Paphiopedilum stonei

P. stonei

Phân giống (Sub-genus) Polyantha (Tiếp theo)

95) Paphiopedilum stonei (Hooker) Stein

Tên cũ

Cypripedium stonei (Hooker)

Cùng loài

Cordula stonei (Hooker) Rolfe

Dẫn nhập

Hugh Low đã sưu tầm được những cây đầu tiên của loài này và mua chúng để đem về Anh quốc, đinh ninh rằng đây là cây mẫu của loài Paphiopedilum lowii. Những cây này do John Day đã mua chúng từ một người làm vườn, năm sau  Robert Stone đã làm cho chúng ra hoa. Tiếp theo câu hỏi của Low, William Jackson Hooker đã mô tả đây là loài Cypripedium stonei. Hokker đã ghi lại, “Xưa nay tôi chưa từng biết đến cây này, ngay cả khi tôi nhận được từ Cựu Thế giới (Old World); song đã có đầy đủ lý do chứng minh rằng có một giống được sưu tầm bởi Ruiz và Pavón, ở Peru, đó là C. caudatum của Dr. Lindley” (Tất nhiên loài “C. caudatum” của Lindley, ngày nay được biết đến là cây Phragmipedium caudatum và cây này chẳng có gì giống với cây Paph. stonei.).

Paph. stonei là một trong những loài rất đáng mong ước trong số các loài cùng một giống, và cho mãi đến cuối những năm 1980 mới có một số lượng lớn cây này được đưa về châu Âu. Đồng thời, loài này trở nên hiếm thấy trong các vườn trồng.

Việc sưu tập các cây này nơi hoang dã là rất khó khăn để có thể thiết lập cũng như chăm sóc chúng trong một nhà kính phù hợp. Dù sao, những cây đã phát triển tốt cũng không khó trồng và cũng dễ ra hoa. Paph. stonei khó mà có thể lẫn với các loài khác. Chúng có những đặc tính riêng như màu sắc của hoa không đồng nhất, và một số cây có những bất thường thì người ta cho đó là các cây bị biến đổi gen.

Nguồn gốc tên gọi

Đặt tên Paphiopedilum stonei là để vinh danh “Mr. Stone, một người làm vườn của Mr. Day”, Hooker đã nói vậy vào năm 1862.

Mô tả

Paphiopedilum stonei có nguồn gốc thảo mộc, có chiều cao tổng quát khoảng 60 cm. Lá có hình đai rất dầy “thịt”, một màu xanh tuyền, dài 30 đến 70 cm, rộng đến 4,5 cm. Vòi hoa màu đỏ tía pha xanh, có lông mềm, cao tới 70 cm, mang trên đó từ ba đến năm hoa. Lá bắc của hoa hình mũi mác, đầu nhọn, dài 3,5 đến 5,5 cm và rộng chừng 2 cm, vì thế nó có thể phủ lên hai phần ba bầu nhụy. Chiều ngang của hoa tới 12 cm. Lá đài sau hình ô van đến hình trái tim, màu trắng, và thường có từ hai đến ba sọc kẻ màu đỏ thẫm pha đen, dài từ 4,5 đến 6,5 cm, rộng chừng 4 cm, mặt lưng có đường sống gân. Lá đài kép tương tự như vậy song nhỏ hơn, hình ô-van dạng ê-lip, dài 3,6 đến 5 cm, rộng từ 2 đến 3,5 cm. Các cánh hoa thẳng hình búp măng, dài 12 đến 15 cm, rộng 0,75 cm (nếu là var. platytaenium thì cánh hoa rộng đến 2 cm), cong hình cung, buông thõng, và hơi quăn, trên nó có một ít lông tơ màu đen từ mỗi bên diềm chạy xuống đến chân. Các cánh hoa ánh lên màu vàng với những đốm nâu kéo dài từ chân lên ngọn, song đến ngọn thì màu của nó chuyển hẳn sang màu đỏ bầm pha nâu. Môi hướng lên trên với chiều dài 4 đến 6 cm, rộng chừng 2,5 cm. Màu của môi là hồng mờ, có những vân màu đỏ bầm, mặt dưới pha trắng. Các thùy hẹp và cuộn vào trong lại pha trắng. Miếng nhụy lép hình ô van đến hình bán nguyệt, đầu miếng nhụy lép trông như bị cắt cụt hoặc bị rách, dài chừng 15 mm, rộng khoảng 1 cm, màu trắng pha vàng và phủ đầy lông trông như tóc uốn quăn, ngoại trừ mặt trước.

