BẮT ĐẦU GIÀU LÊN RỒI ĐÓ

Biển đông 4
BẮT ĐẦU GIÀU LÊN RỒI ĐÓ
 
Có lẽ tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước đến năm 2020 này không còn một thôn, xã nào được lưu giữ cái giấy chứng nhận là thôn, xã nghèo nữa.
 
Còn nhớ năm 2005, cả tỉnh có 27 xã đặc biệt khó khăn, nói huỵch toẹt ra là xã nghèo khổ, năm năm sau (2010) còn 22 xã và 11 thôn, lúc đó người ta bảo, đây là các xã “nghèo bền vững”, nhưng rồi mười lăm năm sau (2020), đúng vào dịp các cơ sở đảng của tỉnh này tổ chức đại hội, mọi người mới ngỡ ngàng với con số không (0) tròn trĩnh về số thôn xã nghèo, cán đích mục tiêu trước một năm mà đại hội kỳ trước đề ra.
 
Người dân ở những vùng trước đây được xác định là đặc biệt khó khăn, phần lớn là người dân tộc Dao. Ngày đó trong 11 thôn nghèo có gần mười nghìn hộ nghèo thì nay đã có trên 80% “thoát nghèo”, cá biệt có những gia đình ngày nay đã sở hữu tới 12 hec-ta rừng keo và quế, lại có nhà mới khang trang như gia đình anh Chìu Sính Vày. “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai đã mang phần đến cho” (ca dao), chính quyền cung cấp phương tiện (đất đai, phương tiện và vốn), đó là cách “cho cần câu chứ không cho con cá”.
 
Tôi nghe nói, trong văn kiện đại hội 13 của đảng Cộng sản kỳ này, đưa lên một lời hiệu triệu, rằng toàn đảng, toàn dân cần phải có “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Hạnh phúc ở đây nên hiểu là hạnh phúc của nhân dân. Trước đây đã có cách làm để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì qua đại hội này, phát huy hơn nữa cơ chế dân chủ đó, còn thêm “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đó là luật nhân quả, rằng “dân làm thì dân phải được hưởng”, ai không chịu làm rồi còn phá thì đừng đòi được hưởng thụ nhé. Công bằng mà, có làm có hưởng!.
 
Qua đại hội ở một số tỉnh thành vừa rồi, có những nơi đã cụ thể hóa các tiêu chí để xác định thế nào là hạnh phúc của người dân, thí dụ người dân sẽ được hài lòng về cuộc sống, môi trường, chính sách an sinh xã hội, hài lòng với cơ quan công quyền.
 
Như thành phố Đà Nẵng đề ra mục tiêu 5 “không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có ăn xin, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của); Ba “có” (có nhà ở, có việc làm, có văn hóa văn minh đô thị); Bốn “an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội).
 
Những mục tiêu đó là vì dân chứ đâu có phải vì nhà cầm quyền hay vì đảng cầm quyền, cũng chẳng vì một thế lực nào đó?
 
Bộ mặt nông thôn miền núi ở Quảng Ninh cũng đã thay đổi, tất cả các xã nghèo trước đây nay đều có đường ô tô kiên cố đến tận trung tâm xã; tất cả các xã đó đã có trạm y tế; tất cả các hộ của các xã ấy đều được dùng điện; 98% gia đình của xã được dùng nước sạch hợp vệ sinh. Ngân hàng chính sách của nhà nước đã giúp gần năm ngàn hộ được vay vốn với lãi suất thấp để xây dựng cơ sở làm ăn, thoát được cái nghèo, thu hút trên ba chục ngàn lao động có việc làm thường xuyên.
 
Mấy con số đọc lên tuy khô khan song trong đó chưa đựng bao nhiêu cái tình – tình người, tình giữa chính quyền với nhân dân, tình giữa các thể chế xã hội. Tất cả những thành tựu đó đã thể hiện chính quyền ngày nay là chính quyền của dân, do dân và vì dân; đồng thời là thành công của đường lối “không ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Vậy là tốt, vậy là chân chính. Từ những thành tựu ban đầu ấy các vùng nông thôn còn nghèo đã được tạo đà để phát triển, để làm giàu. Suy rộng ra cả nước cũng sẽ như vậy./.
 
Hình trong bài: Đất liền và biển khơi
Ngày 1/10/2020
Ph. T. Kh.
Dầu khí

Add a Comment

Your email address will not be published.