NGƯỜI VIỆT MÌNH LẠ LẮM

Bộ đội 4
NGƯỜI VIỆT MÌNH LẠ LẮM
 
Một buổi sáng nọ hai cha con tôi ngồi uống cà-phê với nhau, con trai bảo người Việt mình lạ lắm bố ạ. Ừ nhỉ?
 
Hồi những năm 1975 trở về trước, ai bảo nước Việt Nam là một quốc gia giàu có? Cái nghèo thời ấy thì ai cũng biết cả nên không cần nói lại. Nghèo làm cho con người trở nên ốm yếu (về thể xác). Và có một số người thì cái nghèo lại làm cho họ trở nên hèn hạ.
 
Nhưng đại đa số dân Việt thì không vậy. Chúng ta nghèo nhưng chúng ta không hèn. Chúng ta yếu nhưng chúng ta chưa bao giờ chịu khuất phục trước kẻ mạnh. Tại sao chúng lại có được phẩm chất ấy, sức mạnh ấy?
 
Vì người Việt chúng ta lúc nào cũng LẠC QUAN yêu đời. Điều này thì ai cũng thấy. Thời chiến tranh khó khăn là thế, gian khổ là thế nhưng chưa bao giờ tắt nụ cười trên môi người Việt, chẳng thế mà ngày đó đã có câu ca, “ăn nhanh, đi chậm hay cười, hỏi rằng ai đó – ấy người Việt Nam”. Dù rằng đi chiến đấuu là sẽ có hy sinh, nhưng khi phải ra trận, thì người lính lại ca rằng, “đường ra trận mùa này đẹp lắm!”.
 
Vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc biết cách GIỮ GÌN TRUYỀN THỐNG. Một ngàn năm bị phương bắc đô hộ mà chúng ta không bị mất nước, cái tên Việt Nam tuy có cách gọi khác nhau nhưng cuối cùng vẫn là chính nó. Trên một trăm năm hết bị Pháp rồi đến Mỹ cai trị nhưng nước Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.
 
Vì mỗi khi đất nước bị lâm nguy thì cả dân tộc ĐOÀN KẾT lại một khối, không lực nào có thể phá vỡ. Các bạn hãy nhớ lại đi, có phải như vậy không? Vì thế chúng ta mới tiến hành được cuộc chiến tranh nhân dân, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
 
Vì đức tính HY SINH của người Việt gần như là truyền thống văn hóa của dân tộc. Khi khói lửa chiến tranh lan đến quê nhà, người vợ ở nhà đảm đang mọi công việc để người chồng an tâm lên đường đánh giặc. Dù phải chờ chồng nơi chiến trận từ năm này sang năm khác, nhiều trường hợp đến ngày cuối cùng lại nhận được một giấy báo tử. Khắp đất nước từ bắc vào nam, từ đồng bằng lên miền núi đâu đâu cũng có bà mẹ Việt Nam anh hùng.
 
Vì lòng DŨNG CẢM của những người ra trận. Trước khi lên đường ra trận, ai cũng hiểu rằng, có thể sẽ không có ngày trở về, song không một ai nhụt chí. Có anh hùng dùng thân mình để lấp lỗ châu mai nơi lô cốt địch; có anh hùng khi lâm trận thì “nhằm thẳng quân thù, bắn!”; lại có anh hùng lao thẳng máy bay của mình vào máy bay địch; lại có những người lính, khi trận địa đã bị giặc tràn lên chiếm, yêu cầu các pháo thủ bắn thẳng vào trận địa, thà hy sinh tất cả để giành chiến thắng. Các chiến sĩ pháo binh ta vừa khóc vừa bắn.
 
Nếu ai có dịp đọc những dòng nhật ký của những chiến sĩ ta ngoài mặt trận, không thể tìm thấy một dòng nào tỏ ra có sự bạc nhược, sự đầu hàng trước sự khốc liệt của chiến tranh. Chính Nick Út, phóng viên chiến trường, khi cầm cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một cô gái Hà Nội, hy sinh ở mặt trận xứ Quảng, đã phải thốt lên với người lính Mỹ, “đừng đốt, trong này đã có lửa”.
 
Vì người Việt chúng ta rất SÁNG TẠO. Xét về phương tiện chiến tranh, chúng ta thua kẻ địch rất nhiều, song ta thực hiện chiến tranh nhân dân. Trong chiến tranh, từ đánh trong nội thành, vùng nông thôn, trên không, trên rừng núi hay trên sông biển, chúng ta có hàng vạn cách đánh khác nhau làm có quân địch phải khiếp sợ và thất bại.
 
Ngày nay, chúng ta sống trong hòa bình, thống nhất có còn cần phải hy sinh không? Có đó. Mặt trận ngày nay là cuộc đấu tranh giữa mình với chính mình, giữa ta với ta, giữa sự liêm chính với những toan tính nhỏ nhen. Vẫn là một cuộc đấu tranh “ai thắng ai”. Sự hy sinh ngày nay khó khăn hơn nhiều, chỉ có những con người kiên trung với lý tưởng mới có thắng được chính mình mà thôi./.
 
Hình trong bài: “nụ cười Việt Nam”
Ngày 28/12/2020
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.