SỐNG Ở LÀNG, CHẾT Ở LÀNG

Cây gạo và miếu thờ
SỐNG Ở LÀNG, CHẾT Ở LÀNG (Phần 1)
 
Trước cuộc Cách mạng tháng Tám, chín mươi phần trăm dân Việt Nam ta sống trong các làng xã. Làng được bao cọc bởi lũy tre ken dày, để chống đám cướp từ làng khác, thậm chí từ tỉnh khác tới, hai đầu làng có hai cái cổng, cũng làm bằng các cây tre đực chắc chắn. Mặt trời khuất dần sau dẫy núi phía tây là những người nông dân rửa vội nông cụ và chân tay trong con mương cạnh đường cái, lục tục về làng. Đám trẻ chăn trâu cũng về kịp trước khi cổng làng khép lại.
 
Mọi sinh hoạt chỉ diễn ra trong khuôn viên của lũy tre bao bọc. Nhà ai có chút nghề thủ công như làm bánh, nấu rượu lậu thì cũng làm về đêm để kịp phiên chợ sáng hôm sau. Đó là những khoản thu nhập ít ỏi ngoài lúa, ngô, khoai, đậu. Chẳng ai có nhiều tiền nên cũng chẳng ai biết có cái ngân hàng, nó ở đâu, để làm gì.
 
Sinh ra ở làng, lớn lên ở làng và rồi cũng chết ở làng. Nếu như bây giờ người ta có nhiều dịch vụ phục vụ cho đời sống dân sinh, thì thời xưa chỉ có mỗi dịch vụ tang lễ. Gia đình nào có người già (thời đó 60 tuổi đã thuộc loại lão làng rồi), thì mua về một cỗ quan tài, để ở góc nhà, gọi là cỗ “hậu sự”. Cái quan tài ấy dành cho ai thì đã rõ, vì vậy việc lau chùi hàng ngày thuộc về “trách nhiệm” của “người thụ hưởng” sau này.
 
Việc cưới xin đã có người mai mối, coi ngày nào là ngày lành, tháng nào là tháng tốt thì làm cái lễ đến “chạm ngõ”, tức là lễ ăn hỏi. Nhà nào giàu thì số mâm quả có năm có mười, nhà nghèo thì một, hai. Phần lớn chẳng mấy người lấy vợ lấy chồng xa, chỉ là trong làng với nhau hoặc là làng bên. Gần nhau quá mà nên hoàn cảnh nhà ai thế nào, đều rõ cả. Câu ca xưa:
 
“Có con mà gà chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho.
“Có con mà gả chồng xa, trước là mất giỗ sau là mất con”
Nhà ai có việc hiếu, hỉ (gọi chung là có đám) thì họ hàng, xóm giềng mỗi người đến giúp một tay. Nhà góp con gà, nhà đem đến cho nắm trà xanh, người đem theo chai rượu. Chẳng làm gì có dịch vụ cưới hỏi, tang lễ như bây giờ. Mỗi làng đều có một khoảnh đất công điền làm nơi chôn cất người chết, gọi chung là “mả”, làng tôi có một khu gọi là “mả chùa”.
 
Bây giờ khác xưa nhiều lắm, chẳng ai nói việc gì ngày xưa là tốt cần giữ, hoặc chưa tốt cần cải tiến, hoặc xấu cần bỏ. Thôi thì tùy mỗi người nghĩ thế nào thì làm thế. Tỷ như làng bên, con gái của làng đi lấy chồng, nhà trai phải thực hiện lệ “nộp cheo”, đó là một khoản tiền nhất định để làng dùng vào việc công như xây dựng đường xá chẳng hạn. Vì vậy, xưa có câu ca dao:
 
…“Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”.
 
Ngày nay, nhà có đám chẳng phải lo gì, chỉ lo sao cho có tiền, càng nhiều càng tốt, vì mọi thứ đều đã có “dịch vụ”. Mỗi ngày dịch vụ càng tân tiến, càng phong phú thì gia chủ càng phải chi nhiều tiền. Chuyện hôn nhân thì không nói làm gì, còn chuyện tang lễ thì cái đám “dịch vụ” này nếu như chúng ăn được xác chết chúng cũng ăn.
 
Ngày nay cái tình, cái nghĩa cũng không như ngày xưa. Ngày xưa người chồng chết, người vợ không được đi mà phải lăn trên một đoạn đường phía trước quan tài để tỏ lòng thương xót. Nhà có đại tang thì suốt ba năm kể từ ngày phát tang, cả nhà phải mặc áo “sổ gấu”, tức là đường viền ở gấu áo phải cho nó sổ ra, ý nói cha hay mẹ chết đi, không còn ai chăm sóc chúng con. Ngày nay chỉ còn mỗi miếng nhựa đen bằng hai đầu ngón tay gắn trên ngực, là biết nhà đó đang có tang.
 
Làng tôi có một bà mẹ giàu có, khi bà chết đi, con cái chẳng còn thiếu ai, kể cả những người đang định cư ở nước ngoài, mọi người khóc lóc thảm thiết. Âu cũng là phải đạo. Trước khi chết bà đã chia tài sản cho từng người con và cả người chồng cũng có một phần như các con. Nói về toán học thì bà là “số bị chia”, chồng con bà là “số chia”, số tài sản được chia là “thương số”.
 
Mấy năm sau, chẳng may người cha cũng viên tịch, ngày tang lễ chỉ còn lại những người con sống ở gần, đứa con xa đành “cúng vọng” từ nước khác, quay đầu về cố quốc để khóc cha. Song lý do sâu xa ở chỗ, cha và các con bây giờ đã bình đẳng vì “thương số” đã bằng nhau, đâu có thể trở thành “số bị chia” để mà quan tâm?
 
(Còn tiếp)
Hình trong bài: Nhà quê
Ngày 21/10/2020
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.