SỐNG Ở LÀNG, CHẾT Ở LÀNG

Làng Phú lễ
SỐNG Ở LÀNG, CHẾT Ở LÀNG (Tiếp theo)
Phần 4: Hầm bí mật
 
Làng tôi vẫn sống yên bình từ tháng Tám, 1945; mặc dù Việt Minh và quân đội Pháp đã khai chiến từ năm 1946, song mãi đến năm 1950 quân đội Pháp mới chiếm được tỉnh của chúng tôi (Thái Bình), rồi đến năm 1952 quân đội Pháp cũng bỏ Thái Bình để tập trung quân đối phó với Việt Minh ở Điện Biên Phủ.
 
Thái Bình có làng Nguyễn, suốt mấy năm Pháp chiếm đóng mà chưa một lần vào được trong làng, dân làng Nguyễn đắp lũy, đào hào cắm chông, cũng lại vẫn dùng các bụi tre che chở. Làng Nguyễn sau khi kết thúc chiến tranh đã được nhà nước tặng danh hiệu “Làng anh hùng”.
 
Khác với làng Nguyễn, làng tôi lại là “làng tề” hay con gọi là “làng đã quy thuận” (village rallié), làng bị tạm chiếm. Pháp lập ở làng tôi một bộ máy cai quản, gọi là Hội đồng hay gì đó, nhưng chính những người trong cái hội đồng này, ban ngày là người làm cho Pháp, ban đêm lại trở thành du kích. Vì vậy thời đó, những ai có tính cách ăn nói không dứt khoát bị gọi là “ấm ớ hội tề”.
 
Trong những năm chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn tiến là thời gian chiến tranh du kích ở các địa phương bị tạm chiếm hoạt động rất sôi nổi. Hàng đêm đám trẻ chúng tôi mò lên gần “bốt” địch để đọc tin chiến thắng và vận động ngụy binh bỏ hàng ngũ địch trở về. Chẳng biết có phải vì thế không mà anh con rể của dì tôi mặc áo lính ngụy đã trở thành nội ứng trong quân ngũ của địch.
 
Vì là “làng tề” nên lũ lính muốn vào làng tôi lúc nào cũng được. Tuy thế, du kích của làng vẫn có người cảnh giới. Một khi thấy lính vào làng là báo động bằng cách la lên câu gì đó, đại loại như “trâu lồng đó”. Nghe vậy thì ai cần tránh là chui ngay xuống hầm bí mật như những con còng trên bãi biển, vội chui vào hang khi thấy có động.
 
Khi đó tôi mới 14 tuổi nhưng đám trẻ chúng tôi đã góp sức để đào hầm bí mật cho riêng mình. Bản thân tôi có ba hầm bí mật. Đến nay tôi vẫn không hiểu lấy sức lực ở đâu mà thằng bé mới 14 tuổi đêm đến lại vác cuốc thuổng đi đào hầm? Hai trong ba cái hầm của tôi kín đến mức có thách Pháp tìm cả ngày cũng không ra; một cái có cửa ở bờ ao, muốn vào hầm phải lặn xuống nước để chui vào, một cái đào dưới bụi tre rậm rạp.
 
Một hôm, thầy giáo Hòe dạy chúng tôi ở ngoài vùng “tự do” yêu cầu các trò của thầy đưa về làng để coi cái hầm bí mật thế nào? Chúng tôi đưa thầy về mà chẳng biết là làm như vậy thì nguy hiểm biết chừng nào. Thầy Hòe ngạc nhiên khi nhìn thấy cái cửa hầm bé tý tẹo, chúng tôi phải chỉ cho thầy cách chui xuống và cách ngụy trang trên mặt hầm.
 
Thầy Hòe là nhạc phụ của đương kim bí thư thành ủy Hà Nội, thầy cũng mới qua đời cách nay mấy năm thôi. Thời kỳ đó hai ba huyện mới có một trường trung học nên hàng ngày tôi phải khởi hành từ 4 giờ sáng để đến trường ở vùng tự do, và chiều tối mới về.
 
Về tới làng thì sách vở dấu hết trong đống rơm ngoài cánh đồng để phòng Pháp vào bất chợt thì khỏi bị chúng bắt. Ban đêm là của du kích và đám trẻ chúng tôi thì in truyền đơn, dùng bàn in bằng đất sét để in, đêm sau đem đi rải gần nơi địch đóng quân. Mỗi lần giặc đến thì thả bàn in xuống ao, vì là đất sét rất dẻo nên không bị tan ra nước.
 
Trong làng, tôi cũng thuộc số người “có chữ” (đã có bằng Certificat) nên lão quận trưởng cho ra dạy học, cũng chỉ dạy lớp vỡ lòng và lớp một thôi. Sách giáo khoa do Việt Minh cung cấp, Pháp cũng cấp một bộ sách. Bình thường thì dùng sách của Việt Minh, khi giặc vào làng thì dấu sách của Việt Minh lên máng xối ở đình.
 
Có một chuyện đau lòng. Một lần, anh thanh niên làng tôi cưới vợ, lên xin phép lão quận trưởng. Hắn còn chúc phúc, song ngay đêm tân hôn của đôi tân lang và tân nương, chúng cho lính vào bắt tân lang đem đi thủ tiêu mất xác luôn.
 
Tổng kết cuộc chiến tranh tôi cũng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng hai. Gọi là có đóng góp chút đỉnh vào cuộc kháng chiến của dân tộc thế thôi./.
(Còn tiếp)
 
Hình trong bài: Một phần làng tôi ngày nay.
Ngày 24/10/2020
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.