BĂNG & ĐẢNG

Băng đảng
BĂNG & ĐẢNG
 
Nghe từ “băng” người ta thường nghĩ tới những băng tội phạm, băng giang hồ. Còn “đảng” là một từ rất “chính trị” (political), bất cứ đảng nào cũng có tôn chỉ, mục đích và điều lệ (có thể hiểu là bộ luật của đảng đó). Vậy thì rõ ràng là mỗi đảng đều có tôn chỉ riêng, mục đích riêng và luật lệ riêng. Nếu cùng chung một tôn chỉ, một mục đích thì cần gì phải có đảng nọ, đảng kia?
 
Băng, có băng trưởng, dưới băng trưởng có các cấp bậc khác nhau và dưới nữa là một lô một lốc các đàn em. Băng này sẵn sàng thanh toán băng kia bằng vũ lực để giành địa bàn hoạt động, làm bảo kê cho những hình thức kinh tế nào đó, đơn giản như hãng xe đò, hãng buôn ở chợ, thậm chí bảo kê cả việc tổ chức tang lễ như tên Đường Nhuệ ở Thái Bình.
 
Trong một nước có nhiều đảng (chí ít thì cũng có hai đảng) thì mới được mang một cái danh xưng mà nhiều người lấy làm “tự hào” – một thể chế “đa đảng”. Bản thân tôi chưa được sống trong một xã hội “đa đảng” nên cũng không dám phê phán, rằng tốt hay xấu. Song tôi chỉ quan sát thấy và đặt ra mấy câu hỏi, đại loại như, đảng A đại diện cho quyền lợi của ai, cho tầng lớp nào và đảng B thì sao?
 
Nghe nói, ở nước nọ, đảng A là đại diện cho các nhà tài phiệt công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng; đảng B đại diện cho các nhà tài phiệt tài chính. Một khi đảng đã đại diện cho một tầng lớp tài phiệt nào đó thì điều đương nhiên các chính sách mà đảng đó, một khi đã nắm quyền lãnh đạo đất nước, thì đối tượng phục vụ, phải đem lại lợi ích cho nhóm đó, cho giới tài phiệt đó chứ nhỉ?
 
Thế cho nên, một khi đảng A nhận ra mình sắp mất quyền lãnh đạo đất nước, quyền lực sắp rơi vào tay đảng B, thì A chẳng ngần ngại gì mà không có một số hành động gây khó cho B để khi B lên nắm quyền lãnh đạo đất nước sẽ gặp khó khăn, có khi còn bị mất uy tín trước con mắt của cử tri nữa. A làm thế là tính đến nhiệm kỳ sau, có thể giành lại được chiếc ghế đã bị mất. Nếu có ai hỏi tôi có chứng cớ không, thì xin mời coi tin tức trên báo chí và các hãng truyền thông thế giới đều biết.
 
Người ta bảo thế là dân chủ. Ừ thì dân chủ! Nhưng chẳng hiểu cứ mỗi kỳ bầu cử là cái xã hội dân chủ ấy cứ bấn loạn cả lên. Nền chính trị đã phân hóa, dân chúng cũng bị phân hóa. Số này là “fan cứng” của A, số khác lại là “fan cứng” của B, thế là lôi nhau ra đường phố, bên này bắt bên kia phải quỳ xuống, rồi cũng có ẩu đả, có thương vong.
 
Y như những băng giang hồ. Cũng có băng trưởng, dưới ông này có nhiều cấp bậc, rồi cũng có các đàn em, sẵn sàng vu khống nhau, sẵn sàng bươi móc nhau, sẵn sàng xông vào nhau ăn thua đủ, sẵn sàng vận dụng đạo luật này, tu chính án của đạo luật kia để kiện cáo nhau. Đó cũng là dân chủ, là tự do. Ai thích làm gì thì cứ làm, miễn sao giành cho được địa bàn hoạt động, miễn sao bắt được bên kia thần phục.
 
Tôi đã có một bài nói về độc đảng và đa đảng rồi, nên trong bài này không nhắc lại nữa. Chỉ tóm tắt một câu, rằng “nếu có cùng một mục đích là làm cho dân giàu nước mạnh thì cần quái gì phải có đảng nọ đảng kia?”. Có lẽ đảng Cộng sản VN là đảng duy nhất trên thế giới công khai đường đi nước bước của mình từ nay đến năm 2025, 2030 và có tính đến năm 2045. Bản “cáo bạch” này đưa ra cho mọi tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến, kể cả các kiều bào ở nước ngoài. Tại sao họ làm vậy? Vì trong đó họ chỉ nói đến con đường đi lên của dân tộc, của đất nước chứ không nói về quyền lợi riêng của đảng, mà trách nhiệm xây dựng đất nước là của toàn dân. Đó mới là dân chủ.
 
Một khi đã có đảng nọ đảng kia thì tất yếu phải đặt lợi ích của đảng mình là tối thượng, lợi ích quốc gia dân tộc xuống hàng thứ cấp, nếu không thì lần sau cái đảng đó sẽ đưa người khác ra tranh cử.
 
Vì mỗi lần ra tranh cử là phải có tiền, tiền của đảng, tiền của các nhà tài phiệt mà đảng đó phải phục tùng và có cả tiền của các “fan” nữa. Nhớ đấy, một khi đã “ăn quả thì phải nhớ kẻ trồng cây” và “ăn cây nào thì rào cây đó” mà mấy đồng tiền đóng góp cũng chỉ là “tạm ứng” thôi đó, khi giành được ghế rồi thì nhớ trả nghe!
 
Sẽ có nhiều người không thích tôi nói thế, song đây là nhận thức cá nhân. Bạn có thể có nhận thức khác, cái đó thì tùy ở mỗi người./.
 
Hình trong bài: Hình ảnh các băng đảng.
Ngày 2/12/2020
Ph. T. Kh.
Biểu tình 10

Add a Comment

Your email address will not be published.