quý làm sao! Mẹ nói: “mẹ không có chi nhiều, chỉ có từng này ủng hộ nhà nước chống dịch!”. Rồi lại có một em bé, dốc hết tiền để dành được trên 100 ngàn cũng đem đến ủng hộ cho việc chống dịch. Qúy hóa thay, cảm động thay và cũng tự hào thay
!
Đó chẳng phải là một minh chứng của tính cộng đồng, tình làng nghĩa xóm đó sao? Sự ủng hộ bằng tiền, bằng vật chất của từng cá nhân, từng doanh nghiệp đều là sự tự nguyện. Chẳng nhà nước nào cưỡng bức phải đóng góp, vì vậy những ai chưa hoặc không đóng góp thì hãy im lặng để đất nước này được yên bình.
 
Ai cũng phải nghĩ đến cá nhân mình, gia đình mình; người đứng đầu doanh nghiệp nào cũng phải nghĩ đến lợi nhuận của họ, lo cho cuộc sống của hàng trăm hàng ngàn người lao động trong doanh nghiệp, song họ cũng không quên cộng đồng, trách nhiệm đối với cộng đồng. Đó mới là Việt Nam!
 
Tôi chỉ đưa ra một dẫn chứng về sự khác nhau giữa văn hóa phương đông với phương tây, giữa đề cao chủ nghĩa cá nhân với tính cộng đồng. Chuyện đúng sai thế nào là tùy vào cách suy nghĩ của mỗi người./.
 
Hình trong bài: Tại khu vực cách ly phố Trúc Bạch Hà Nội
Ngày 1/4/2020
Ph. T. Kh.
Cách ly

Add a Comment

Your email address will not be published.