TỰ BẠCH

Khoa
TỰ BẠCH
 
Phải nói ngay rằng tôi không đến nỗi đần, nhưng bảo là tôi thông minh thì chưa hẳn, dù có thông minh mà không học hành đến nơi đến chốn thì cái thông minh ấy cũng chỉ hơn người đần một khúc cỡ gang tay thôi.
 
Tôi có nhiều thứ để nói rằng mình thuộc loại người hơi bị kém thông minh, từ việc dạy con cái, đến việc kiếm tiền và cuối cùng là học hành. Thôi, những chuyện khác bỏ qua! Tôi chỉ muốn đăng bản “Tự bạch” này để mọi người biết về trình độ ngoại ngữ của tôi mà thông cảm mỗi khi tôi có nói hay viết gì đó có liên quan đến ngoại ngữ (cái sự học nói chung của tôi đã được nói đến trong nhiều bài trước rồi).
 
Chẳng là khi tôi mới bước chân vào ngành điện, gặp ngay ông thủ trưởng là một kỹ sư ở Pháp về, ông phụ trách phòng kỹ thuật của nhà máy điện do Liên Xô giúp. Có lần ông gọi tôi vào phòng làm việc và bảo: “K, mỗi ngày cậu phải dịch cho tôi một trang tài liệu từ Nga sang Việt!”. Chữ Nga, đến nhận mặt chữ còn khó huống chi nhớ và hiểu. Ấy thế mà loay hoay thế nào, không biết mất bao lâu tôi cũng thực hiện được lệnh của ông ấy. Tôi biết ổng có ý đào tạo tôi thôi, chứ nhà máy có cả chục phiên dịch Nga Việt mà không sai, lại sai tôi! Thú thực đến nay cũng còn nhớ lõm bõm, vì chữ nghĩa mà tự mình đi lượm về thì rồi nó cũng bỏ mình mà đi thôi.
 
Đến tiếng Pháp tôi cũng biết. Vì những năm 1954 trở về trước, trong chương trình từ tiểu học trở lên bao giờ cũng có tiếng Pháp. Năm đệ nhất trung học (1950) tôi học tiếng Pháp thuộc loại khá trong trường. Rồi Pháp đánh chiếm tỉnh tôi, làng tôi trở thành làng “đã quy thuận” (chính phủ ‘quốc gia’) với cái bảng to đùng để ở đầu làng: “Village Rallié”, vậy là thôi không học tiếng của kẻ thù nữa. Đi đánh nhau vậy!
 
Đến những năm 70, tôi đã về thủ đô yêu dấu, ông thủ trưởng mới của tôi, lại là một ông kỹ sư “cách mạng”. Ông lại bảo tôi dịch tài liệu Anh – Việt cho ổng. Vậy là bắt buộc tôi phải học tiếng Anh vào mỗi buổi tối. Nhờ vậy mà khi sang đơn vị mới – có thể nói “xứ mù thằng chột làm vua”. Cả một lô một lốc các ông từ miền bắc vào tiếp quản ngành điện, có mỗi mình tôi biết lõm bõm, thế là được phân công làm công việc hợp tác quốc tế. Trước khi đi nước ngoài, tôi phải nhờ một anh bạn học ở New Zealand về cho mấy bài về chào hỏi, ăn uống, đi lại.
 
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là một tối ở nước ngoài, chủ nhà là Công ty điện lực Ireland (ESB) chiêu đãi giám đốc điện lực VN đi coi biểu diễn nghệ thuật. Các tiết mục múa hát thì thoải mái rồi, chẳng việc gì phải dịch cho thủ trường, đến mục tấu hài mới là cái họa. Nói chuyện thông thường còn chẳng trơn tru thì làm sao mà tôi dịch được tấu hài! Vậy là ngồi im, nghe tấu hài mà cười không nổi, coi như không nghe thấy gì!
 
Hết buổi biểu diễn, tay Don Moore của ESB mua tặng tôi một cái băng casette, ghi các bài dân ca của Ireland. Các bạn có biết hắn viết đề tặng tôi thế nào không? Hắn viết: “Thân tặng người dịch giỏi nhất thế giới!”. Bạn chú ý cái dấu than ‘!’ ở cuối câu nhé. Thà nó chửi mình một tiếng rồi thôi, đằng này mỗi lần mở cái băng đó ra là lại được nghe hắn chửi. Mà cũng đáng bị chửi lắm!
 
Nhưng được cái cứ “cà rịch cà tang” vậy mà từ ngày nghỉ làm (2012) đến nay tôi cũng dịch được trên ngàn trang sách về hoa lan từ Anh sang Việt rồi đấy. Ngày dịch một trang thôi, dịch chậm vì là còn phải tra tự điển!
 
Tôi viết bản “Tự bạch” không phải để khoe các bạn mà tôi muốn nói lên một điều – tôi muốn tri ân hai vị thủ trưởng rất đáng kính, họ vừa là những người giỏi mà lại sống rất thanh liêm. Họ không chỉ cần mình giúp việc cho họ mà họ cũng đã nghĩ ngay đến việc làm thế nào để mình tiến bộ lên. Đó là những vị thủ trưởng mà tôi có may mắn được gặp trên đường đời!
 
Hình trong bài: “Tôi chính tôi ngày xưa đó!”
Ngày 12/9/2020
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.