Phân bố và thói quen sinh trưởng

Paphiopedilum stonei được tìm thấy ở Borneo gần Kuching, Sarawak, trên độ cao 50 đến 500 m. Chúng thường mọc dốc núi vôi hướng về phía đông bắc hoặc trên các vách đá vôi nhô ra biển, dưới bóng râm nhẹ do cây cối che khuất. Các cây này bám vào đá vôi, ở đó chỉ có một ít mùn của lá cây mục phủ lên rễ của nó. Ngoài ra các rễ của nó thường luồn dưới rêu.

Mùa ra hoa

Trong tự nhiên, các cây lan này ra hoa vào cuối mùa xuân và đều mùa hạ. Paphiopedilum stonei trong các vườn trồng sau khi đã được hai đến ba tuổi. Trong nuôi trồng cây lan có thể ra hoa quanh năm.

Các biến loài và biến thể

Nổi tiếng nhất về những cây được mô tả là biến loài của Paph. stonei thì chắc chắn là cây var. platytaenium được công bố bởi Reichenbach fil. vào năm 1867. Tên gọi được hình thành từ tiếng Hy-lạp, ở đó chữ ‘platy’ có nghĩa là rộng và tiếng La-tinh, chữ ‘taenias’ có nghĩa là những cái giải phẳng (flat ribbon), và trên cơ sở những trao đổi trước đây về những cánh hoa của loài này có độ rộng bất thường. Có lẽ đây là loài sinh sản vô tính duy nhất. Cây này do John Day sở hữu, người này đã bán đi năm cây nhỏ của nó, hai cho Weitch (một vào năm 1878 và một vào năm 1881), ba cây còn lại thì đã bán cùng bộ sưu tập của ông ấy vào năm 1881. Về ba cây sau, được Taylor (1975) cho biết có một cây thuộc về Sir Trevor Lawrence, người đã trả giá cao nhất, hai cây còn lại thuộc về Baron Schröder. Người con của Linden (1894) đã dưa ra bản chi tiết về thương vụ này và về số phận của cây Paph. stonei var. platytaenium. Theo anh này cho biết, chỉ có những cây nhỏ được bán ra vào năm 1881, Baron Schröder đã mua với giá 2.650 francs, còn Sir Trevor Lawrence mua với giá 3.675 francs. Theo Linden thì còn một cây nữa xuất phát từ bộ sưu tập của Day được đem bán “sau khi ông Day chết” với giá 3.976 francs, và một cây nữa của biến loài bất thường, “từ bộ sưu tập của ông Lee thuộc Leatherhead” với giá 8.137 francs vào năm 1887. Linden đã kết thúc thương vụ  Paph. stonei var. platyaenium với thông báo rằng cây của Lee phải có giá tới 25.000 francs vào năm 1894. Chẳng ai biết gì về nguồn gốc cây lan của Lee, nhưng người ta có thể đoán rằng đó chính là một cây con từ cây mẫu của Day. Nhằm định ra cái giá của những cây này trong tương lai, mọi người cần được biết rằng vào thời gian bán những cây lan này, thì lương của một người lao động chân tay rất cực khổ với thời gian lao động liên tục 12 đến 14 giờ mỗi ngày, họ chỉ được trả 1 (một) francs.

