THÂN CÂY LAN

Monopodial Orchid

LAN CHÂU Á (Tiếp theo)

THÂN CÂY LAN

Trên cơ sở cấu trúc thực vật và mô hình sinh trưởng của chúng, lan chia ra loài đơn thân (monopodial) và đa thân (sympodial). Cây lan đơn thân chỉ có một thân, lá của chúng phát triển từ trên ngọn và rễ ở phía dưới. Lan đa thân (cùng chung gốc) mọc thành cụm, các chồi của chúng được liên kết với nhau ở phần gốc. Lan Cattleya làm ta nhớ đến cây gừng, là loài có thân rễ (củ), chúng có những thân thẳng đứng trên đó có lá và hoa. Cattleya là loài lan đa thân. Cấu trúc cơ bản từng đơn vị của nó là giả hành (củ giả), đó là một thân su sì, dạng thuôn, chức năng chính của nó là chứa chất dinh dưỡng và nước cho cây. Có sự khác nhau với những củ thực (như củ lily, hành), ở đó có các lá nhiều thịt và giống cái que. Loài Cattleya cũ chỉ có một lá trên mỗi giả hành và bên trong như sáp, thân dầy để vận chuyển nước cho cây, cho phép cây lan có thể sống như một loài phụ sinh. Các cây lan có hoa nhỏ hơn, thường có hai lá trên mỗi giả hành, được gọi là Cattleya lá kép. Trong những giả hành còn non và khỏe, chúng ta có thể thấy vỏ bao của hoa (lưỡi mèo) trồi lên trên giả hành ở ngay cuống của lá. Lưỡi mèo là một cái bao mỏng, màu xanh xỉn, nó che chở và bảo vệ cho nụ hoa qua quá trình phát triển. Một khi cây lan đã sẵn sáng ra hoa thì nụ hoa phồng to lên làm nứt lưỡi mèo trong thời gian 21 ngày. Vỏ bọc của những giả hành già trở nên mỏng như giấy.

Một khi giả hành đã hoàn thành việc ra hoa, một chồi non ở gốc giả hành sẽ xuất hiện làm phồng lên và chui qua lớp vỏ mỏng. Chồi non mọc thẳng lên chừng 2 đến 3 cm trước khi trở thành một chồi mới. Bắt đầu từ chân của chồi mới hình thành các rễ mới, những rễ đó bám chặt vào giá đỡ nó. Những giả hành già thì không bao giờ ra rễ mới. Ở gốc của các giả hành có những mắt ngủ một thời gian. Mỗi giả hành bao giờ cũng có hai mắt ngủ và một trong hai mắt ấy sẽ phát triển thân rễ  sau khi đã có hoa. Ngoài ra, trong trường cây lan khỏe mạnh có khi cả hai mắt đều phát triển cùng một lúc. Những mắt ngủ của giả hành có thể được kích thích để phát triển khi có sự đứt gẫy sự liên tục của thân rễ. Nếu như mỗi giả hành được tách ra từ giả hành khác trên cùng một thân rễ, thì mỗi giả hành lại sản sinh ra những hướng mới, nhưng giả hành mới sẽ suy và vì vậy mà người trồng lan bao giờ cũng tách thành từng ba giả hành một, đó là khi người trồng muốn tách ra thêm các chậu Cattleya mới. Các giả hành cũ có thể tiếp tục sống trong nhiều năm và những mắt của các giả hành sau có thể vẫn tiếp tục được kích thích để sinh sản cây mới sau này.

