BẰNG VẠN LỜI TUYÊN TRUYỀN

Châu Phi
BẰNG VẠN LỜI TUYÊN TRUYỀN
 
Dù có thời gian tôi cũng ít khi vào mạng coi mấy clip nhảm nhí. Thời gian làm việc đó thì để ngủ còn khỏe người. Song tôi thích những hoạt động của bộ đội cùng các nhà khoa học của ta ở châu Phi.
 
Nổi tiếng nhất là các chiến sĩ của ta trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chao ôi! Thấy những người dân châu Phi quây quần bên các anh chị bộ đội, thấy họ giương cao lá cờ đỏ sao vàng mà lòng tôi thấy rạo rực. Người dân Nam Sudan, không cần biết quân đội do Liên hợp quốc tổ chức là ai, từ đâu đến. Chỉ cần trông thấy hai chữ “VIỆT NAM” trên ngực các chiến sĩ thì không cần thủ tục, không cần mệnh lệnh, dù là quân chính phủ Nam Sudan hay quân của phe đối lập thì lá cờ đỏ sao vàng và hai chữ “Việt Nam” giống tấm “miễn tử kim bài” thời phong kiến.
 
Người dân châu Phi nói rằng cái nước có nhiều tiền khi đến châu Phi, đến thời điểm họ rút đi, ngoảnh lại thấy tài nguyên của đất nước đã đi theo họ. Nước khác thì thời điểm họ đến là đảo chính, là bom đạn, là chết chóc. Khi họ rút đi thì đất nước tan hoang. Chỉ có bộ đội Việt Nam đến, đã hướng dẫn cho người dân bản địa cách làm thế nào để đất nước được phủ một màu xanh; làm thế nào để có đủ lương thực cho mỗi người dân. Người Việt Nam đến rồi họ ra về, họ không đem theo thứ gì của xứ sở châu Phi, thứ mà họ để lại là tri thức và hệ thống viễn thông để mọi người dân trong một châu lục rộng lớn có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng.
 
Nhưng tất cả điều đó đều thực hiện theo mệnh lệnh của nhà nước Việt Nam. Có những thanh niên đến với người dân ở Angola, ở Nigeria vân vân, họ luôn mặc trên người chiếc áo có lá cờ tổ quốc. Họ dùng đồng tiền riêng của họ để trả cho các chi phí khoan giếng đưa nước sạch về cho dân làng; họ hướng dẫn cho dân làng cách làm các món ăn mang tính “quốc hồn, quốc túy” của Việt Nam; họ mua quần áo cho trẻ con trong làng, họ tổ chức cho trẻ con bản xứ vui tết Trung thu như những trẻ con quê nhà.
 
Tôi coi mấy cái clip đó mà nước mắt tự nhiên chảy ra khi chàng trai Việt hỏi những em nhỏ, rằng, “ngon không?”, các cháu đáp lại, “Ngon!”; rằng “vui không?”, các cháu đáp lại, “Vui!”. Thì ra các chàng trai của ta đã dạy cho thanh thiếu niên địa phương nói tiếng Việt từ khi nào.
 
Nếu có ai hỏi tôi có vui không? Tôi đáp lại, “Vui lắm!”./.
 
Hình trong bài: (1) Người dân Angola với người Việt; (2) Người Việt tổ chức lễ cưới cho một thanh niên Angola theo phong tục Việt Nam; (3) Trẻ em Angola thử món ăn Việt.
Ngày 25/11/2020
Ph. T. Kh.
Châu phi
Châu phi 4

Add a Comment

Your email address will not be published.