NẾU… THÌ SAO NHỈ?

Biểu tình
NẾU… THÌ SAO NHỈ?
 
Mấy hôm nay tôi cũng bị lôi cuốn vào cuộc bầu cử thổng thống Mỹ. Ông nào làm tổng thống nước Mỹ đối với tôi chẳng có ảnh hưởng gì, ít nhất là những ảnh hưởng trực tiếp. Nhưng qua cuộc bầu cử của Mỹ, tự nhiên trong đầu tôi là đặt ra mấy câu hỏi.
 
Trước hết, nếu như con voi hay con lừa cùng chiến đấu cho một tôn chỉ, một mục đích chung thì có cần phải chia thành hai đảng này không? Giả dụ, hai đảng cùng tuyên bố, rằng về đối nội thì đến một thời điểm được xác định nào đó (thí dụ năm 2024 chẳng hạn), nhân dân Mỹ sẽ có cuộc sống đúng như trên thiên đường, đại loại như không còn ai nợ ngân hàng, không còn thất nghiệp, không còn homeless…; còn đối ngoại thì làm cho thế giới đoàn kết lại hay tiếp tục bị chia rẽ?
 
Còn nhớ, sau khi Cách mạng tháng Tám 1945, trong nước Việt Nam DCCH có ba đảng – đảng Cộng sản đại diện cho tầng lớp lao động, đảng Xã hội đại diện cho tầng lớp trí thức, đảng Dân chủ đại diện cho tầng lớp tư sản dân tộc. Cả ba đảng cùng chung một tôn chỉ và mục đích là đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc. Chỉ có đối tượng để mỗi đảng vận động là khác nhau, cho nên một khi tôn chỉ và mục đích đã đạt được thì hà cớ gì phải chia làm ba?
 
Vậy là đến năm 1988, đảng Dân chủ và Xã hội tự giải tán, vì họ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Có bao nhiêu nhà trí thức đã cống hiến cuộc đời mình cho cuộc cách mạng do đảng Cộng sản lãnh đạo? Đảng Xã hội có các cụ như Nguyễn Xiển, cụ Hoàng Minh Giám, cụ Phan Anh. Đảng Dân chủ có các cụ như Dương Đức Hiền, cụ Cù Huy Cận, cụ Vũ Đình Hòe đều có công lớn trong cuộc giải phóng dân tộc. Dân tộc ta đã ghi công cho các cụ và hai đảng này bằng tấm lòng yêu mến vô hạn của nhân dân.
 
Tóm lại, nếu tất cả vì một mục tiêu chung, một đường đi chung thì việc gì chia phe chia đảng? Thế gọi là cùng hội cùng thuyền, tiến cùng tiến, lui cùng lui, gặp bão tố cùng nhau chống chọi, gặp sóng dữ cả ba cùng chung tay chèo chống. Tại sao phải chia ba?
 
Rồi đến cái cách thức tiến hành tranh cử ở Mỹ. Mỗi đảng cử ra một ứng viên mà dưới con mắt của tôi, họ giống như những diễn viên, khi đóng vai bi, lúc đóng vai hài; lúc giống như một bồ tát, lúc lại giống một giang hồ. Vạch hết điểm yếu của nhau, thóa mạ nhau, chưa khi nào được nghe hai diễn viên nói một câu tử tế về nhau.
 
Trên sân khấu hai diễn viên cứ diễn, khán giả ngồi dưới cũng chia hai phe, người ủng hộ phe này kẻ phe kia. Hai diễn viên trên sân khấu lời qua tiếng lại, thì khán giả ở dưới cũng chửi nhau không tiếc lời, có lúc còn đâm chém nhau nữa (nghe đâu ngày 4/11 đã 4 người bị đâm chém vì sự chia phe).
 
Thì ra chính trường Mỹ bị phân hóa thì nhân dân Mỹ cũng vậy. Đây là điểm khác biệt với các nước phương đông, mặc dù một số nước phương đông cũng đa đảng, cũng tam quyền phân lập.
 
Nhờ có hai diễn viên lại moi móc đời tư của nhau nên cả thế giới mới biết bên trong chăn có rận. Người ta bảo đó là tự do ngôn luận, là dân chủ. Thì ra ở nước Mỹ người ta không đặt nặng vấn đề tư cách cá nhân của con người đứng đầu đất nước, miễn có nhiều tiền là được. Thế mới là tự do, thế mới là dân chủ!
 
Ở nước Việt Nam ta, giả thử ông Chủ tịch nước đã trải qua ba đời vợ, vợ lại là một người mẫu khỏa thân, rồi như trong một video vào năm 2005 ông ấy khoe mình có thể sờ soạng phụ nữ mà không gặp rắc rối, rồi “ăn bánh trả tiền” vung vít; hoặc giả như ông Chủ tịch lại đưa mấy đứa con vào làm việc trong phủ chủ tịch thành đội ngũ cố vấn của mình; hoặc giả người ta tố con ông ăn hối lộ từ chính phủ nước này nước nọ, thì báo chí của ta sẽ tốn bao nhiêu giấy mực và dân ta có khi không đủ ngôn từ mà chê bai mà chửi bới nữa ấy chứ nhỉ? Chẳng thế mà trong quan chức nhà nước chỉ mới có con du học ở nước ngoài, người ta đã làm ầm ĩ lên.
 
Cái nước Việt Nam ta còn ảnh hưởng phong kiến nặng nề quá nên mới đặt nặng vấn đề hạnh kiểm cũng như các mối quan hệ xã hội, chứ nước Mỹ người ta văn minh lắm, chẳng ai để ý đến chuyện hạnh kiểm. Đã vậy thì nếu có chuyện gì tương tự xảy ra ở Việt Nam thì đừng ai chõ mõm vào mà chê bai nhé. Giống Mỹ mà!
 
Cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ trải qua ba giai đoạn – giai đoạn I đã xong, giai đoạn này chủ yếu là bươi móc nhau, tranh thủ lá phiếu của khán giả nơi này nơi khác, đồng thời vạch áo cho người xem lưng.
 
Giai đoạn II, là bỏ phiếu và kiểm phiếu. Ở giai đoạn này lại nghi ngờ nhau, ai gian manh ai chính trực, nếu ai đó không thỏa mãn thì kéo nhau ra tòa.
 
Giai đoạn III, khi vở diễn đã hạ màn, diễn viên đã tại vị thì đến lượt giành cho khán giả. Các cuộc biểu tình, các cuộc bạo động, phe cấp tiến phe bảo thủ lại lao vào nhau ăn thua đủ. Đây là hiệu quả đáng tự hào của nền dân chủ Mỹ.
 
Cầu trời phù hộ cho nước Mỹ được yên lành chứ số người nhiễm và chết vì Covid 19 đang tăng lên hàng ngày kia kìa./.
 
Hình trong bài: Kết thúc giai đoạn I
Ngày 16/11/2020
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.