Các giả hành có những hình dạng khác nhau. Chúng là những thân như cây gậy cao tới 1,5 cm của loài Dendrobium sừng, loại thì đung đưa như cái roi uốn cong của loài Dendrobium nobile, có loài tròn và mập trong loài địa lan như EpidendrumSpathoglottis, loài thì có thân dẹt, giả hành nhăn nheo như Oncidium. Các giả hành đều có khả năng làm cho cây lan tồn tại ngay cả khi khô hạn. Những loài lan có giả hành trong phòng thí nghiệm vẫn sống mặc dù không tưới nước suốt 8 năm. Đặc tính này cho phép các loài lan biểu sinh phát triển trên giá thể ở trên cao ở nơi hoang dã, và các loài địa lan ở vùng đất có bụi rậm như thuở ban đầu. Đối với một số giống lan, các giả hành lại ẩn dưới mặt đất. Những giống như vậy vẫn có thể tồn tại trong khi rừng bị cháy, chúng lại tiếp tục ra hoa sau khi sự kiện cháy đó xảy ra.

Lan Hài Thần Vệ nữ – Venus Slipper Orchids (Paphiopedilum) mọc trên nơi có lá mục, nhiều bóng râm trong rừng hoặc trong đầm lầy (Cypripedium) và thường xuyên có độ ẩm, giả hành của chúng không phát triển. Đây là loài lan đa thân, những chồi non của chúng hính thành từ gốc của cây đã trưởng thành. Thân của chúng ngắn, lá xếp thành hai hàng sát nhau. Từ gốc của chúng, các rễ mọc tỏa ra chung quanh.

Các loài lan đơn thân không có giả hành và xuất hiện như những cây đơn thân riêng lẻ. Chúng được tìm thấy ở những vùng nhiệt đới và á nhiệt đới của châu Á, châu Phi và Australia, ở đó chúng phát triển như những loài biểu sinh. Một thí dụ rõ nhất về loài lan đơn thân là Vanda có lá hình đai da rất nổi bật. Chỉ có một thân cứng, trên nó, lá nhiều thịt như da, xếp thành hai hàng ngang đối xứng. Rễ của chúng mọc ra từ chân lá tiếp giáp với thân, lúc đầu chúng cũng vuông góc với thân, song do quá trình phát triển, sức nặng đã kéo chúng uốn cong xuống phía dưới. Một khi chúng đã tiếp xúc với vật rắn thì chúng bám vào bề mặt của vật đó và các lông trên rễ giúp chúng bám chặt vào đó. Nguồn nước có tác dụng ảnh hưởng đến hướng phát triển của rễ.

Một khi cây đã phát triển đến độ cao và thân không còn mập nữa, thân cây phải chịu đựng sức nặng của bản thân nó mà phải uốn cong xuống, có khi còn bị gió làm gẫy. Bên dưới mỗi đoạn thân bị đứt gẫy sẽ xuất hiện một chồi mới ngay chân lá, các chồi mới đó sẽ phát triển các lá và rễ mới. Những chồi non này người ta gọi là keiki theo những người dân ở Hawaii và một phần ở châu Mỹ, còn những người sống ở Malaysia và Indonesia thì gọi là anaks. Thường thường anaks phát triển thành cụm ở gốc của cây già, đặc biệt là những cây không còn lá ở gốc.

Vanda lá hình đai da là loài phát triển chậm nhưng nhiều loài lan Vanda có lá dạng ống (như Vanda Miss Joaquim), lan bọ cạp và loài Renanthera hoa đỏ rất đẹp thì chúng lại phát triển rất nhanh. Chúng đòi hỏi phần ngọn của cây được đón nắng mặt trời để phát hoa và chúng sẽ bò lan trên cây để mong nhận được ánh sang mặt trời.

Một loài thượng thặng nữa mà chúng ta có là Phalaenopsis (hồ điệp), chúng có thân ngắn và bị che khuất hoàn toàn bằng gốc của những chiếc lá lớn. Dù thân dài hay ngắn, thân của những loài lan đơn thân chúng vẫn tích lũy đủ chất dinh dưỡng để bảo đảm cho các cây già, không lá, thậm chí là không có rễ vẫn cho ra những chồi non, với điều kiện ở chỗ đó không bị thối rữa.

Simpodial Orchid

Lan đa thân

Add a Comment

Your email address will not be published.