Cây lan nhỏ mà Sir Trevor Lawrence nhận được đã được giải thưởng Huy chương Bạc trong cuộc triển lãm Temple Show ở London, Anh quốc vào năm 1895, ở đó ông ấy trưng bày “cây có hai chùm hoa, mỗi chùm hoa có hai hoa”. Vào năm 1899, nó đã đẻ ra được năm cây con và một vòi hoa có 5 hoa như bức ảnh đã được in trong tạp chí The Gardeners’ Chronicle. Có cây đã chết trước Chiến tranh thế giới I. Cũng không có nhiều tin tức về tình trạng của các cây khác, song ít nhất thì cây của Baron Schröder vẫn còn sống đến năm 1894. Dù sao, nghe nói nó cũng chết cách đây lâu rồi. Có điều thú vị là John Day đã vẽ một cây làm mẫu, với một cánh hoa bình thường và một cánh giống hoa “platytaenium”.  Bông hoa này thu được ở Kew. Năm 1975 Schaffer & Taylor cho biết rằng cây lan đã tiếp tục cho hoa rất bình thường. H.G. Reichenbach (1867) gợi ý về một khả năng rằng Paph. stonei var. platytaenium có thể là một loài lan lai trong tự nhiên giữa Paph. lowii với Paph. stonei. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn việc định danh cây lan lai được đăng ký dưới tên Cypripedium Mercatelii bởi Linaria vào năm 1904. Mặt khác, vào năm 1975 Fowlie khẳng định rằng Paph. stonei var. platytaenium là đại diện cho một loài lai tạo trong tự nhiên giữa Paph. stonei với Paph. hookerae, nếu điều đó là đúng, thì nên định danh đây là cây lan lai nhân tạo đã được Veitch đăng ký như là Cypripedium Melanthus vào năm 1893. Song dù sao không có cây lan nào được trình bày trong bản vẽ về Paph. stonei var. platytaenium.

Cây lan được Linden mô tả vào năm 1888 là Cypripedium stonei var. album chẳng có gì ngoài ngoài một cây vô tính với màu sắc mờ nhạt. Nó chẳng có ý nghĩa như là một albino mà nên cho một tên của một biến loài.

Loài phụ của Paphioipedilum stoneistictopetalum mà như M.W. Wood mô tả vào năm 1997, thì đó là một loài lan lai nhân tạo có nguồn gốc từ một vườn ươm ở Java. Năm 1987, Cribb cho rắng, cây lan này được lai giữa Paph. stonei với một loài lan Himalaya, đó là Paph. spicerianum, tạo nên một cây tương tự cây được Drewett lai nhân tạo vào năm 1890, với tên là Paphioopedilum Alice.

Trong phạm vi hệ thống pháp lý của Hội Hoa lan Hoa kỳ, có một cây lan đã được giải thưởng có tên là Paphiopedilum stonei var. latifolium “Ruth Kennedy”. Cây lan này không đại diện cho Paph. stonei song cho thấy chúng rất gần với một thực thể tên là Paph. koloparkingii. Vì thế nó được đề nghị rằng, đây là một cây lai giữa Paph. koloparkingii với Paph. stonei, nhưng không thể chứng minh được giả thuyết này bằng cách quan sát các hoa của chúng. Năm 1986, Karasawa tiến hành khảo sát số nhiễm sắc thể của cây lan và cho biết karyotype (dụng cụ để xét nghiệm nhiễm sắc thể) là rất giống với Paph. stonei. Vừa qua, (Gruβ, 2001) đã mô tả cây lan như một loài riêng biệt dưới cái tên Paphiopedilum platyphyllum, như chúng tôi có đề cập đế ở đây.

Vào năm 1985, một cây lan được định danh là Paphiopedilum stonei album Formosa được tìm thấy trong số các cây lan được nuôi trồng ở Đài-loan, số phận của nó đến giờ cũng chưa ai biết. Vừa qua, có một albino của Paphiopedilum stonei đã được công bố có giá trị, đó là Paphiopedilum stonei forma luteo-album do Harold Kooperwitz và Olaf Gruβ đăng trong tạp chí Orchid Digest, 2016. Hoa của cây lan này có màu chủ đạo là trắng, vàng và xanh. Ở phần chân của mỗi cánh hoa, có một chấm màu cam. Koopowitz và Gruβ cũng cho biết rằng câu chuyện “albino nguyên thủy” đã được báo cáo vào năm 2008 (Orchid Digest) có nói “hoa có màu trắng với những kẻ sọc xanh, các cánh hoa màu xanh và túi có màu nền là trắng”, và mặc nhiên coi như sự tồn tại hai “trạng thái màu” trong thể albino của Paph. stonei. Cây lan “Formosa” cũng như cây của Koopowitz và Gruβ vào năm 2008, cho đến nay đều không còn hiện hữu./.

Ngày 20/8/2020

P. stonei var platytaenium

P. stonei var platytaenium

Add a Comment

Your email address will not be published.